Trưa 31/1 trời nắng gắt, nhóm công nhân mặc áo xanh gần chục người ngồi nghỉ với vẻ mặt mệt mỏi, nhóm ăn vội hộp cơm, nhóm nằm ngủ vật vã, nhóm kết hoa… trong công trường đường hoa xuân Cần Thơ. Họ đang khẩn trương để hoàn thành kịp tiến độ phục vụ khách tham quan vào tối 1/2.
“Tụi tôi làm từ 5 giờ sáng đến 14 giờ là hết ca ở đây. Sau đó còn chạy đi lấy rác ở trong dân đến tối mới về đến nhà. Anh em tranh thủ làm cho kịp để mai khai mạc phục vụ người dân”, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nói.
Ông Nguyễn Văn Lượm, tổ trưởng tổ công nhân ở đây cho biết thêm, công việc cứ đều đặn như thế cả tuần nay. “Tuy vất vả nhưng mọi người đều vui vì mong muốn có đường hoa đẹp phục vụ cho nhiều người vui tết”, ông Lượm nói nhưng ánh mắt buồn bã rồi ông cho biết: “Ở đây tan ca 14h, sau đó liền đi vô lấy rác trong dân ở các ngõ, hẻm.
Trong đó, một số người mình vừa lấy rác xong đi qua một đoạn là họ vứt tùm lum, thậm chí có thùng đựng rác trước cửa nhưng không bỏ vào mà bỏ bên ngoài để mình phải hốt lại. Họ nghĩ, trả tiền công nhặt rác hằng tháng rồi, vì thế coi đây là trách nhiệm của mình nên muốn vứt đâu thì vứt”, ông Lượm nói. Còn bà Nguyệt chia sẻ thêm: “Có những người ở trên lầu vứt rác thẳng xuống đường luôn chứ chẳng thèm đem bỏ rác vào thùng”.
“Không có Tết”
Cty Công trình đô thị thành phố Cần Thơ có gần 80 công nhân, ở đây chia nhau 3 ca trực, ngoài ra còn phải lấy rác trong dân. Hầu như năm nào cũng vậy, vào dịp tết, hàng nghìn người dân ở khắp các tỉnh ĐBSCL đến đường hoa Cần Thơ tham quan, chụp ảnh mừng năm mới. Len lỏi trong dòng người đó là những công nhân mặc áo xanh của Cty công trình đô thị Cần Thơ quét dọn rác cho đường hoa sạch đẹp.
Những ngày cận Tết, công nhân của Cty muốn ở nhà sửa sang nhà cửa để ăn Tết nhưng công việc từ sáng sớm đến tối mới về nên không có thời gian làm. Chị Trần Thị Tho, quê ở xã Tân Thới (Phong Điền, thành phố Cần Thơ) gắn bó với nghề gần cả chục năm nay cho biết, suốt ngày công việc đầu tắt mặt tối nên đến giờ chưa có mua sắm hay chuẩn bị gì cả. Theo lời chị, năm nay Cty quan tâm, hỗ trợ nhu yếu phẩm và ít tiền để ăn Tết. Tuy nhiên, những ngày Tết công việc rất nhiều, xong việc về đến nhà mất cả tiếng đồng hồ. “Về đến nơi mệt đờ cả người nhưng cố ăn vội bữa cơm rồi lăn ra ngủ đến sáng sớm hôm sau đi làm tiếp”, chị Tho chia sẻ.
Còn chị Ánh Nguyệt sáng sớm phải lo nấu cơm nước và cho mẹ già 86 tuổi ở nhà ăn xong rồi mới ra đây làm việc. “Mỗi người đều có công việc riêng, đối với tôi góp phần làm cho đường hoa sạch đẹp, người dân vui vẻ chụp ảnh, vui xuân thì đó cũng là niềm vui của mình”, chị Nguyệt bộc bạch.