Ít người trẻ còn say mê với nghề của làng gốm. |
Thiếu thợ triền miên
Dạo một vòng qua các xưởng gốm ở Bát Tràng, chúng tôi thấy xưởng nào cũng trong tình trạng thiếu thợ. Mỗi xưởng chỉ có từ 5 đến 10 thợ chính còn lại hầu hết phải thuê thợ không chuyên ở chợ lao động. Dẫn tôi đi tham quan xưởng của mình, anh Cường- một chủ lò gốm cho biết thiếu lao động là thực trạng chung của các gia đình làm gốm ở Bát Tràng. Làng nghề không đủ lao động để phục vụ cho sản xuất, thanh niên trong làng cũng không thực sự tâm huyết với nghề của cha ông để lại.
Theo thống kê của Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng, có 90% thanh niên Bát Tràng biết làm gốm nhưng theo đuổi nghề thì không nhiều. Hầu hết họ được đào tạo theo kiểu “cha truyền con nối”, chưa có nhiều bước đột phá sáng tạo trong quá trình làm gốm. Buộc phải thuê lao động ngoại tỉnh.
Bát Tràng có một chợ “đón công” tập trung rất nhiều lao động ngoại tỉnh đứng gần khu vực chợ gốm chờ việc. Từ 5 giờ sáng, khu vực này có hàng trăm, nghìn người lao động, đứng ngồi rất đông thành từng nhóm. Có mặt ở chợ lao động lúc 6 giờ sáng mới thấy rõ cảnh tấp nập mua bán - mặc cả.
Công việc được thuê chủ yếu là: đổ rót, chuốt, vẽ, trồng - dỡ lò, làm men... Nhưng để thuê được một người ưng ý không phải là chuyện dễ dàng, thuê được thợ lại kéo theo hàng trăm mối lo khác từ đào tạo thợ, giữ thợ, trả lương cho thợ nếu thấp hơn xưởng khác thợ sẽ bỏ sang nhà khác. Việc tranh chấp thợ ở đây rất hay xảy ra. Chủ lò nào cũng “đau đầu” vì thiếu nguồn nhân lực. Chủ lò gốm Điển Huyền than: “Có hợp đồng cũng không dám nhận”.
Đang bức xúc, anh Cường nói luôn một câu: “phát điên vì thợ thuyền”. Xưởng gốm của anh có hơn chục hợp đồng và đơn hàng đang ùn đọng lại từ trước tết, xưởng chỉ có 10 người thợ. Tôi hỏi: “Chợ lao động có rất nhiều người chờ thuê việc, sao anh không ra đó?”. Anh trả lời: “Không dễ đâu, cô có muốn đi cùng tôi ra chợ đó không?”. Tôi đi cùng anh ra chợ đón công dừng ở nhóm có mấy người phụ nữ chờ việc. Anh hỏi:
“Làm không các cô?”. “Làm gì thế?”. “Cháu thuê làm chuyên (làm thường xuyên - PV) cô có làm không?”. “Không làm đâu”.
Tới nhóm khác, họ hỏi: “Thuê làm việc gì”? Anh Kiên nói: “Đánh hàng sơn mài” (tức là lấy giấy ráp mài nhẵn bóng sản phẩm). Họ nói luôn không làm.
Lúc này, tôi hỏi: “Vì sao các cô không làm?”. Một cô chừng 40 tuổi nói: “Không làm là không làm thế thôi, nói thật chúng tôi không thích làm chuyên”. Đa phần những người đứng đón công tại đây chỉ muốn làm theo buổi đến cuối ngày được trả tiền ngay. Họ không muốn làm công việc ở một chỗ cố định, bị gò bó về thời gian.
Các xưởng đều có bảng chấm công nhưng tôi thấy có thợ nghỉ tới 4 -5 ngày, với lí do “đi cấy, ăn cỗ…”. Thợ làm công nhật nên họ có thể nghỉ bất kì lúc nào.
Thực tế lương được trả cho mỗi thợ chuyên ở đây khá cao, khoảng 1,5-2 triệu đồng/ tháng, người lành nghề, quen việc được khoảng 2,5 – 3 triệu đồng. Lương cao nhất được trả cho thợ vẽ, dịp Tết vừa qua có những người thợ vẽ đẹp, thu nhập lên tới 25 triệu đồng trong những tháng cuối năm.
Làng gốm Bát Tràng có một khu xóm cổ, dân ở đây coi là di tích riêng của làng nghề. Đường vào xóm cổ rất nhỏ hẹp chỉ khoảng 80cm. Đa phần các xưởng gốm đều ở trong xóm cổ, chỉ có thể chuyển hàng ra ngoài bằng cách thuê thợ gánh. Nhưng hiện thuê người gánh hàng rất khó khăn, bởi người trẻ tuổi không thích làm việc này.
Vào xóm cổ thực tế đúng là “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, đi bộ còn phải tránh nhau vì chiều rộng chỉ khoảng 80cm. Đó cũng là một sự bất cập trong thời buổi công nghiệp hiện nay, tuy nhiên đến giờ Bát Tràng vẫn chưa có cách nào tối ưu nhất để khắc phục những nỗi lo tưởng chừng nhỏ bé ấy.
Bát Tràng sẽ vắng bóng nghệ nhân
Thiếu lao động có trình độ cao, lao động trẻ, thiếu người thực sự tâm huyết và yêu nghề dẫn đến việc làng nghề Bát Tràng đang “khủng hoảng” về lao động. Chưa có giải pháp cụ thể nào cho thực trạng này. Để đẩy nhanh tiến độ công việc cho kịp thời gian giao hàng, hầu hết các xưởng gốm đều chấp nhận thuê thợ với giá cao, mặc dù họ chưa đáp ứng được chất lượng cũng như yêu cầu của công việc.
Câu hỏi lớn đặt ra ở đây là: Vì sao thế hệ trẻ của Bát Tràng đã thực sự tâm huyết với nghề truyền thống mà cha ông để lại?
Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này ông Nguyễn Trọng Thư – Thư ký hội gốm sứ Bát Tràng cho biết: “Hiện nay, Bát Tràng đang khan hiếm lao động có kỹ thuật và có tay nghề. Lao động ngoại tỉnh đến đây do không có gì ràng buộc nên việc thợ bỏ đi thường xuyên xảy ra. Thanh niên trong làng được đào tạo nhanh nhưng không qua trường lớp mà theo kiểu “cha truyền con nối”, ít sáng tạo”.
Thế hệ tiếp nối truyền thống của làng nghề chưa có gì nổi bật. Nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Bát Tràng - anh Vương Mạnh Tuấn sinh năm 1969. Điều này cho thấy thanh niên Bát Tràng vẫn chưa “mặn mà” lắm với nghề và cái danh nghệ nhân.
Cũng có những giải thưởng được trao cho người trẻ tuổi như mới đây, anh Phùng Quốc Dũng đạt giải nhất cuộc thi “Bàn tay vàng” làng nghề gốm sứ 2009. Còn ít thanh niên tâm huyết, thực sự yêu nghề, sáng tạo và hướng đi mới cho gốm Bát Tràng như anh Phạm Quang Khánh. Khánh sinh năm 1982, tốt nghiệp Viện Đại học Mở - khoa Tạo dáng công nghiệp được gọi là “người thay áo cho gốm Bát Tràng”. Với dòng sản phẩm gốm sơn mài ứng dụng mỹ thuật công nghiệp, có thể coi đó là hi vọng cho gốm Bát Tràng vươn xa, nhưng vẫn mới chỉ là hy vọng.
Hà Nội đang hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long, Bát Tràng được coi là điểm du lịch hấp dẫn, nhưng chưa có sự chuẩn bị mang tính đột phá nào vì hầu hết các chủ xưởng gốm ở đây đều chưa lo xong hợp đồng từ trước tết.
Vấn đề nhân công ở Bát Tràng hiện nay thực sự rất đáng lo ngại, chỉ vì điều này mà rất nhiều hợp đồng đến đây nhưng lại “ngậm ngùi” ra đi.
Ra khỏi xưởng gốm sơn mài tôi vẫn nghe thấy tiếng sột soạt của giấy ráp đánh bóng sản phẩm. Những người thợ ở xưởng này đang phải làm thêm giờ cho kịp hợp đồng. Trời về chiều, lao động ngoại tỉnh từng đoàn từ Bát Tràng đi về nhiều hướng. Nhìn bề ngoài có đến hàng trăm, hàng ngàn người vậy mà Bát Tràng vẫn thiếu lao động.