Máy bay tự chế của nông dân
Đã từng thất bại với phiên bản máy bay tự chế vài năm trước đó, kỹ sư Bùi Hiển (tỉnh Bình Dương) vẫn không nản lòng mà tiếp tục đầu tư công, của vào chiếc máy bay thứ hai với nhiều cải tiến. Lần này ông Hiển quyết tâm tạo ra sản phẩm đạt đến tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Hiển chia sẻ, rút kinh nghiệm từ phiên bản máy bay thứ nhất, lần này máy bay của ông là động cơ nhập ngoại. Tuy nhiên, những phần còn lại như cánh quạt, kết cấu khí động học, cân bằng, bộ số, bộ truyền động… hoàn toàn do tự chế.
Quá trình thử nghiệm máy báy không người lái tại Lâm Đồng.
Điều đáng nói, mục đích để ông Hiển quyết tâm đầu tư tạo ra mô hình máy bay lần này không vì mục đích thương mại hay kiếm lời gì, đơn giản chỉ để chứng minh cho bạn bè thế giới biết rằng, người nông dân Việt cũng có thể làm được mọi thứ. Ông Hiển không phải là người duy nhất muốn chứng minh khả năng chế tạo máy bay của người dân Việt. Anh Nguyễn Văn Thắng (43 tuổi, thợ cơ khí ở Long Biên, Hà Nội) cũng đã chế tạo một chiếc chiếc máy bay với phụ tùng tự chế hoặc tìm mua. Đó là bánh xe, bộ tỏa nhiệt, bình xăng của máy bay lấy từ chiếc ô tô cũ, hai đồng hồ trong buồng lái là của xe máy.
Kết quả chiếc máy bay tự chế nặng 185 kg, cao 2m60, rộng 1m55, chiều dài thân và đuôi là 6m80 và chiều dài cánh là 5m50. Với thông số này thì đây là chiếc trực thăng tự chế lớn nhất Việt Nam tính đến nay. Tuy nhiên, chiếc máy bay của anh Thắng chỉ thử nghiệm thành công trong hai lần đầu.
Hai người Việt khác cũng từng gây chú ý của cộng đồng khi liên tiếp mày mò chế tạo trực thăng, đó, ông Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải (Tây Ninh). Từ năm 2003, họ từng mày mò chế tạo chiếc trực thăng, nhưng đến năm 2004, khi đang thử nghiệm thì bị cơ quan chức năng giữ vì chưa được cấp phép. Đến năm 2006, hai ông tiếp tục tạo ra trực thăng mới. Vật liệu tạo ra đều được hai ông tìm mua ở chợ đồ điện, đồ sắt, hay từ xưởng cơ khí tự chế của ông Hải. Tuy nhiên sản phẩm của họ không được Bộ Quốc phòng công nhận.
Máy bay không người lái, vệ tinh Made in Việt Nam
Năm 2012 với những nghiên cứu bài bản, dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới Viện Kỹ thuật quân sự Quân chủng Phòng không Không quân đã đã đưa ra sản phẩm máy bay không người lái UAV- 02 tham gia mục đích quân sự.
Vệ tinh Pico Dragon trong phòng thí nghiệm
Với tính năng bay hoàn toàn tự động theo chương trình đặt trước của người chỉ huy, UAV-02 có các tính năng chiến-kỹ thuật và công nghệ chế tạo vượt trội, có thể làm mục tiêu bay cho máy bay Su-30MK2 chặn kích và sử dụng vào các mục đích quân sự quan trọng khác. UAV-02 điều khiển độc lập dẫn đường quán tính INS, có tốc độ hành trình cận âm 0.85M, tăng thời gian bay và bán kính hoạt động, bay giám sát biển, đảo… Tháng 5/2013, máy bay không người lái - kết quả của đề tài "Nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học" do Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao Viễn thông-Tin học (HTI), thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện cũng được công bố. Loạt máy bay được thử nghiệm ở Hòa Lạc (Hà Nội), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) cho kết quả khả quan khi chụp được những bức ảnh mặt đất rõ nét.
Cũng trong 2 năm gần đây, ngành khoa học Công nghệ Vũ trụ của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tháng 3/2014 vệ tinh mini PicoDragon đã bốc cháy khi rơi vào tầng khí quyển của Trái đất, đánh dấu thành công bước đầu trong lộ trình phát triển vệ tinh của Việt Nam.
Đây cũng là vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên do nhóm nhà khoa học thuộc Trung tâm Vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tự chế tạo. PicoDragon vào vũ trụ vào tháng 8 năm ngoái nhờ tàu vận tải HTV4 được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima (Nhật Bản). Giữa tháng 12/2013, vệ tinh được phóng ra từ Trạm vụ trụ quốc tế. Trong hơn ba tháng hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh tương đối ổn định và liên tục phát tín hiệu quảng bá "PicoDragon VietNam" đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
Theo lộ trình, tới 2016, Việt Nam sẽ thiết kế, chế tạo vệ tinh nano có tên NanoDragon nặng 10kg; năm 2018 sẽ thiết kế, chế tạo vệ tinh micro có tên MicroDragon nặng 50kg và tới 2020 sẽ thiết kế vệ tinh nhỏ LOTUSat2 nặng 500kg. LOTUSat2 sẽ là vệ tinh thương mại, có thể sản xuất ảnh vệ tinh để bán ra thế giới...