Những người con hiếu thảo của núi rừng

Lô Thị Kiều (phải) và cô giáo
Lô Thị Kiều (phải) và cô giáo
TP - Lô Thị Kiều, Lại Ngọc An, hai gương mặt trẻ dân tộc thiểu số tiêu biểu vượt khó vươn lên trong học tập. Kiều thủ khoa ĐH Vinh (Nghệ An), An là á khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Cô thủ khoa đầu tiên của bản

Lô Thị Kiều (SN 1996) người dân tộc Thái (ở xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn, Nghệ An). Năm 3 tuổi, bố Kiều bị bệnh và từ đó đến nay không thể lao động được nữa. Mọi gánh nặng mưu sinh, thuốc thang cho chồng; nuôi hai con ăn học đều đặt lên đôi vai mẹ Kiều. Gia đình Kiều thuộc hộ đặc biệt khó khăn của xã. Từ bé Kiều thường xuyên phụ lên rẫy bẻ ngô, trồng mía, kiếm củi, chăn trâu, cắt cỏ..., nhưng bên người luôn mang theo sách để học. Nhiều lúc nhà không có gạo, Kiều ăn cơm độn khoai sắn.

Những năm học cấp 1, cấp 2, trường cách nhà gần 10km đường rừng, hằng ngày Kiều đều đặn đạp xe đến lớp. Những hôm học cả ngày, Kiều mang theo cơm nắm, rau rừng, muối lạc ăn trưa tại trường. Suốt những năm học cấp 1, cấp 2, Kiều luôn là học sinh giỏi.

Kiều nghẹn ngào kể lại những ngày không bao giờ quên: Năm học lớp 9, Kiều được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi tỉnh môn Văn của trường. Nhưng lúc đó gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn nhất, bố nằm viện điều trị, mẹ đi cùng chăm sóc bố. Hai anh em Kiều ở nhà tự chăm sóc nhau. “Lúc đó, mình không còn tâm trí để học nữa, chỉ muốn vào viện cùng mẹ chăm bố. Nhưng khi vào viện, bố xoa đầu: “Con về nhà cố gắng học và giành giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi. Đó sẽ là liều thuốc tinh thần giúp bố nhanh khỏi”. Rồi hai bố con ôm nhau khóc, Kiều kể lại.

Kiều về nhà chăm chỉ ôn thi. Thương học sinh mình khó khăn, thầy cô kêu gọi học sinh trong trường giúp Kiều hơn một triệu đồng. Không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô, năm đó Kiều giành giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn.

Tại buổi vinh danh học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đỗ thủ khoa và đạt điểm cao của các trường đại học, cao đẳng năm 2014, Lô Thị Kiều, Lại Ngọc An là 2 học sinh trong 78 học sinh vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt và biểu dương.

Lên THPT, Kiều thi đậu trường Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An. Trường cách nhà 90km, lần đầu tiên Kiều sống xa nhà. Nhớ nhà, Kiều thường khóc. Kiều kể: “Đi học xa nhà, những hôm thời tiết thay đổi, nghĩ đến bố ở nhà đau mỏi khắp người mà không được ở bên bóp chân, tay cho bố là mình lại khóc. Chỉ biết hứa với bản thân cố gắng học tập để sau này thoát nghèo, có điều kiện đền đáp sự hy sinh của bố mẹ”. Bước vào lớp 12, Kiều vạch kế hoạch cho tương lai. Với ước mơ sau này trở thành cô giáo, Kiều nộp hồ sơ thi khối C vào ngành Sư phạm Tiểu học, Trường ĐH Vinh. Kiều trở thành Thủ khoa của trường và là người đầu tiên trong bản học đại học.

Kiều chia sẻ việc chọn học ngành Sư phạm: “Ở bản mình ít người được đi học đến cấp 2, 3. Mình muốn sau này sẽ trở thành cô giáo giỏi, trở về quê dạy chữ cho những em nhỏ trường làng”.

Những người con hiếu thảo của núi rừng ảnh 1

Lại Ngọc An.

Học cho xứng sự hy sinh của mẹ

Lại Ngọc An (sinh năm 1996) sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Minh Phú, Đoan Hùng, Phú Thọ. Bố mẹ chia tay từ lúc An chưa đầy 7 tháng tuổi nên cậu lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của cha. Lên 5 tuổi, mẹ An bắt đầu vào Sài Gòn mưu sinh, cậu sống ở quê với bà ngoại và chị gái của mẹ.

An nghẹn ngào: “Mẹ mình không chỉ vất vả, thiệt thòi mà còn phải chịu nhiều điều tiếng trong làng khi sinh con. Để con có điều kiện học tập tốt, mẹ đã phải rời quê vào Sài Gòn làm công nhân cho một nhà hàng ăn. Thương mẹ, mình chỉ biết cố gắng học tập để sau này báo đáp sự hy sinh mà mẹ đã dành cho mình”, An nói.

An chia sẻ, hồi nhỏ đi học phải sống trong mặc cảm khi bị bạn bè trêu chọc, bàn tán chuyện mình không có cha, phải mang họ mẹ… Nhưng đó cũng chính là động lực để An vươn lên trong học tập.

Lên cấp 2, An thi đỗ vào trường dân tộc nội trú của huyện, học xa nhà 25 cây số, và từ đây cậu bắt đầu cuộc sống tự lập. Cấp 3, An học trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Suốt những năm học tiểu học, THCS, THPT, An luôn là học sinh giỏi toàn diện và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sử, giành học bổng Vừ A Dính.

Với ước mơ trở thành nhà báo, cuối năm lớp 12 An nộp hồ sơ thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền và xuất sắc trở thành á khoa.

Cô Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của An cho biết: “An là học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt nhưng em luôn có nỗ lực vươn lên trong học tập. An quyết tâm phải đỗ đại học để báo hiếu cho bà và mẹ. Đỗ á khoa Học viện Báo chí - Tuyên truyền là kết quả cho sự cố gắng không ngừng nghỉ của An”, cô Hương nói.

MỚI - NÓNG