Những nguy cơ có thể gặp khi mua, dùng chung tài khoản ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc mua, bán hoặc cho thuê tài khoản ChatGPT đang diễn ra rầm rộ vì độ “nóng” của phần mềm trí tuệ nhân tạo này. Các chuyên gia cho biết, thực trạng này có nhiều nguy cơ, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác…

Hàng chục nghìn người tham gia các nhóm mua bán

Dù ChatGPT đang tạo thành cơn sốt tìm kiếm trên toàn thế giới trong thời gian vừa qua, nhưng hiện tại, ChatGPT chưa cho phép đăng kí trực tuyến tại Việt Nam. Muốn tự tạo tài khoản ChatGPT tại Việt Nam, người dùng cần nhiều thao tác như đổi địa chỉ IP, thuê số điện thoại đầu số nước ngoài… cùng với nhiều thao tác phức tạp khác. Vì thế, dịch vụ cho thuê, mua bán tài khoản ChatGPT đang khá sôi động trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “mua bán tài khoản ChatGPT”, “thuê tài khoản ChatGPT” trên mạng xã hội facebook, chúng tôi tìm thấy rất nhiều nhóm mua bán tài khoản như “ChatGPT – Mua Bán Tài Khoản OpenAI”; “Mua bán tài khoản ChatGPT”… và rất nhiều các nhóm khác, với số lượng thành viên lên đến hàng chục nghìn người ở mỗi nhóm.

Để thấy thị trường đang sôi động đến mức nào, chỉ cần thử tham gia bình luận trên một bài viết đang rao bán, chúng tôi nhận được nhiều bình luận, tin nhắn giới thiệu về dịch vụ, và được đưa vào nhóm chat zalo với nhiều thành viên khác. Nhắn tin và hỏi với tài khoản Zalo có tên là Trần Tuấn, một thành viên trong nhóm trên Zalo, được người này đưa ra mức giá là 20 nghìn đồng trên tài khoản, “Chỉ cần cho tài khoản gmail và chuyển khoản, sau khoảng năm phút là có tài khoản để dùng”, Tuấn nói.

Theo chia sẻ của Tuấn, mức giá 20 nghìn đồng là tài khoản VIP, bao gồm tiền công và tiền thuê số thuê bao nước ngoài. Hiện có ba loại tài khoản, một là tài khoản lập trên một số điện thoại riêng, được gọi là tài khoản “VIP” vì có sẵn 18 USD trong tài khoản, có thể dùng nhiều tiện ích hơn như tích hợp phần mềm đồ họa, thiết kế 3D trên website OpenAI.com. Hai là tài khoản lập trên một số điện thoại dành cho nhiều tài khoản, không có tiền trong tài khoản, loại tài khoản thường này có giá rẻ hơn. Ba là một tài khoản được chia sẻ cho nhiều người dùng, loại này theo Tuấn là không nên dùng vì dễ để lộ lọt thông tin cá nhân.

Những nguy cơ có thể gặp khi mua, dùng chung tài khoản ChatGPT ảnh 1

Một bài rao bán tài khoản trên mạng xã hội facebook, nhóm để chế độ riêng tư có đến gần 40 nghìn thành viên tham gia.

Một số người lấy mức phí chỉ 10.000 – 20.000 đồng, nhưng cũng có nơi “hét” giá lên tới 60.000 – 100.000 nghìn đồng. Với số lượng hàng chục nghìn thành viên ở mỗi nhóm, nhẩm tính, chỉ cần 20% số đó mua tài khoản, doanh thu của công việc “thời vụ” này cũng có thể lên tới vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Số lượng công việc nhiều đến mức phải tuyển cộng tác viên, như tài khoản mạng xã hội Facebook Lý Hoàng Nam chia sẻ trên nhóm ChatGPT – Mua Bán Tài Khoản Open AI: “Tuyển cộng tác viên đăng ký tài khoản ChatGPT – hoa hồng cao”.

Tiềm ẩn rủi ro

Theo nhiều chuyên gia, việc mua, bán tài khoản tràn lan và nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, kẻ xấu có thể yêu cầu người mua chuyển khoản trước mà không cung cấp tài khoản, mật khẩu. Hoặc khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo có thể sẽ chặn liên lạc, hoặc đưa tài khoản không sử dụng được. Có khi, kẻ xấu sẽ dẫn dụ người mua đưa thông tin email và mật khẩu, người dùng có thể bị đánh mất thông tin tài khoản và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.

Theo ông Vũ Thanh Thắng – Giám đốc cấp cao về trí tuệ nhân tạo, Công ty An ninh mạng thông minh (SCS), khi dùng chung tài khoản ChatGPT, những câu hỏi riêng tư, hoặc thông tin bí mật của người dùng sẽ được lưu lại. Vì lí do này, những người dùng chung một tài khoản sẽ nắm được thông tin để theo dõi, đọc trộm thông tin của những người khác. Hoặc có thể, khi người dùng mua lại tài khoản, thì chính người bán là người có quyền kiểm soát tài khoản đó.

Theo ông Thắng, hiện tượng mua bán tràn lan này có nhiều mặt rủi ro, có thể mất tiền do các tài khoản được bán không hợp lệ, hoặc lộ lọt thông tin cá nhân như: điện thoại, email, số tài khoản ngân hàng... “Mọi người nên thận trọng khi sử dụng các dịch vụ ChatGPT tại Việt Nam tại thời gian này để tránh rủi ro” – ông Thắng nói. Ngoài ra, vì không phải là người sở hữu số tài khoản, người dùng có thể mất tài khoản bất cứ lúc nào nếu người giữ số điện thoại thu hồi hoặc phần mềm Chat GPT yêu cầu xác minh số điện thoại.

“Ngược lại, nhà cung cấp (tức là công ty OpenAI, đơn vị sở hữu ChatGPT - PV) cũng phải chịu nhiều rủi ro khi có nhiều tài khoản “lậu” vì số lượng các tài khoản sẽ được tạo ra với số lượng lớn, cường độ hoạt động của các tài khoản cao, được mua bằng các thẻ tín dụng bị lấy cắp… Điều đó gây ra các hiện tượng chậm, nghẹn thắt cổ chai, gián đoạn dịch vụ... Về lâu dài nhà cung cấp dịch vụ có thể bị truy thu tiền do các tài khoản “lậu” sử dụng các thẻ tín dụng bị trộm cắp”, ông Thắng cho biết.

Hiện tượng mua bán tràn lan tài khoản ChatGPT có thể dẫn đến việc mất tiền mà không nhận được tài khoản, mật khẩu; hoặc lộ lọt thông tin cá nhân như số điện thoại, email, số tài khoản ngân hàng… nếu người dùng không cảnh giác”, ông Vũ Thanh Thắng – Giám đốc cấp cao về trí tuệ nhân tạo, Công ty SCS.

MỚI - NÓNG