Những người trẻ hồi sinh nghề truyền thống

Anh Phạm Anh Đạo đang hoàn thiện sản phẩm gốm của mình. Ảnh: Q.L
Anh Phạm Anh Đạo đang hoàn thiện sản phẩm gốm của mình. Ảnh: Q.L
TP - Họ là những người trẻ điển hình gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại. Nhờ sức trẻ, dám nghĩ dám làm, những làng nghề truyền thống từng bị mai một như đang được hồi sinh trở lại...

Mang gốm “vuốt tay” sang trời tây

Anh Phạm Anh Đạo (thôn 2, làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những người trẻ hiếm hoi còn “giữ lửa” nghề gốm vuốt tay do cha ông để lại từ bao đời nay ở Bát Tràng. Đạo sinh ra chỉ nặng 1,5 kg, đau ốm liên miên, thường phải dùng thuốc kháng sinh. Từ đó, đôi tai gần như bị điếc khiến khả năng nói và diễn đạt của anh cũng trở nên khó khăn.

Anh Đạo kể, lớn lên, anh ngồi thu lu một góc nhìn bố nhào, vuốt gốm hằng ngày. Bố biết anh quan sát và cảm nhận được hết. Bố động viên anh và đưa đi khắp các nhà làm gốm trong làng để xem người ta làm gốm, rồi vào Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng học nghề. Chưa đầy một năm, anh đã làm được hết những việc mà chỉ người thợ bậc cao mới làm được.

Những người trẻ hồi sinh nghề truyền thống ảnh 1 Anh Trần Thắng Mỹ kiểm tra chất lượng nem chua rán Ước Lễ trước khi bán ra thị trường. Ảnh: Bình Minh.

Khi gốm Bát Tràng loay hoay trong khó khăn, gốm vuốt tay bị gốm công nghiệp lấn lướt, nhiều người thợ bỏ hẳn nghề, anh Đạo là người duy nhất mạnh dạn mở lò gốm vuốt tay. Lò gốm của anh mỗi mẻ chỉ làm vài trăm chiếc, không có cái nào giống nhau. Mỗi sản phẩm, anh thường chỉnh đi chỉnh lại đến khi theo chuẩn của mình mới thôi. Anh Đạo cũng dành nhiều thời gian để phục chế gốm hoa nâu Lý - Trần, gốm men lam, men nước dưa, nước dong, men rạn... mày mò làm chóe, thạp, ấm tích, độc bình. Tỉ mỉ và độc đáo nên các sản phẩm anh làm ra được khách hàng rất ưa chuộng. Có những chiếc bình cỡ to anh làm bán được với giá hàng chục triệu đồng/chiếc. Nhiều khách hàng trong nước và nước ngoài tìm đến tận nơi đặt hàng. Gốm vuốt tay của anh Đạo không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất sang Nhật Bản, Mỹ. Cơ sở sản xuất gốm của anh hiện cho doanh thu hằng năm hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Với tài năng của mình, anh Đạo còn là nghệ nhân trẻ tuổi nhất của làng gốm Bát Tràng được Sở Công Thương Hà Nội trao tặng danh hiệu nghệ nhân (khi mới 31 tuổi). Anh còn được bầu chọn là một trong 10 công dân tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra anh cũng thường xuyên được mời tham gia thao diễn nghề vuốt gốm tại các sự kiện văn hóa lớn trong nước.

Tại làng gốm Bát Tràng, những gia đình cha truyền con nối làm nghề gốm, đặc biệt là gốm vuốt tay chỉ còn vài người. Trong khi đó, nhiều cơ sở bên ngoài mạo danh, gắn mác gốm Bát Tràng, thậm chí trà trộn gốm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nếu chúng ta không có ý thức gìn giữ, nghề này sẽ bị thất truyền. “Tôi luôn sẵn sàng dạy cho những người có nhu cầu học nghề gốm vuốt tay, truyền hết các ngón nghề cho họ. Từ trước đến nay, cũng đã có vài chục người học. Tôi chỉ sợ nghề của làng thất truyền. Hi vọng các cơ quan các cấp sẽ có giải pháp, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ những người trẻ giữ lửa và phát triển nghề truyền thống”, anh Đạo nói.

Củng cố thương hiệu

Giò chả Ước Lễ (ở xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội) từ lâu được biết đến là một thương hiệu nổi tiếng thơm ngon, sạch sẽ. Những năm gần đây, “cơn bão thực phẩm bẩn” đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu này. Là một trong số ít người trẻ nối nghiệp cha ông làm nghề giò chả Ước Lễ, anh Trần Thắng Mỹ, chủ cơ sở sản xuất nem giò chả Ước Lễ Trần Công Châu (Trần Xuân Soạn, Hà Nội) vẫn đau đáu giữ nghề truyền thống này bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, và muốn mang đi mọi miền Tổ quốc.

Anh Mỹ cho biết, trước kia vợ chồng từng đi buôn quần áo từ Trung Quốc về đổ sỉ lại cho các đại lý ở Hà Nội cũng khấm khá. Nhưng do tâm nguyện của bố muốn phát triển, giữ gìn nghề truyền thống nên vợ chồng quay lại với nghề nem giò. Ngoài những mặt hàng truyền thống của làng Ước Lễ, như giò chả (lợn, bò), nem (chua, tai), gia đình anh Mỹ cùng nhiều nghệ nhân của làng Ước Lễ sáng tạo ra những món mới như nem chua rán, nem chua nướng, được thị trường ưa chuộng.

Trong khi cuộc sống đầy rẫy thực phẩm ăn sẵn không sạch, giò chả, nem cũng bị mang tiếng lây. Anh Mỹ đã lập trang web để thông tin, giới thiệu sản phẩm với những cam kết nhân văn là bảo đảm thực phẩm sạch, chất lượng, đồng thời truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ sau. Anh không chỉ truyền lại nghề, mà cả đạo đức làm nghề, để nghề truyền thống của cha ông để lại sống mãi.

Với những cố gắng giữ vững thương hiệu cho giò, chả Ước Lễ, sản phẩm của gia đình anh Mỹ đạt Huy chương Vàng và danh hiệu thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng của Ủy ban Chuẩn thực phẩm Việt Nam. Hiện, mỗi năm cơ sở sản xuất nem giò chả của gia đình Mỹ cho doanh thu hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người con làng Ước Lễ.

“Chúng tôi may mắn khi đã được cha ông truyền lại cho cái nghề này. Điều tôi quan tâm nhất hiện nay là làm sao tiếp tục phát triển được nghề, củng cố thương hiệu một cách bền vững. Thực tế có rất ít người trẻ mong muốn nối nghiệp, phát triển các nghề truyền thống lâu đời của cha ông để lại. Đây là điều rất đáng tiếc, khi những kinh nghiệm nghề quý báu của cha ông bị mai một đi”, anh Mỹ nói.

“Mạo danh thương hiệu cũng là thách thức trong quá trình phát triển làng nghề truyền thống. Các cơ quan chức năng, tổ chức cần chú trọng xây dựng các CLB, đội, nhóm thanh niên khởi nghiệp theo từng lĩnh vực như: Về các món ăn truyền thống; về các món đồ mỹ nghệ; về các loại tranh… để chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau cùng phát triển”. 

 Anh Trần Thắng Mỹ

MỚI - NÓNG