Những người gốc Việt lênh đênh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giữa Biển Hồ Tonle Sap, thằng bé trông chỉ tầm 4-5 tuổi đang quấn một con trăn quanh cổ để mua vui, trong khi mấy chiếc thuyền toàn phụ nữ và trẻ em, cả già lẫn trẻ, xáp vào nhà hàng nằm giữa hồ.
Những người gốc Việt lênh đênh ảnh 1

Họ là một nhóm người gốc Việt sống trên Biển Hồ Campuchia mà tôi gặp trong chuyến thăm Campuchia năm 2015, khi tham gia một chương trình giao lưu thanh niên ASEAN.

Từ khi vào làm ở Ban Quốc tế báo Tiền Phong, tôi có cơ hội được đi một số quốc gia, hào hứng nghe và viết về những bài học thành công hay đời sống phong phú của người Việt trên thế giới. Nhưng việc gặp một số thân phận người gốc Việt ở Biển Hồ khiến tôi thấy ngậm ngùi. Hồi đó, tôi tham gia một đoàn thanh niên tham gia chương trình giao lưu thanh niên ASEAN và các đối tác ở Campuchia. Được gặp gỡ các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia và khám phá ngôi đền Angkor Wat nổi tiếng thực sự mang lại những trải nghiệm tuyệt vời.

Những người gốc Việt lênh đênh ảnh 2

Hàng nghìn người gốc Việt mưu sinh trên Biển Hồ từ nhiều thập kỷ trướcẢnh: AJ

Khu quần thể đền đài Angkor Wat là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới, vì thế cũng thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế mỗi năm. Chương trình giao lưu thanh niên ASEAN được chọn tổ chức ở thành phố này là cách để nước chủ nhà quảng bá về công trình đáng tự hào về kiến trúc, lịch sử và nghệ thuật. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động giao lưu sôi nổi, khi các nhóm đều mang đến tiết mục đặc sắc nhất của mỗi quốc gia. Các thành viên còn được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa của nước chủ nhà, như lễ hội té nước, vì chương trình diễn ra đúng vào dịp tết cổ truyền của Campuchia và Lào.

Cuối chương trình, đoàn Việt Nam tham gia một chương trình tham quan Biển Hồ trước khi về nước. Biển Hồ Tonle Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 1997. Chúng tôi đến đó đúng vào mùa khô (kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5), nên hồ khá nông. Quang cảnh hai bên bờ sông nơi tàu chở chúng tôi đi qua trông khá ảm đạm; lác đác vài con chó lội nước ngập gần nửa chân.

Những người gốc Việt lênh đênh ảnh 3

Đoàn Việt Nam chụp ảnh cùng đoàn Hàn Quốc trước gian trưng bày các sản phẩm quốc gia tại chương trình giao lưu thanh niên ASEAN và các đối tác năm 2015 tại CampuchiaẢnh: KH

Biển Hồ rộng mênh mông, làn nước đục màu phù sa ngút tầm mắt. Đoàn chúng tôi được đưa đến ăn trưa trên một nhà hàng nổi giữa Biển Hồ. Khi chúng tôi vừa đến, một nhóm gồm cả cụ già, phụ nữ và trẻ em ăn mặc nhếch nhác nhanh chóng chèo những chiếc thuyền nhỏ áp sát nhà hàng. Có cậu bé mặt mũi lấm lem, nét mặt ngơ ngác quấn con trăn quanh cổ. Trông cậu bé chỉ khoảng 4-5 tuổi, nhưng mẹ cậu bé cho biết con trai mình đã 8 tuổi. Nhóm người này kể rằng họ đã sống ở đây từ mấy chục năm trước. Cuộc sống của họ cứ lênh đênh trên sóng nước, mưu sinh nhờ đánh bắt thủy sản dưới hồ.

Không chuẩn bị trước, tôi móc hết túi cũng chỉ được chút tiền nhỏ để tặng họ sau cuộc trò chuyện chóng vánh vì thời gian có hạn. Rời nhà hàng, chúng tôi nhìn thấy một khu nhà sơn màu xanh gần đó. Đó chính là Trường Tiểu học Biển Hồ, được xây dựng từ năm 1997 nhờ kinh phí do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Siem Reap vận động, với diện tích khoảng 70 m2, chia thành 2 phòng học. Đến năm 2011, trường được mở rộng thành 5 phòng học nhờ sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

Ước tính có hàng nghìn người Việt sống trong những ngôi nhà nổi trên Biển Hồ. Hầu hết trong số họ đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, không biết từ bao giờ. Có thông tin cho rằng ông cha của họ theo dòng Mekong từ Việt Nam ngược sông Tiền, sông Hậu để mưu sinh bằng nghề chài lưới, cuối cùng chọn Tonle Sap để định cư. Có tài liệu nói rằng trong thời kỳ đô hộ Đông Dương, Pháp đưa người Việt Nam sang Campuchia để trồng cao su, thời gian sau, người Việt di cư ra khu vực Biển Hồ và sống tập trung tại đó.

Năm 2018, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch di dời những ngôi nhà nổi trên Biển Hồ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, hàng nghìn người Việt ở đó phải chuyển đến một khu đất được chính quyền tỉnh chỉ định.

Cuộc sống và sinh kế của người gốc Việt ở Campuchia luôn được đề cập trong các cuộc gặp của lãnh đạo, quan chức Việt Nam với Campuchia. Gần đây nhất, ngày 27/10/2023, khi đồng chủ trì Tham khảo Chính trị lần thứ 8 giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Campuchia, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Soeung Rathchavy nhất trí tiếp tục phối hợp giải quyết vấn đề giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt và bảo đảm quá trình di dời, tái định cư được thuận lợi…

MỚI - NÓNG