Béo phì và thừa cân
Nếu biểu đồ tăng trưởng của trẻ cho thấy phát triển cân nặng chênh lệch so với chiều cao, đó là dấu hiệu đáng lo đầu tiên. Chúng ta cần theo dõi chỉ số khối cơ thể của trẻ để biết tình trạng thừa cân và béo phì vì tất cả những điều này dẫn tới thay đổi hormon, gây dậy thì sớm. Dư thừa mỡ hoặc mô mỡ trong cơ thể làm thay đổi hàm lượng estrogen, insulin và leptin - điều này làm tăng nguy cơ dậy thì sớm. Cách tốt nhất để tránh béo phì là khuyến khích trẻ tăng cường các hoạt động ngoài trời ít nhất 3 lần mỗi tuần, 35 phút/lần.
Tiếp xúc với các hóa chất
BPA - một hóa chất được tìm thấy trong hộp nhựa, màng bọc thực phẩm, chất hàn răng, chai đựng nước… Có nhiều nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm với BPA là một trong những nguyên nhân chính gây dậy thì ở bé gái. Phthalates - một dạng khác của hóa chất tiềm ẩn có trong mỹ phẩm, keo xịt tóc và chất khử mùi - cũng có thể dẫn tới phát triển ngực sớm ở bé gái.
Đồ ăn vặt
Đồ ăn vặt là một trong những nguyên nhân chính gây béo phì ở trẻ. Hàm lượng chất béo động vật cao làm tăng yếu tố tăng trưởng giống insulin, dẫn tới dậy thì sớm. Đây là một tình trạng phổ biến ở những trẻ hấp thu mỡ động vật cao ở độ tuổi 3-7 tuổi. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết cấm trẻ ăn thịt mà cần hạn chế tối đa những loại thịt chế biến sẵn, thịt đỏ, chỉ nên ăn 2-3 lần mỗi tuần.
Thay đổi hormon
Việc trẻ tiếp xúc quá sớm với những nội dung dành cho người lớn qua phim ảnh, sách báo, game online… - đều có ảnh hưởng tới não, đặc biệt là tuyến yên. Tuyến này khi bị kích thích sẽ bài tiết ra Gonadotropin, kích thích các tinh hoàn hoặc buồng trứng sản sinh hormon giới tính Testosteron và Estrogen, từ đó gây dậy thì sớm.
Suy dinh dưỡng
Ngay cả trẻ không ăn nhiều và kén ăn cũng có nguy cơ dậy thì sớm, bởi với những trẻ này, cha mẹ thường có xu hướng để chúng ăn uống tự do những thực phẩm nhiều đường và chất béo. Thói quen ăn uống sai lầm này cũng có thể làm gián đoạn chu kỳ nội tiết dẫn đến dậy thì sớm.