Cần 'tiếp lửa' để thanh niên phát triển nghề truyền thống

TPO - Những lớp người trẻ ở các làng nghề truyền thồng như: Giò chả Ước Lễ, gốm Bát Tràng… đang có xu hướng “li hương”. Đoàn cần có giải pháp hỗ trợ, vừa là cầu nối tiêu thụ sản phẩm, giúp người trẻ làm giàu từ nghề truyền thống.
Cần 'tiếp lửa' để thanh niên phát triển nghề truyền thống ảnh 1

Cổng làng Ước Lễ, nơi các bút tích xưa còn lưu lại. Cổng làng khởi dựng vào thời điểm nghề giò chả bắt đầu phát triển ở làng. Tuy nhiên, những người trẻ theo nghề ở làng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nguy cơ “thất truyền” 

Theo thống kê của Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng, có tới 90% thanh niên Bát Tràng biết làm gốm nhưng theo đuổi nghề thì không nhiều.

Anh Phạm Anh Đạo (thôn 2, làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những người trẻ hiếm hoi “giữ lửa” nghề gốm vuốt tay được cha ông gìn giữ từ nhiều đời nay. Anh Đạo cũng là nghệ nhận trẻ tuổi nhất của làng gốm Bát Tràng được Sở Công Thương Hà Nội trao tặng danh hiệu nghệ nhân (khi mới 31 tuổi).

Tìm hiểu của PV, được biết anh Đạo nhiều lần tham gia cuộc thi “Bàn tay vàng nghề gốm sứ” và đoạt giải cao. Ngoài ra anh cũng thường xuyên được mời tham gia thao diễn nghề vuốt gốm tại các sự kiện văn hóa lớn trong nước.

Theo anh Đạo, lý do dẫn đến việc bạn trẻ các làng nghề chưa mặn mà xây dựng thương hiệu truyền thống là do: Lối sản xuất thủ công, kinh doanh theo kiểu “mạnh ai nấy làm”... nên sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao, thậm chí một số làng nghề còn không có đại diện đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm, giao thương với bên ngoài cũng như đại diện pháp lý cho làng nghề.

Anh Đạo nêu lên thực tế: Tại làng gốm Bát tràng, những gia đình cha truyền con nối chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, nhiều cơ sở bên ngoài mạo danh, gắn mác gốm Bát Tràng, thậm chí trà trộn gốm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cần 'tiếp lửa' để thanh niên phát triển nghề truyền thống ảnh 2 Anh Phạm Anh Đạo ở thôn 2, làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những người trẻ hiếm hoi “giữ lửa” nghề gốm vuốt tay từ ngàn đời của cha ông truyền lại.

Để giữ “hồn” các làng nghề truyền thống, theo anh Đạo, tổ chức Đoàn cần tư vấn, giúp đỡ những người trẻ tiếp cận những chính sách hỗ trợ phát triển nghề truyền thống từ các sở ngành liên quan theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Ngoài ra, tổ chức Đoàn cũng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người trẻ về làng nghề và tầm quan trọng của thương hiệu. T.Ư Đoàn cũng có thể tổ chức các cuộc thi tay nghề, chương trình vinh danh các nghệ nhân trẻ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm truyền thống… 

Giúp người trẻ giữ thương hiệu làng nghề

Anh Trần Thắng Mỹ, chủ nhà hàng nem chua, giò chả Ước Lễ Trần Công Châu (phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội) thẳng thắn nêu thực tế: Rất ít những người trẻ mong muốn phát triển các nghề truyền truyền thống lâu đời của cha ông.

Từ sự thờ ơ với vấn đề thương hiệu, nhiều người trẻ cho rằng làng nghề là của chung, nên cứ “nhìn nhau”, “cha chung không ai khóc”, và cũng không tư duy cần làm gì để cùng nhau xây dựng chương trình quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm truyền thống, cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm của gia đình.

Theo anh Mỹ, để các làng nghề truyền thống có tuổi thọ hàng trăm năm không bị mai một, thì xây dựng thương hiệu là vấn đề cấp bách.

Ngoài ra, “mạo danh thương hiệu" cũng là thách thức trong quá trình phát triển làng nghề truyền thống.

Anh Mỹ lấy ví dụ sản phẩm giò chả Ước Lễ truyền thống do gia đình anh sản xuất, vốn chỉ bán lẻ ở của hàng của gia đình và địa chỉ giới thiệu sản phẩm, nhưng thời gian qua một số cơ sở sản xuất nem giò trên địa bàn Hà Nội cũng “mạo danh” nem giò Trần Công Châu để bán ra thị trường. 

Cần 'tiếp lửa' để thanh niên phát triển nghề truyền thống ảnh 3 Theo anh Trần Thắng Mỹ, T.Ư Đoàn cần có những chính sách hỗ trợ, giúp những người trẻ giữ thương hiệu làng nghề giò chả Ước Lễ, "tiếp lửa" giữ nghề truyền thống của gia đình. Ảnh anh Mỹ kiểm tra chất lượng nem chua rán Ước Lễ trước khi bán ra thị trường.

“Những cơ sở đó thường có tình trạng thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch nghiêm ngặt, không đảm bảo an toàn thực phẩm và không nắm được bí quyết làm giò truyền thống của người Ước Lễ. Nếu không được quản lý chặt sẽ dấn đến mất thương hiệu và uy tín của nghề truyền thống làng Ước Lễ”, anh Mỹ nói.

Để phát huy hiệu quả nhằm giúp những người trẻ theo nghề truyền thống, theo anh Mỹ, các cấp bộ Đoàn cần chú trọng xây dựng các CLB, đội, nhóm thanh niên khởi nghiệp theo từng lĩnh vực như: Về các món ăn truyền thống; về các món đồ mỹ nghệ; về các loại tranh… để chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau.

“T.Ư Đoàn có thể phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế… để giúp người trẻ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường những sản phẩn nghề truyền thống. Ngoài ra, các bộ, ngành tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt.

Làm như vậy thì sản phẩm truyền thống sẽ không bị làm giả, làm nhái và nâng cao hơn nữa giá trị truyền thống" anh Mỹ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.