Người Việt trẻ tiết kiệm cả chục triệu USD
Tiếp nối thành công từ dự án chế tạo giàn khoan dầu khí đầu tiên Tam Ðảo 03 (công trình giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ-), kỹ sư trẻ của Cty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí - PVShipyard mạnh dạn tiếp nhận dự án thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 120 mét nước Tam Ðảo 05.
Kỹ sư Nguyễn Quang Thắng, giám đốc dự án (quê Bắc Giang), sau khi tốt nghiệp khoa cơ khí trường Ðại học Bách khoa Hà Nội, bén duyên với ngành cơ khí chế tạo giàn khoan. Tốt nghiệp đại học với những lí thuyết cơ bản về cơ khí, trong khi đó, chế tạo giàn khoan là ngành mới ở Việt Nam, chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, anh Thắng dần tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình làm việc.
Khi chế tạo, lắp đặt giàn Tam Ðảo 03, anh Thắng là trợ lý cho chuyên gia nước ngoài quản lý dự án. Ngày trên công trường, đêm về anh cặm cụi ghi chép những kinh nghiệm “học lỏm” từ vị chuyên gia ấy. Ba năm sau, khi ký hợp đồng chế tạo Tam Ðảo 05, công ty quyết định giao anh Thắng làm giám đốc dự án. “Khi ấy, tôi mới 39 tuổi, nhiều người từng đặt câu hỏi: Tại sao giao dự án hàng trăm triệu đô la cho một kỹ sư trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm? Lúc mới nhận dự án, nhiều đêm tôi không ngủ vì lo lắng. Cả tổ hợp hàng nghìn thiết bị, máy móc, với 2.000 bản thiết kế chi tiết, có thời điểm tới 3.000 công nhân làm việc trên công trường, tôi phải cố gắng để phối hợp nhịp nhàng công việc giữa các bộ phận khác nhau”, anh Thắng kể.
Phòng điều khiển giàn khoan Tam Ðảo 05. Ảnh: Tiến Dũng.
Vào cuối năm 2015, trong lễ hạ thuỷ giàn khoan Tam Ðảo 05, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân nhắc lại, khi Bộ KH-CN phê duyệt dự án đóng mới giàn khoan Tam Ðảo 03, là dự án lớn nhất trong lịch sử ngành khoa học công nghệ Việt Nam. Và năm sau, Tam Ðảo 05 đã phá vỡ “kỷ lục” đó.
“Tam Đảo 05 giúp Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia ở châu Á và một trong 10 quốc gia trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan dầu khí tự nâng”.
Tổng giám đốc PVShipyard Ðào Ðỗ Khiêm
So với Tam Ðảo 03, Tam Ðảo 05 nâng cao tỷ lệ nội địa hóa từ thiết kế bản vẽ, chế tạo lắp đặt thiết bị. Một trong những thiết bị phức tạp là hệ thống nâng hạ chân giàn khoan. Thay bằng việc nhập khẩu nguyên chiếc, kỹ sư Việt Nam mua phụ tùng như bánh răng… về lắp ráp trong nước, tiết kiệm cả chục triệu đô la. Hơn nữa, bộ phận nâng hạ ở Tam Ðảo 03 ở mức 90m nước, Tam Ðảo 05 lên tới 120 mét nước khiến độ phức tạp cao hơn nhiều lần.
Tại lễ bàn giao cho chủ đầu tư vào tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhấn mạnh: Tam Ðảo 05 có tỷ lệ nội địa hoá cao đã tiết kiệm nguồn ngoại tệ nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao từ nước ngoài. Thành công của dự án khẳng định khả năng mở ra lĩnh vực mới, năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế, tạo tiền đề, tiến tới xuất khẩu giàn khoan do Việt Nam chế tạo ra khu vực và quốc tế.
“Thành phố thu nhỏ giữa biển khơi”
Bước chân vào giàn khoan Tam Ðảo 05, bất cứ ai cũng có thể choáng ngợp trước hệ thống máy móc, dây cáp, thiết bị hiện đại, kéo dài xuyên suốt qua từng căn phòng riêng biệt trong mỗi tầng hầm khác nhau. Phó Tổng giám đốc PVShipyard Ðào Ðỗ Khiêm nói: “Không gian giàn khoan rất rộng, như một thành phố thu nhỏ. Ðể hoàn thành, kết nối từng bộ phận, chúng tôi thiết kế mô hình 3D trên bản vẽ chi tiết để mỗi kỹ sư, công nhân hiểu cụ thể công việc giúp việc lắp đặt diễn ra xuyên suốt. Chỉ cần chi tiết nhỏ bị lỗi, tiến độ cả dự án sẽ chậm theo. Mỗi căn phòng ở các tầng đều tích hợp nhiều thiết bị, phụ tùng khác nhau. Có thiết bị nặng hàng trăm tấn và đòi hỏi yêu cầu xử lý công nghệ cao”.
Giàn khoan Tam Ðảo 05 ghi dấu Việt Nam trên bản đồ ngành cơ khí chế tạo thế giới.
Tại hầm máy, hàng chục máy phát điện với tủ điều khiển chạy suốt ngày đêm phục vụ hoạt động giàn khoan. Trung tâm giàn khoan là hệ thống nâng hạ - bước đột phá của ngành chế tạo giàn khoan Việt Nam. Trên tầng 3 của giàn khoan là bộ phận lắp đặt mũi khoan. Với khả năng khoan sâu 9km, từng đoạn mũi khoan to chừng bắp chân xếp la liệt. Một chiếc máy lắp ráp từng đoạn mũi khoan vào với nhau.
Chiếm diện tích khá lớn là khu phòng ăn, nghỉ của kỹ sư, công nhân trên giàn khoan. Từng căn phòng sạch sẽ, gọn gàng với chiếc giường đơn, tủ quần áo. Nhà ăn đủ bếp nấu, bàn ăn, và cả tivi, đầu thu giúp công nhân, kỹ sư giải trí sau giờ làm việc.
Trên cùng, sân trực thăng, cũng là nơi nhìn bao quát toàn bộ giàn khoan. Ðể kết nối, di chuyển xung quanh giàn khoan, rất nhiều cây cầu được dựng lên. Mỗi cầu được sơn màu vàng- trắng để phân biệt cho công nhân di chuyển đến từng vị trí như từ hệ thống nâng hạ sang khu phòng ở; từ khu điều khiển mũi khoan lên sân trực thăng…
“Giàn khoan như thành phố thu nhỏ giữa biển khơi, nơi kỹ sư công nhân sinh sống làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, chịu được bão cấp 12, với khả năng trụ vững ở độ sâu 120 mét nước. Vì vậy, từng chi tiết phải cực kỳ cẩn thận, để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tam Ðảo 05 giúp Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia ở châu Á và một trong 10 quốc gia trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan dầu khí tự nâng”, ông Khiêm cho biết.
Ngoài 2 dự án đóng mới giàn khoan, kỹ sư của PVshipyard còn nhận bảo dưỡng, sửa chữa giàn khoan của nhiều công ty nước ngoài. Từ thành công đã đạt được, kỹ sư trẻ Việt Nam đã và đang khẳng định uy tín, ghi danh Việt Nam trên bản đồ ngành cơ khí chế tạo giàn khoan trên thế giới.
Giàn khoan Tam Ðảo 05 có chiều dài 70m, rộng 76m, cao gần 10m, sức chứa 140 người, tổng khối lượng khoảng 18.000 tấn, khả năng chuyên chở gần 6.500 tấn. Tam Ðảo 05 hoạt động ở độ sâu 120m nước; khả năng khoan sâu 9km, chịu được sóng gió cấp 12.