Những nghệ sỹ Hà Nội 'độc' giữa Sài Gòn

Ảnh: Hồng Vĩnh
Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sự độc đáo là điều cần thiết để xây dựng nên một cá tính rất riêng của người nghệ sỹ. Với những nghệ sỹ Hà Nội mà tôi gặp ở Sài Gòn, họ đều có một điểm chung là mang đậm một cá tính khá khác biệt để làm lên những thành công trong công việc sáng tạo của mình. 

Lê Trung Tín - Ông nhạc sỹ nơi phố chợ 

Giữa khu chợ Bàn Cờ (quận 10) có một tiệm tạp hóa mà ông chủ quán có mái tóc dài bạc trắng trông khá ấn tượng. Nếu không trò chuyện thì ít ai nghĩ ông chủ tiệm chính là một nhạc sỹ đang nổi danh có cái tên khá bình dị: “Nhạc sỹ Lê Trung Tín”. 

“Tôi sinh ra ở phố Bà Triệu đấy chú à! Đấy là hồi vừa giải phóng Thủ đô. Tôi vẫn nhớ hồi đó phố Bà Triệu còn vắng người lắm. Bọn trẻ chúng tôi ngày đó rủ nhau đi câu trộm ở Hồ Tây hay hái sấu gần Hồ Gươm. Giờ thì chắc không còn như thế nữa rồi”- Nhạc sỹ mở lời. Gắn cả tuổi thơ với Hà Nội, ông đã theo học tại nhạc viện Hà Nội trước khi trở thành người lính, từng tham gia huấn luyện trên thao trường với liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc. Trở thành lính xe tăng rồi vào ban tuyên huấn cùng với nhà thơ Hữu Thỉnh. 

Sau ngày đất nước thống nhất, ra quân, cuộc sống ở Hà Nội quá khó khăn nên sau một thời gian bươn chải, ông đã quyết định vào với Sài Gòn phố thị. Hành trang ngày ra đi chỉ là cây đàn vỹ cầm cũ đã gắn với ông mấy chục năm cùng… một cái gạt tàn thuốc lá. Ông bảo: “Đã nhiều người hỏi tôi lý do ra đi, tôi chỉ nói ngắn gọn là vì mưu sinh. Cả tuổi thơ theo học nhạc rồi đi làm lính lái xe tăng. Những thứ đó ngày khó, sao kiếm cơm được”. 

Những nghệ sỹ Hà Nội 'độc' giữa Sài Gòn ảnh 1

Nhạc sỹ Lê Trung Tín

Vào Sài Gòn không có người quen biết, ông ra chợ, buôn cái nọ, bán cái kia để kiếm sống. Đằng đẵng mấy chục năm, từ một anh chạy chợ không vốn liếng, Trung Tín đã có được một tài sản gọi là tàm tạm: Một cái tiệm tạp hóa kiêm nhà ở ngay giữa chợ. Mua mua bán bán cũng đủ sống. Đó là chưa kể một gia đình nhỏ với 2 đứa con được học hành tử tế. Và mãi đến tận khi đã có thể thở phào vì sự mưu sinh đã không còn là gánh nặng, Trung Tín mới bắt đầu trở lại với âm nhạc. 

Ông tập tành sáng tác, ban đầu chỉ là để cho thỏa với nỗi nhớ Hà Nội vẫn đáu đáu trong ông. Cách ông sáng tác cũng thật lỳ lạ, hàng ngày vừa bán tạp hóa, rảnh chút nào ông lại cầm cây đàn vỹ cầm cũ lên, đi tìm từng nốt nhạc ưng ý. Có khi đang trải lòng vào một giai điệu hay thì “Bác ơi! Bán cho cháu chai nước mắm.” hay là “Nước tăng lực bác bán hết chưa để cháu bỏ thêm?”… Thế là ông nhạc sỹ lại ngừng đàn, quay lại với tiền tiền bạc bạc. Đó là chưa kể ở sạp hàng kế bên bán thịt, sạp hàng phía trước bán rau, suốt ngày ồn ã với mua bán, giá cao giá thấp… Nhưng hình như với ông vẫn miễn nhiễm.

Các ca khúc lần lượt ra đời, nó trong trẻo, mượt mà khác hẳn âm thanh xô bồ nơi phố chợ. CD “Góc nhớ Hà Nội” của ông ra đời trong hoàn cảnh đó.

14 ca khúc được ông phổ thơ của những nhà thơ viết về Hà Nội như Hữu Thỉnh, Trương Nam Hương, Cao Quảng Vân, Huệ Triệu đều là những hoài niệm về một thời nơi con phố ngày xưa với những “Góc nhớ Hà Nội”; “Chiều thu Hà Nội”; “Hà Nội một thời”… qua giọng ca của một ca sỹ đầy cá tính là Quang Minh, CD “Góc nhớ Hà Nội” đã tạo được dấu ấn rất riêng cho Trung Tín bởi cái giai điệu lãng mạn, dịu dàng và đậm chất trữ tình trong từng ca khúc. Và Trung Tín đã đạt giải khuyến khích với ca khúc “Với mùa đông Hà Nội” do Sở VHTTDL Hà Nội trao tặng.

Năm 2014, Trung Tín ra tiếp CD thứ hai “Hà Nội anh về” với 8 ca khúc được ông phổ thơ của người bạn thân Trương Nam Hương. Theo ông, những hoài niệm về một Hà Nội êm đềm sẽ mãi là chủ đề để ông sáng tác.

Cuộc trò chuyện với ông nhạc sỹ kiêm chủ tiệm tạp hóa luôn bị ngắt quãng bởi khách mua hàng. Vãn khách, ông khoe một góc nhỏ rất riêng của ông ngay trong tiệm nơi ông trưng bày những giải thưởng mà ông đã nhận được trong nghiệp sáng tác của mình như giải thưởng ca khúc hay về chiến sỹ công an, ca khúc hay về biển đảo cùng một chiếc máy nghe đĩa đã cũ, tập giấy chép nhạc cùng cây violon đã theo ông nhiều năm.

Sức sáng tác của ông thật đáng khâm phục. Từ tiệm tạo hóa này, ông đã cho ra đời hơn 200 ca khúc. Trong đó rất nhiều ca khúc là những hoài niệm về Hà Nội, nơi ông đã có trọn cả tuổi thơ. Ông mở cái máy hát cũ, một ca khúc ngọt ngào về ký ức một Hà Nội vang lên, khác biệt hẳn với cái ồn ào, xô bồ.

Bàng Sỹ Nguyên - Vị cao niên ẩn sỹ giữa đô thành

Nhiều người trong khu Chí Hòa – Quận 10 thường gọi ông là đạo sỹ bởi ông để râu tóc bạc phơ, lại chỉ ở ẩn trong nhà ít khi ra ngoài đường. Đạo sỹ tên là Bàng Sỹ Nguyên-năm nay đã 91 tuổi- một trong những người cựu trào của làng văn, làng họa Việt Nam.

Nhờ một người quen trong Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi mới có thể gặp ông bởi chỉ liên lạc với ông qua chiếc điện thoại bàn mà ông lại ít nghe máy. Suốt ngày ông cài chặt cửa để đọc sách và vẽ tranh, rất ít mở cửa khi có người lạ gọi. Bà lão hàng xóm bảo: “Thông cảm cho ông ấy, đã mấy lần bị trộm ghé nên ông ấy cảnh giác lắm. Giờ chỉ có gọi điện thoại là ông ấy nghe thôi”. 

Những nghệ sỹ Hà Nội 'độc' giữa Sài Gòn ảnh 2

Họa sỹ Bàng Sỹ Nguyên

Trái ngược với ấn tượng về một ông lão khó gần, ông lại mở cửa tiếp chúng tôi khá niềm nở khi biết chúng tôi là nhà báo. “Tôi mong có khách thăm lắm chứ, nhưng đã có nhiều người vào đây để tìm cách lấy tranh của tôi nên tôi sợ. Tranh của tôi là tranh gốc, không thể để cho mấy người buôn tranh lấy đi được. Họ về làm giả vài chục bức để bán thì chết tôi”- Ông thật thà.

Qua câu chuyện ông kể, tôi mới biết dòng họ Bàng nhà ông có xuất thân là họ Lý, hậu duệ của Hoàng tử thứ 3 Lý Hùng Tích Hoàn Nam Vương. Do thời thế, dòng họ đã phải đổi sang họ Bàng để tránh sự truy xét của triều đình nhà Trần.

Thời cha ông, gia tộc đã từng rất hưng thịnh với nhiều cửa hàng tơ lụa, nhiều hiệu thuốc Bắc lừng danh trong Nam ngoài Bắc. Chính vì thế nên ông có điều kiện đi học tại trường Thăng Long vào những năm 30 của thập kỷ trước. Nhưng rồi như nhiều thanh niên tân tiến thời kỳ đó, ông đã đi theo Cách mạng và trở thành một chiến sỹ trên mặt trận văn hóa.

Hòa bình lập lại năm 1954, ông tham gia làm báo Văn Nghệ, làm Nhà xuất bản Văn học rồi dạy học. Ông là người đa tài nên lĩnh vực nào ông cũng tham gia, từ làm thơ, viết báo viết văn, dựng kịch, vẽ tranh… lĩnh vực nào ông cũng có những thành công nhất định với hàng loại giải thưởng. Nhưng trong cuộc sống, ông lại là người thiếu may mắn nên đã gặp khá nhiều bất trắc. Và cũng vì thế mà ông rời Hà Nội ra đi, dù rằng ở mảnh đất đó ông đã gắn bó gần hết cuộc đời. 

“Có khi cả tháng tôi cũng chẳng ra khỏi cửa. Như mãi hôm rồi, có người gọi tôi đi lên phường nhận Huy hiệu 65 tuổi Đảng tôi mới đi. Mình già rồi, có nhu cầu đi đâu nữa”.

Ông Bàng Sỹ Nguyên

Căn nhà ông ở ẩn hiện nay tràn ngập tranh do ông vẽ mấy chục năm nay, tranh treo từ dọc các bức tường, tranh để dưới gầm ghế, trên cầu thang, thậm chí cả chỗ ông nằm và trong nhà vệ sinh ông cũng dành để chứa tranh.

Ông bảo: “Tôi vẽ nhanh lắm, suy nghĩ, định hình bức tranh là vẽ. Lẽ ra còn nhiều lắm nhưng kho tranh của tôi ở Hà Nội khi đưa vào Nam bị mất tới 16 bao, còn lại bị người ta chiếm đoạt thì không kể hết.”

Qua tìm hiểu, tôi mới biết tranh ông vẽ được nhiều người khen đẹp, thậm chí có cả vài bức được treo ở bảo tàng Quốc gia, bảo tàng Quân đội. Còn đem đi triển lãm trong và ngoài nước thì không kể hết. Có nhà sưu tập nước ngoài từng tới xem và trả ông cả ngàn đô 1 bức nhưng ông không bán. Ông chỉ vẽ cho thỏa nhu cầu… được vẽ. Rồi sau mấy bận bị mất tranh, ông vẽ xong không dám ký vào nữa mà để nguyên.

Khi vui bạn bè, ông sẵn lòng tặng những bức tranh đó, và lúc ấy mới chịu ký tặng đàng hoàng. “Để cho ai xem vào tranh biết đó là tranh thật. Chứ mai mốt tôi chết đi thì tranh tôi thành gia sản đấy, nhưng tôi đâu có đem đi được đâu”.

Ở giữa Sài Gòn đô thị nhưng rất ít khi ông đi ra ngoài, mọi điều kiện sinh hoạt ông điều gói gọn trong căn nhà chừng 20 m2. Ông tự nấu ăn, tự pha trà, uống rượu đọc sách và vẽ. “Có khi cả tháng tôi cũng chẳng ra khỏi cửa. Như mãi hôm rồi, có người gọi tôi đi lên phường nhận Huy hiệu 65 tuổi Đảng tôi mới đi. Mình già rồi, có nhu cầu đi đâu nữa”- Ông bảo thế.

Trong hàng trăm bức tranh rải khắp nhà, có lẽ ông không tự hào bằng giấy chứng nhận 65 tuổi Đảng của ông. Ông bảo đó là giấy chứng nhận cho cả cuộc đời làm Cách mạng nên ông sẽ giữ lại như kỷ vật. Còn tranh thì ông sẽ tặng.

Và ông tặng tôi thật! Một bức tranh vẽ con đường Giảng Võ, Hà Nội mà ông giữ đã mấy chục năm. Ông bảo đó là những ký ức đẹp Hà Nội mà với ông thì không bao giờ phai mờ. Ông cũng khoe đang chuẩn bị cho một triển lãm tranh mang tên “Gái Hà Nội” với những nét đẹp duyên dáng, thùy mị quyến rũ của phụ nữ Tràng An một thời ông đã cảm nhận.

Nghe ông lão trên tuổi 90 mà vẫn còn minh mẫn, sức khỏe để sống với những dự định mà người trẻ có khi chả làm nổi, chúng tôi chỉ biết chắp tay bái phục: “Đúng là cao nhân, ẩn sỹ.”

Anh Tuấn - Chàng Bắc Kỳ láu lỉnh

Trong giới nghệ sỹ kịch Sài Gòn có nhiều diễn viên gốc Bắc, nhưng ít ai lại tin diễn viên Anh Tuấn (Nhà hát kịch TP HCM) là người gốc Bắc bởi anh có giọng nói Nam “chuẩn” lại có tính cách diễn có vẻ xuề xòa, hào phóng kiểu Nam bộ. Nhưng sự thật thì hoàn toàn khác.

Anh Tuấn kể: “Bố mẹ tôi người Hà Nội, vào Sài Gòn lập nghiệp rồi sinh tôi ở đây. Nhưng ông cụ nghiêm lắm, luôn dạy con cái phải giữ gìn gia phong truyền thống của người Hà Nội nên anh chị em tôi, dù sống ở Sài Gòn nhưng vẫn được cụ dạy dỗ từng li từng tý.” Bởi thế cho đến khi bước vào tuổi thanh niên, Anh Tuấn vẫn giữ giọng Bắc “rặt”. Khi thi vào trường sân khấu, các thầy cô yêu cầu phải nói giọng Nam, thế là Anh Tuấn đổi giọng. Cũng chả khó gì vì xung quanh bạn bè đều giọng Nam, chịu khó nghe kỹ là “chuẩn” ngay. Nhưng về nhà thì vẫn phải giữ gia phong, từ cách ăn nói lễ phép, cách mời chào, đi thưa về gửi cũng như tập tành những nghi lễ của người Bắc.   

Những nghệ sỹ Hà Nội 'độc' giữa Sài Gòn ảnh 3

Diễn viên Anh Tuấn

Tốt nghiệp khóa 1 trường sân khấu, Anh Tuấn được nhận vào đoàn kịch Cửu Long Giang (Tiền thân nhà hát kịch TP HCM hiện nay). Lúc đó trong đoàn toàn những “Cây đa cây đề” nên những người trẻ chưa có danh phận như Anh Tuấn chỉ được tham gia với những vai kép phụ, có khi còn phải kiêm thêm cả công việc chạy đèn, kéo phông cho đoàn.

Được vài năm thì sân khấu Sài Gòn thoái trào, các diễn viên tiếng tăm nghỉ hưu dần, những diễn viên chưa đến tuổi thì bỏ đoàn, ra làm ăn bên ngoài. Riêng Anh Tuấn thì vẫn cứ bám trụ, dù rằng đồng lương ít ỏi. Thiếu diễn viên, dù có ngoại hình cũng chẳng được sang cho lắm nhưng Anh Tuấn nghiễm nhiên trở thành… diễn viên chính cho nhiều vở diễn của đoàn. Mỗi năm đoàn cũng chỉ sáng đèn chừng vài ngày, thu nhập cũng chả có thêm được bao nhiêu.

Để mưu sinh, Anh Tuấn phải làm thêm nhiều thứ nghề không liên quan đến nghiệp diễn như là dạy học, đi chụp hình dạo. Rồi sau này gặp được cô bạn diễn Kiều Oanh, cả 2 lập nhóm đêm đêm đi tấu hài thêm ở các tụ điểm sân khấu… Tính đến cuối năm 2014, cả nhà hát chỉ còn mỗi Anh Tuấn là người có biên chế để ăn lương diễn viên.

Anh Tuấn bảo: “Cũng có người khuyên tôi nên bỏ nhà hát, ra ngoài làm ăn dễ hơn. Nhưng tôi đã quen kiểu sống là một công chức rồi, cứ ở nhà hát, có vở thì diễn, không có thì chạy thêm bên ngoài.” Cách nói của Anh Tuấn nghe giống như ở ngoài Hà Nội, nơi còn rất nhiều diễn viên kiểu công chức. Chứ trong Sài Gòn, có lẽ chỉ còn mỗi… Anh Tuấn. 

“Cũng có người khuyên tôi nên bỏ nhà hát, ra ngoài làm ăn dễ hơn. Nhưng tôi đã quen kiểu sống là một công chức rồi, cứ ở nhà hát, có vở thì diễn”.

Anh Tuấn

Những tưởng rằng Anh Tuấn sẽ túc tắc mãi với cái phận Diễn viên - Công chức của mình, bỗng có một lần, anh được nguời bạn mời đi casting cho một vai diễn trong bộ phim truyền hình Dù gió có thổi.

Đọc kịch bản, Anh Tuấn chợt thấy hình như có mình trong đó. Thế là anh nhận lời. Đây là bộ phim được mua kịch bản từ Hàn Quốc. Qua Việt Nam, những người sản xuất muốn Việt hoá kịch bản này. Ban đầu bộ phim đã sản xuất được 20 tập, nhưng ê kíp làm chưa hài lòng bởi chất… Kim Chi trong phim vẫn còn đậm quá.

Đã tưởng bộ phim sẽ đi vào vết xe đổ của nhiều bộ phim khác đã từng Việt hóa, nhưng nhà sản xuất đã quyết định làm lại. Trong đó những diễn viên cựu trào như Anh Tuấn được mở rộng đất diễn hơn. Anh được tự sáng tạo lời thoại và chất giọng Bắc đã trở thành lợi thế để Anh Tuấn hóa thân thành nhân vật “Chú Mẫn”, một người bất tài nhưng rất láu lỉnh, lười nhác trong phim.

Cùng với diễn viên Lê Thiện, Anh Tuấn dù chỉ là vai phụ trong phim nhưng đã tạo ra điểm nhấn cho bộ phim, khiến khán giả xem phim luôn chờ đợi mỗi khi Anh Tuấn xuất hiện với câu nói hài hước, những cách châm chọc nhẹ nhàng nhưng cũng đầy gai góc. Anh Tuấn cho biết lời thoại trong kịch bản ban đầu không như thế, nó cứ đều đều dễ gây nhàm chán. Từ tư duy của thời đi tấu hài, Anh Tuấn đã “chế biến” để nhân vật “Chú Mẫn” trở nên thu hút mạnh mẽ.

Anh kể: “Ví dụ như có một phân đoạn trong kịch bản ghi là: “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm”. Như thế thì rất bình thường, tôi đã chuyển thành lời thoại “Bu ơi! Mỗi lần cầm ly nước lên con thấy có hình bóng bu trong đáy cốc”. Chỉ nhiêu đó thôi mà vẫn chuyển tải được ý nghĩa là tôi rất thương mẹ tôi nhưng khán giả lại phì cười vì một anh chàng láu cá đang nịnh mẹ”...

Bộ phim Dù gió có thổi đã trở thành bộ phim Hàn Quốc được Việt hóa thành công nhất từ trước tới nay tại Việt Nam và có sự đóng góp công sức của Anh Tuấn.

Từ sau bộ phim Dù gió có thổi, anh Tuấn được nhiều đạo diễn mời làm phim truyền hình nhiều hơn nhưng anh cũng ít nhận lời bởi, anh mong tìm được một vai diễn phù hợp. Đặc biệt, Anh Tuấn mong muốn được thể hiện tính cách Bắc, một tính cách mà anh đã được hưởng từ cha mẹ. Với anh, điều đó là hạnh phúc dù có sống ở bất kỳ chân trời nào.

MỚI - NÓNG
Sẽ phát triển hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia
Sẽ phát triển hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia
TPO - Nằm uốn lượn giữa các dãy núi trùng điệp, hồ Hòa Bình được hình thành từ công trình thủy điện Hòa Bình. Nơi đây đang từng ngày vươn mình trở thành trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh. Ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình - cho biết hiện nay tỉnh đang tập trung phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia.