Thời gian gần đây, chị Nguyễn Mai Liên (Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên cảm thấy đau đầu, chóng mặt, nhất là vào buổi sáng trước khi ngủ dậy. Đôi lúc, chị còn thấy hơi tức ngực và khó thở. Đi khám bệnh, bác sĩ kết luận là cao huyết áp, tuy nhiên, chưa nặng đến mức phải dùng thuốc hỗ trợ. Theo lời khuyên của bác sĩ, chị đã thực hiện cải thiện lối sống lành mạnh như: kiêng ăn mặn, không ăn nhiều chất béo, tập thể dục, thể thao đều đặn... thế nhưng, tình trạng bệnh dường như vẫn không suy giảm. Tái khám, chị mới vỡ lẽ một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do những viên thuốc tránh thai hàng ngày mà chị đã sử dụng suốt chục năm qua. Theo bác sĩ, những người có tiền sử cao huyết áp như chị cần sử dụng các biện pháp tránh thai không chứa hormone để tránh tình trạng bệnh nặng thêm.
Là người sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày trường kỳ như chị Liên, nhưng chị Bùi Minh Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng vừa được bác sĩ khuyên tránh xa loại thuốc này bởi lẽ thận của chị đang bị viêm. Bác sĩ giải thích, nếu tiếp tục dùng thuốc này, tình trạng bệnh của chị sẽ trở nên nặng hơn, nên nếu muốn ngừa thai, chị có thể dùng bao cao su hoặc vòng tránh thai... Lời khuyên này khiến chị cảm thấy vô cùng ngỡ ngàng bưởi trước nay, chị vẫn nghĩ thuốc tránh thai là an toàn và vô hại.
Hơn nữa, chị Hà còn từng đọc một tài liệu nào đó nói rằng: thuốc tránh thai có cơ chế bán hủy ngắn, nghĩa là thuốc sẽ nhanh chóng được đào thải ra khỏi cơ thể qua hệ bài tiết như mồ hôi, nước tiểu... thì làm sao có thể gây hại cho thận được? Cũng chính bởi những băn khoăn này mà chị Hạnh đã không nghe theo lời bác sĩ, vẫn sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày như bình thường. Kết quả là, dù đã điều trị theo đúng đơn thuốc của bác sĩ kê, nhưng khi tái khám, các kết quả xét nghiệm lại cho thấy bệnh tình của chị gần như không có tiến triển nếu như không muốn nói là có phần nặng hơn.
Tiểu đường, cao huyết áp, viêm gan, thận... cần tránh
Trong cuộc sống hiện đại, thuốc tránh thai không còn xa lạ với chị phụ nữ. Thực tế cho thấy, tỷ lệ chị em sử dụng loại thuốc này đang gia tăng từng năm. Mặc dù, nhiều nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng: thuốc tránh thai hoàn toàn vô hại với phụ nữ, tuy nhiên, thực sự kết quả này chỉ đúng với những cơ thể khỏe mạnh. Vậy ai không nên sử dụng thuốc tránh thai? Câu hỏi này có lẽ đã làm khó không ít người.
Theo PGS.TS Đặng Thị Hà, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược, những trường hợp, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, ung thư vú không nên sử dụng loại thuốc tránh thai bởi estrogen trong loại thuốc sẽ giúp mầm bệnh tăng trưởng nhanh hơn. Tương tự như vậy, với những trường hợp chảy máu âm đạo bất thường không rõ nguyên nhân cũng không nên dùng loại thuốc này vì rất có thể đó là dấu hiệu của các bệnh như ung thư cổ tử cung, tử cung...
Bên cạnh đó, người tiểu đường cũng không được khuyến khích sử dụng thuốc tránh thai vì thuốc sẽ làm cho lượng đường trong máu hơi cao. Do đó, nếu vẫn muốn dùng, bạn cần có tư vấn của những người có chuyên môn.
Theo “Khuyến cáo về các bệnh lý tim mạch và chuyển hoá giai đoạn 2006-2010”, dùng thuốc tránh thai dạng uống loại phối hợp (tức có cả oestrogen và progesteron) làm tăng huyết áp lên trung bình 5/3mmHg và có 1% phụ nữ bị tăng huyết áp nặng. Cơ chế tăng huyết áp chưa rõ và không dự báo được. Hơn nữa, huyết áp có thể tăng nhanh nhiều tháng hoặc nhiều năm sau dùng liều thuốc tránh thai uống đầu tiên. Do đó, những người huyết áp cao dùng thuốc tránh thai dạng uống không những làm tăng nguy cơ tăng huyết áp mà còn làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim vì thế phải đo huyết áp trước khi dùng thuốc tránh thai và đo lại sau 6 tháng dùng thuốc.
Đối với những người đã, đang từng mắc chứng tắc nghẽn mạch máu, thuốc tránh thai sẽ làm tăng khả năng đông máu, gây thêm áp lực cho huyết quả, thế nên, nếu có tiền sử mắc các bệnh này, bạn không nên ngừa thai bằng cách này. Những trường hợp bị viêm gan, thận cũng không được sử dụng thuốc tránh thai khi đang điều trị bệnh bởi thông thường, thuốc sẽ bị phân hóa ở gan, sau đó bài tiết qua thận, làm tăng “gánh nặng” cho hai bộ phận này.
Không lạm dùng làm đẹp, rời ngày kinh
Ngoài những bệnh kể trên, bạn cũng không nên lạm dụng thuốc tránh thai để làm đẹp, cụ thể là giảm tình trạng bùng phát của mụn trứng cá.
Theo PGS Hà, thực tế, một số bé gái ở độ tuổi dậy thì do tăng tiết tuyến bã nhờn androgen, một số bác sĩ da liễu đã sử dụng loại thuốc này để trị mụn. Biện pháp này thường chỉ được sử dụng ngắn ngày, song nhiều người do không có chuyên môn, lại nghĩ rằng đây cũng là cách trị mụn và mua thuốc về uống trường kỳ. Tất nhiên, điều này là không nên vì biện pháp này thực sự không có tác dụng. Với các bé đang ở tuổi dậy thì, sử dụng thuốc tránh thai không đúng hướng dẫn trong thời gian kéo dài, thậm chí sẽ dẫn đến tình trạng ức chế buồng trứng, teo buồng trứng và có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.
Còn trường hợp muốn trì hoãn chu kỳ kinh bằng thuốc tránh thai, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết, khó điều chỉnh quay về tình trạng ban đầu. Cũng có một số người vì mang bầu ngoài ý muốn mà mua rất nhiều thuốc tránh thai về uống cùng lúc, với hi vọng có thể phá thai được.
Tuy nhiên, điều này cũng là một sai lầm lớn vì thuốc phá thai nội khoa hoàn toàn khác với thuốc tránh thai, hơn nữa, sử dụng thuốc phá thai phải được sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ, chứ không thể dùng bữa bãi. “Việc chị em uống hàng chục vỉ thuốc tránh thai để phá thai có thể dẫn đến rối loạn nội tiết, sinh dục, thậm chí là ngộ độc thuốc”, PGS Hà kết luận.
Thực tế, thuốc tránh thai là loại thuốc lành tính, song nếu sử dụng bừa bãi, nó có thể gây hại cho sức khỏe, nhất là khi cơ thể bạn đang mang một mầm bệnh nào đó. Vì thế, để dùng thuốc an toàn, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.