Những người nằm trong Phủ Tổng thống Sài Gòn

Những người nằm trong Phủ Tổng thống Sài Gòn
TP - Ngày 25/4/2002, chúng tôi tới thăm gia đình ông Mười Hương tại 45 Tú Xương, quận Ba, thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã bước vào tuổi bát niên giai lão, di chứng liệt một cánh tay. Nhưng đôi mắt vẫn sáng, đặc biệt, sự minh mẫn và trí tuệ của ông còn tuyệt vời.

Anh Đỗ Văn Hùng, thư ký của ông, cho biết, ông vừa dự kỳ họp của Bộ Chính trị ngoài Hà Nội về. Hầu hết các cuộc họp T.Ư quan trọng đều mời ông tham dự và đóng góp ý kiến. Ông mới ở Hà Nội vô, còn đang mệt, nhưng vẫn nhận lời tiếp chúng tôi.

Cuộc đời hoạt động của Trần Quốc Hương (tức Mười Hương) lặng lẽ, bình dị nhưng đầy mạo hiểm. Tháng 3/1942, Trần Quốc Hương mới 16 tuổi, đang thi hành một công vụ của tổ chức thanh niên dân chủ thì bị mật thám Pháp bắt.

Chúng đưa ông vào giam tại Hỏa Lò. Sau một năm giam cầm, tra khảo, không tìm ra nhân chứng, hơn nữa Trần Quốc Hương chưa đủ tuổi thi hành án, mật thám Pháp thả ông.

Thời kỳ 1955 – 1960, Trần Quốc Hương vào Sài Gòn ém mình ngay trong lòng địch để hoạt động, chỉ đạo một lưới tình báo đặc biệt. Hơn 50 năm sau, được ngồi bên ông, ghi chép những cống hiến của ông đối với cách mạng, tôi hỏi:

Ngày đó, ông Nhạ và anh em trong lưới đều đóng giả là người của chính quyền Sài Gòn. Còn ông? Ông nắm anh em bằng cách nào?

“Tôi thường đóng vai một người bạn theo đạo Thiên chúa giáo cùng di cư vào Nam với ông Nhạ, đến thăm gia đình ông”, Trần Quốc Hương nói.

“Tháng một lần, có tháng đôi ba lần tùy theo công việc. Qua việc thăm hỏi, trò chuyện, tôi nắm tình hình rồi phản ánh về trung tâm và truyền đạt nhiệm vụ của cấp trên cho anh em trong lưới”.

Trần Quốc Hương có đức tính cẩn trọng, chu đáo luôn lo sự bảo tồn tính mạng của đồng đội. Để che mắt địch, một lần đến thăm gia đình giáo dân Vũ Ngọc Nhạ, nhìn quanh nhà không thấy treo tượng chúa, ông cho người kiếm bức tượng Giê-su và cây thánh giá mang đến và dặn bà Nhẫn vợ ông Nhạ: “Bà treo những thứ này lên tường nghe. Người ta đến nhà giáo dân không thấy treo tượng chúa, họ sẽ nghi ngờ”.

Trần Quốc Hương tiếp: “Ngày đó, vợ chồng ông Nhạ có cô con gái lớn tên là Khiêm. Con bé nết na khôn ngoan, lại chịu thương, chịu khó, thường xuyên giúp bố chuyển tin tức thư từ ra trung tâm. Bé Khiêm làm liên lạc cho bố ngày ấy nay đã có hai con. Cô còn có tên gọi là Hải, hiện là bác sỹ giỏi của Bệnh viện Chợ Rẫy đấy”.

Đề nghị mãi, Mười Hương mới ý tứ thổ lộ đôi điều về những công việc mà ông đã dìu dắt anh em trong lưới A22. Ông kể: “Một hôm tôi bảo Vũ Ngọc Nhạ, anh có dáng một con chiên, một thầy tu. Anh đang được các linh mục và cha cố yêu mến, tin tưởng. Theo mình anh cứ tập trung đi sâu vào khối công giáo. Cứ bám lấy họ, biến mình thành người của họ.

Chính quyền Sài Gòn chủ yếu dựa vào lực lượng công giáo để chống cộng. Họ dựa vào các linh mục, cha cố nhằm tăng cường lực lượng đảng phái chính trị. Mình có vị thế trong công giáo, chúng dựa vào công giáo, tức là dựa vào mình. Đây là cái vỏ bọc tốt để luồn sâu vào cơ quan đầu não của địch”.

Quả nhiên sau đó, cũng nhờ chính cái vỏ bọc này, Vũ Ngọc Nhạ lọt được vào Dinh Độc Lập. Từ đây ông tổ chức thành công một lưới tình báo chiến lược, âm thầm đục phá suốt mấy đời tổng thống của chính quyền Sài Gòn.

Im lặng một lát, Trần Quốc Hương nói tiếp: “Phải nói Vũ Ngọc Nhạ hóa thân thành một con người khác thật tuyệt. Tôi còn nhớ một lần tôi đưa Vũ Ngọc Nhạ ra căn cứ của ta ở ngoài Củ Chi để gặp cấp trên. Hôm ấy, trong lúc làm việc, tôi thấy anh Mai Chí Thọ, người được Trung ương cử vào nắm tình hình, nhìn Vũ Ngọc Nhạ một cách chăm chú khác lạ. Lúc giải lao, anh Mai Chí Thọ kéo tôi ra ngoài nói nhỏ: “Anh phải cẩn thận và cảnh giác với thằng cha Nhạ nghe”.

Nghe anh Thọ nói, tôi ngớ người không hiểu đầu cuối ra sao. Vũ Ngọc Nhạ là một thị ủy viên, trưởng thành từ một cán bộ quân đội thời kỳ kháng chiến ở Thái Bình. Là người do tổ chức của ta cài vào, rất năng nổ và hoạt động đang có hiệu quả. Sao cấp trên lại nghi ngờ anh? Hay có điều gì?

Tại sao lại phải cảnh giác với Vũ Ngọc Nhạ?

Anh Mai Chí Thọ vẻ mặt quan trọng: “Mình trông nó hệt một ông linh mục. Từ dáng đi, giọng nói, đôi mắt đến tính cách, y như là một thằng cha đạo phản động”. “Thưa anh, Vũ Ngọc Nhạ có giống một thằng cha cố phản động, anh ấy mới tồn tại trong lòng địch được. Nếu cứ ngay thẳng thật thà hoặc ngụy trang nửa vời thì chúng nó bóp chết từ lâu rồi. Anh Nhạ thể hiện như thế, đúng vai kịch bản của tôi đấy”.

Ông Mười Hương nói tiếp: “Thực ra khi ấy anh Mai Chí Thọ rất tin tôi. Nhưng cái thằng cha đạo phản động lẫn trong bóng hình con người ông Nhạ đôi lúc vẫn làm anh Thọ chưa yên lòng. Có lần anh nói với tôi thế. Mãi đến sau này cả lưới A22 lập công suất sắc được tuyên dương anh hùng, anh Mai Chí Thọ mới chúc mừng tôi.

Anh bảo: Cậu khá lắm, cậu dàn kịch bản cho thằng Nhạ thật tuyệt vời. Mình rất mừng. Một đồng chí của ta đội lốt kẻ địch đến mức người của ta cũng không nhận ra quả là điều kỳ diệu đối với nghệ thuật tình báo mà chính mình cũng không thể tưởng tượng”.

(Còn nữa)

Minh Chuyên (VTV)

MỚI - NÓNG