Những nguyên nhân chính lao động trẻ thích rút Bảo hiểm xã hội một lần

0:00 / 0:00
0:00
Tính từ năm 2016 tới nay, người lao động (NLĐ) nhận Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần liên tục tăng, hầu hết số này tuổi đời dưới 40. Qua phân tích số liệu, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính NLĐ rút BHXH một lần.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi (vừa trình Quốc hội cho ý kiến), trong đó có đề xuất sửa quy định về BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành phân tích số liệu NLĐ nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022. Qua phân tích, bộ này chỉ ra 5 nguyên nhân chính NLĐ nhận BHXH một lần.

Cụ thể, đa số NLĐ nhận BHXH một lần làm trong khu vực ngoài nhà nước (gần 91%), họ chủ yếu làm trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều, trình độ nhận thức và tuổi đời còn chưa cao (hơn 77% dưới 40 tuổi). Khi NLĐ bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt, như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình, đầu tư cho con ăn học cho nên nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động sau khi nghỉ việc rất lớn. Hầu hết lao động trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.

Qua quá trình khảo sát, phỏng vấn trực tiếp, nhiều công nhân cho biết, sau khi nghỉ việc, trước tiên NLĐ sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp, sau đó nghĩ đến đi vay đảm bảo cuộc sống, chăm sóc con nhỏ. Giữa việc đi vay và nhận BHXH một lần, họ thường chọn nhận BHXH một lần, nếu chưa đủ 1 năm sau khi nghỉ việc, họ chọn biện pháp “thế chấp sổ BHXH” để nhận được ngay số tiền chỉ bằng 60% số tiền đáng lẽ họ được nhận.

Những nguyên nhân chính lao động trẻ thích rút Bảo hiểm xã hội một lần ảnh 1

Nhiều NLĐ mất việc làm chọn nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con nhỏ.

Bên cạnh đó, nhiều NLĐ vẫn coi phần đóng góp BHXH của người sử dụng lao động như một khoản phúc lợi lớn cho mình. Họ không coi đó là khoản đóng góp mà nhà nước yêu cầu người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trong quá trình NLĐ làm việc cho mình, đây cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, để bảo vệ NLĐ khi về già, không còn khả năng làm việc, và không có thu nhập vẫn có lương hưu. Do đó, mỗi khi có dịp được hưởng “khoản phúc lợi lớn” này, NLĐ thường “tận dụng” ngay.

Thứ hai, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng lớn, như: Du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc… ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Tình trạng lao động thiếu việc, không có việc, mất việc tăng, trong đó có nhiều người không còn cơ hội tái tham gia thị trường (tuổi cao), cũng làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.

Ngoài ra, việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHTN của một số đơn vị sử dụng lao động còn chưa nghiêm; thiếu quan tâm đến quyền lợi của NLĐ nên NLĐ không được hưởng đầy đủ các chế độ, không muốn gắn bó với hệ thống BHXH; cắt giảm lao động lớn tuổi…

Thứ ba, thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là duy trì việc làm cho NLĐ mất việc làm thông qua giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề… Nếu thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, sẽ góp một phần giải quyết bài toán về việc làm, qua đó giải quyết tài chính ngắn hạn để NLĐ ổn định cuộc sống, thay vì tìm đến BHXH một lần như là một công cụ tài chính trước mắt.

Thứ tư, niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH và khả năng tiếp cận thông tin chính thống còn hạn chế, trong khi các nguồn tin không chính thống trên các trang mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý của NLĐ. Đặc biệt, trên mạng xã hội thời gian qua có nhiều thông tin không đúng về vấn đề tài chính quỹ BHXH, sự so sánh không đúng giữa việc gửi tiết kiệm, bảo hiểm nhân thọ với BHXH… làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH. Ngoài ra, quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách BHXH thời gian vừa qua cũng ảnh hưởng tới tâm lý NLĐ.

Những nguyên nhân chính lao động trẻ thích rút Bảo hiểm xã hội một lần ảnh 2

Cuối cùng, quy định điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới có lương hưu hằng tháng được đánh giá là quá dài. Trong khi đa số NLĐ khi nghỉ việc mới đóng BHXH 3-10 năm, rất khó đưa ra quyết định bảo lưu chờ đóng tiếp sau này để được nhận lương hưu. Nhiều NLĐ 45-50 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH khó có cơ hội hưởng lương hưu với điều kiện tối thiểu 20 năm đóng.

Điều kiện năm đóng tối thiểu để có lương hưu quá dài cùng những khó khăn trong việc tìm kiếm, duy trì việc làm ở khu vực chính thức (để đóng BHXH bắt buộc), đã khiến nhiều NLĐ nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng trong cách tính mức hưởng BHXH một lần cho những năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi (tăng từ 1,5 tháng lương lên 2 tháng cho mỗi năm đóng BHXH), cũng tác động đến việc hưởng BHXH một lần của người lao động.

Khảo sát của Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) cũng cho thấy, có 61% người từng nhận BHXH một lần cho biết, nguyên nhân họ nhận chế độ này do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc; khoảng 14% lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,84 triệu NLĐ được giải quyết hưởng BHXH một lần, bình quân năm sau tăng cao hơn năm trước hơn 12%.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.