Những kẻ đồng hành

Những kẻ đồng hành
TP - Không biết gã xuất hiện từ lúc nào. Ngay bên ngoài cửa kính băng ghế sau chiếc xe màu xám. Lúc chiếc xe thoát ra khỏi quãng đường mấp mô ổ gà lướt như bay vào khoảng không lấp lánh phản quang hạt thủy tinh mặt đường mới trải nhựa.

> Mưa ngang
> Nhà ngoại cảm

Người đàn ông đứng tuổi có cặp mắt lơ đãng chợt nghiêng mái đầu nửa bạc nhìn ra bên ngoài. Bắt gặp một hình hài trong suốt. Cặp mắt trong suốt với đôi đồng tử tròn vo màu trắng đục. Gã mỉm cười với người đàn ông lơ đãng bên trong xe.

Minh họa: Đỗ Phấn
Minh họa: Đỗ Phấn.

Ngồi bên cạnh người đàn ông lơ đãng là hai cô gái. Một còn khá trẻ. Một nữa rất trẻ. Họ ăn mặc gọn gàng cho một chuyến đi xa. Quần jean xanh và áo phông màu sặc sỡ. Gương mặt trang điểm kín đáo nhưng vẫn toát lên vẻ lộng lẫy kiêu kì.

Người lái xe ngồi cạnh một phụ nữ to đậm. Im lặng. Anh chăm chú quan sát con đường bắt đầu có những giao cắt bất ngờ. Vài chiếc xe máy ngập ngừng trườn qua những giao cắt không có đèn hiệu. Nỗi nguy hiểm là thường trực. Thiết kế nút giao thông hoang dã biến những người đang sống chuyển sang từ trần chỉ trong tích tắc.

Phụ nữ to đậm thỉnh thoảng liếc nhìn anh trìu mến. Cặp mắt trong suốt với đôi đồng tử màu trắng đục của gã quét nhanh qua tấm gương chiếu hậu trong xe. Gã lầm bầm, họ thuộc về nhau, những kẻ đồng hành chân chính!

*

Băng ghế sau của chiếc Ford Escape khá rộng. Đủ chỗ cho ba người ngồi thoải mái. Thế nhưng cô gái trẻ hơn ngồi cạnh anh rất khép nép ý tứ. Khép nép cả dáng hình lẫn lời ăn tiếng nói. Và không giấu được nỗi buồn thoáng hiện trên nét môi cười.

Anh chỉ được biết sơ qua về cô gái trẻ qua cô bạn ngồi phía đầu kia băng ghế. Cô gái trẻ vừa đánh đổi cuộc hôn nhân lấy một nỗi buồn chứ không được như anh chồng cũ. Với anh ta là niềm vui khôn tả khi rước thêm về nhà một bất trắc.

Anh buột miệng, không bao giờ tưởng tượng ra đàn ông có nhiều người tăm tối đến thế, tưởng bỏ vợ để làm gì?

Và biết ngay là mình sơ suất. Đã nhiều lần như thế. Không nhiều lắm đàn bà thích nghe câu ấy. Nhất là phụ nữ đơn thân. Mà ngay cạnh anh thì ít nhất có hơn một người. Rất có thể là ba. Nhưng lời đã thốt ra rồi. Ở chỗ này thì Chúa trời chưa hẳn đúng khi nói “Khởi thủy là lời”.

Câu nói của anh có vẻ mang ý nghĩa bắt đầu cho một kết thúc. Anh kín đáo đưa mắt nhìn sang cô bạn đầu ghế bên kia. Cô ấy cố giấu vẻ không hài lòng. Mà hình như không chỉ mình cô ấy.

Anh phát hiện ra một gương mặt lờ mờ hắc ám khác bên ngoài cửa kính. Cũng trong veo hai tròng mắt với đôi đồng tử màu trắng đục. Cái nhìn nghiêm khắc đầy hồ nghi hướng về phía cô bạn. Và hướng về anh. Mái tóc bồng bềnh nhẹ tênh như một làn khói. Lan man trôi…

Hai mươi năm trước cũng vào mùa này nàng từ Sài Gòn ra thăm Hà Nội. Nhí nhảnh tươi vui. Hình như nàng mang theo cả bời bời nắng gió miền Nam trên gương mặt rạng rỡ. Nó trái ngược hẳn với mọi người xung quanh.

Hà Nội lúc ấy trầm tư ngỡ ngàng vừa thoát ra khỏi vũng lầy mấy chục năm tem phiếu. Nụ cười trên môi người còn chưa đủ dài để sẻ chia. Gương mặt rạng ngời của nàng khiến anh rạo rực. Phải che giấu nó bằng một nụ cười gượng gạo dài hơn bình thường.

Anh đoán lúc ấy nàng nhìn anh bằng con mắt khá thương hại. Một kẻ nghèo nàn từ áo quần nhôm nhoam mặc trên người cho đến gương mặt bần thần lưỡng lự. Anh đã không chuẩn bị gì cho một gặp gỡ
như thế.

Chẳng biết cái huyên náo nhí nhảnh của nàng đã kéo anh ra khỏi tâm trạng trầm uất ấy từ lúc nào. Buổi chiều nắng đẹp, anh chở nàng bằng chiếc xe máy cũ kĩ lang thang khắp phố phường Hà Nội. Điều mà anh chưa bao giờ cho phép mình làm ở cái thành phố người ta quen nhau khắp lượt này.

Lúc ấy thành phố còn chưa đông đúc dù rằng dân phố luôn có mặt ngoài đường. Họ lùng sục khắp mọi ngõ ngách cố gắng kiếm tìm cho ra cơ hội của mình khi không còn có thể bấu víu vào đồng lương nhà nước nữa.

Ra đường chạm mặt nhau cành cạch. Cười gượng và gật đầu chào nhau đầy ý tứ. Họ cũng có nỗi xấu hổ như mình. Cái vẻ điềm nhiên ngạo nghễ của công chức ăn lương vài năm trước đã bất ngờ biến mất. Bộ mặt của kinh tế thị trường bắt đầu rụt rè ló ra rất thảm hại.

Lần đầu tiên nó được công khai. Trước đấy vài năm công chức làm thêm thường giấu giếm rất kĩ trong ngôi nhà của mình. Dán hộp, in hóa đơn, quấn thuốc lá, dệt len, gấp sách thuê, dán túi nilon và luồn chun quần đùi cho bộ đội hậu cần.

Những con phố cổ vắng người luồn lách dưới tán cây mát rượi. Anh tăng tốc cho xe chạy nhanh dưới những hàng cây chói nắng. Những Hàng Ngang, Hàng Đào đông đúc bán mua. Những chợ quần áo họp tràn ra con đường thông từ Hàng Đào sang Đinh Lễ.

Chẳng ai để ý đến ai. Những nơi ấy khá an toàn trong một thành phố người ta gìn giữ sự thủy chung một cách lạ lùng. Giữ cho mình và giữ hộ người khác. Một ai đó trông thấy anh cùng với cô gái lạ hẳn sẽ là đề tài thảo luận cho đến khi nó lọt vào tai người không muốn nghe nhất.

Quán cà phê Nhĩ trên đầu phố Hàng Cá đông khách cả vào buổi chiều. Xe cộ bày ngổn ngang chiếm hết vỉa hè. Anh và nàng tìm một góc khuất ngồi bên trong quán.

Cà phê đựng trong cốc thủy tinh lớn bưng ra đặt xẵng xuống mặt bàn. Người phục vụ tỉnh bơ như vừa quẳng xong cái trách nhiệm hời hợt ra khỏi tay mình quay ngoắt vào nhà trong.

Những nét thanh lịch đầu tiên ở thành phố này biến mất như thế. Nàng đã rất ngạc nhiên về cách phục vụ ở quán cà phê Hà Nội. Anh mỉm cười bấm khẽ bàn tay nàng. Đó là đụng chạm đầu tiên và duy nhất cho đến tận lúc ra về.

Một cơn mưa lớn bất ngờ kéo đến. Hai đứa lướt thướt dưới ồn ào tiếng mưa và những bóng người thoăn thoắt trên mặt đường ngập nước. Chiếc áo trắng bó sát thân hình của nàng khiến nhiều cặp mắt dửng dưng Hà Nội bị hút vào.

Mái tóc đẫm nước nhỏ thành vệt dài trên gương mặt bất chợt hồng lên kiêu hãnh làm anh nhớ quá những cơn mưa Sài Gòn. Áo trắng dính sát thịt da những thiếu nữ hừng hực thanh xuân.

Một vô tình đầy ý nhị ở thành phố đông đảo ồn ã nhất nước ấy như là một dấu lặng êm đềm trên nền mưa bất tận. Và bây giờ thì dấu lặng ấy ở bên anh thật gần. Và cũng rất xa…

Cuộc hẹn ngày hôm sau của anh và nàng bất thành. Anh đã chuẩn bị một bộ quần áo tươm tất để chuộc lỗi chiều hôm trước quá luộm thuộm bên nàng.

Thực ra thì anh cũng không chắc lắm liệu bộ quần áo tươm tất này có còn làm cho nàng nổi bật như chiều hôm qua nữa không? Nhưng nàng đã khéo léo từ chối. Phải rất lâu sau anh mới biết nguyên nhân.

Buổi chiều cùng nàng tung tăng trên phố đã kịp trở thành một đề tài thảo luận của những người anh quen biết. Nó đã chẳng khó khăn gì tìm đến tai vài người đàn bà không thích nghe.

Anh thẫn thờ rời khỏi khách sạn nơi nàng ở. Bắt đầu có cái cảm giác vướng víu quanh mình của một kẻ đồng hành không rõ mặt. Nó ẩn hiện trong tiềm thức và có mặt vào đúng những lúc không mong muốn.

*

Hai mươi năm sau, cuộc hẹn mới được thực hiện. Nàng tìm được số liên lạc gọi anh vào một buổi sáng.

Xin lỗi có phải số máy của anh T? Giọng phụ nữ miền Nam lơ lớ pha trộn âm sắc Bắc không thể lẫn vào đâu được khiến anh giật mình ấp úng, dạ vâng tôi nghe!

- Em N đây, chắc anh không còn nhớ nữa rồi!

Anh cố trấn tĩnh khẽ cười trong máy, làm sao có thể quên được, tôi hoàn toàn không có tin tức gì về em mà thôi!

- Vậy thì anh sắp nhận được tin rồi, em sẽ ra Hà Nội chơi vào tháng chín!

- Hay quá, cụ thể là ngày nào đi để tôi đón?Anh hấp tấp.

- Không những đón mà còn phải đưa em đi chơi xa nữa đấy! Nàng khúc khích cười, nhưng liệu có phiền gì cho anh không?

Phiền ư? Anh giật mình kiểm soát lại tất cả những phiền nhiễu có thể xảy ra vào lúc này và quả quyết, bây giờ thì còn ai có thể làm phiền tôi được nữa!

- Thế thì đúng ngày… em ra và anh chuẩn bị một chuyến đi lên miền núi được không. Em chưa biết gì nhiều về những thửa ruộng bậc thang trên ấy!

- Anh đùa, tưởng em đòi đến thăm các “cán bộ lão thành” thì tôi còn phân vân chứ miền núi khó gì!

- Lão thành nào vậy anh?

- Thì những người em gặp hai mươi năm trước bây giờ chẳng đã lão thành cả rồi ư. Trong số đó có cả tôi nữa đấy!

- Không đâu, em đã xem ảnh anh đầy trên mạng rồi. Đừng nói thế chứ!

Và bây giờ là trên chiếc xe khỏe khoắn đang phăm phăm nuốt trọn con đường ngược lên miền núi rừng phía bắc. Băng ghế sau có ba người ngồi. Anh và hai cô gái. Một còn trẻ và một nữa rất trẻ. Và hai kẻ đồng hành vướng vất bên ngoài cửa kính.

Buổi trưa, lúc vừa đến đón nàng ở khách sạn anh đã hơi ngờ ngợ việc xuất hiện của cô gái trẻ. Liệu cô ấy có nằm trong một tính toán an toàn nào đó của nàng? Một tính toán được rút kinh nghiệm từ lần gặp gỡ hai mươi năm trước. Nhưng nếu quả thật nàng tính toán như thế thì sẽ tìm ra đáp số ngược lại.

Tuổi như anh ở thành phố này dưới con mắt của vài nhà đạo đức học là chưa hề suy giảm độ nguy hiểm. Hành trình cùng với hai cô gái đi đến một miền xa lắc sẽ là một câu chuyện đàm tiếu ít nhất dài gấp hai lần. Dù nàng đã cố tình ngồi lên xe cách anh cả một trẻ đẹp nhu mì thì hình ảnh mà hai kẻ đồng hành lẩn khuất bên ngoài cửa kính trông vào cũng vẫn thế.

Ngồi cạnh một cô gái trẻ trung xinh đẹp vừa gặp lần đầu lại trong một chuyến đi xa khiến anh muôn phần lóng ngóng. Chẳng biết cất toàn bộ số chân tay của mình vào đâu.

Cô gái cũng vô cùng khổ sở vì cái dáng ngồi ngay ngắn khép nép suốt vài trăm cây số. Và chuyện trò với anh thì cũng lễnh loãng chỉ ở mức thăm hỏi và nói về những người quen mà cả hai đều biết. Hà Nội về một nghĩa nào đó không nhiều người lắm.

Những người cô gái quen thì anh đều biết cả. Vài người còn là bạn thân của anh từ nhỏ. Anh kể cho cô gái nghe một thôi một hồi về những quen biết ấy. Tự rất lấy làm ngạc nhiên vì sao mình lại kể ra những chuyện như thế.

Nếu như chỉ mình anh và cô gái trẻ trên xe có lẽ câu chuyện đã rất khác. Chưa bao giờ anh bỏ lỡ một cơ hội mười mươi như thế.

Anh gần như không chuyện trò với nàng suốt trên quãng đường dài. Không hẳn vì cách bức. Cũng không phải là không có chuyện gì để nói. Anh biết. Chỉ gợi lại một chi tiết nhỏ trong cuộc gặp gỡ hai mươi năm trước thôi cũng đủ để chuyện trò với nàng vài tiếng đồng hồ.

Và nếu kể câu chuyện của hai mươi năm thì có lẽ phải cần đến nhiều tháng. Nhưng hình như nàng cũng nhận thấy sự có mặt của những kẻ đồng hành không mong muốn.

Chúng như từng bước theo sát anh và nàng hòng ngăn chặn tất cả những gì muốn quay về với quá khứ. Một quá khứ mà cả anh và nàng đều biết chắc sẽ là con đường dẫn đến đâu.

Tối mịt, xe đến thị trấn nhỏ Bắc Quang - Hà Giang. Phải dừng lại ăn tối và tìm khách sạn ngủ qua đêm. Quãng đường đi lên Hoàng Su Phì chỉ còn gần trăm cây số nhưng là cung đường rất nguy hiểm không thể chạy xuyên đêm.

Người lái xe bạn anh pha trò, thì chỉ đi chơi thôi chứ tất cả những hẹn hò đều đã có mặt ở trên xe cả rồi, tội gì đi đêm cho vất vả! Nàng liếc anh mỉm cười như trách móc. Anh thấy mình thật tệ. Nhất là trong lúc này.

Khách sạn Hướng Dương nằm trong một con ngõ rộng. Là nơi duy nhất trong thị trấn có ánh đèn diêm dúa sáng. Khoảnh sân rộng đủ cho hàng chục ô tô đậu lại nghỉ đêm.

Khi anh vào đến nơi toàn bộ phòng khách thênh thang vắng hoe. Bộ bàn ghế giả cổ tay ngai to như bắp đùi trẻ em nằm ngay ngoài sảnh tranh tối tranh sáng căn nhà ba tầng. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời anh nhìn thấy một khách sảnh có ri-đô che ra hướng mặt sân.

Căn bệnh ri-đô đã có lần lan vào Hà Nội. Chẳng biết để gìn giữ nét thanh lịch cũ hay là phá hoại nó nữa. Nhà cũ trong phố ngăn ri-đô cho vài gia đình chung sống.

Ô tô chạy trên phố cũng kéo ri-đô kính hậu. Cửa đi cửa sổ những căn nhà mới xây trong phố đều treo những tấm ri-đô đủ kiểu đủ màu. Phòng khách ri-đô, phòng ngủ ri-đô, phòng làm việc cũng ri-đô.

Cuối cùng thì người Hà Nội cũng nhận ra sự cần thiết của tấm ri-đô không tương xứng với những phiền hà mà nó gây ra. Nhất là vào mùa xuân ẩm ướt mưa phùn.

Nhiều tấm ri-đô cứ như dụng cụ để trồng nấm mốc. Cuối cùng thì người Hà Nội cũng nhận ra rằng chỉ có một nơi duy nhất trong thành phố cần đến ri-đô mà thôi. Nhà nghỉ. Nhưng những nơi ấy phòng khách chỉ là chỗ để dựng xe máy quay đầu ra ngoài. Xe máy tự che giấu thân phận của nó. Chưa bao giờ cần đến ri-đô.

Bà chủ khách sạn nửa nằm nửa ngồi trên bộ cánh phản dưới hiên khu bếp giới thiệu những món ăn mà họ có thể chuẩn bị ngay. Theo thói quen của những lần xa nhà anh vào bếp xem xét.

Nhưng việc lựa chọn món ăn của anh hôm nay là hơi thừa. Nhà bếp cũng chỉ còn vài món đạm bạc và một con gà sống nằm trong danh sách dự trữ.

Anh gọi cá suối rán, rau luộc, trứng rán và dĩ nhiên gà luộc. Con gà dự trữ oác oác lên mấy tiếng cuối cùng ngoài sân. Tiếng cánh đập phành phạch lịm tắt dần. Anh lôi chai rượu whisky trong cốp xe ra bàn ăn. Nàng xách theo bình rượu vang chát.

Bữa tối nhẩn nha sau một ngày thấm mệt không huyên náo như anh mong muốn dù đã uống năm sáu li rượu mạnh liền tù tì. Bạn anh không uống. Nàng nhấm nháp uể oải li vang đỏ. Cô gái trẻ hình như say xe chỉ dám uống soda.

Người đàn bà to béo tập trung vào các món ăn nhiều hơn. Cô ấy không mấy quan tâm đến rượu. Món ăn dân dã anh tưởng rằng sẽ rất khoái khẩu với dân phố mà không phải. Cá rán không đủ giòn xương gai sắc lẻm. Thịt gà dai ngoách tay giằng chân đạp toát mồ hôi.

Khoảng cách giữa mọi người dường như rộng ra thêm khi bữa ăn kết thúc. Người phục vụ dẫn anh và các bạn lên tầng hai. Không khó để nhận ra tình trạng duy nhất có thể đến với anh lúc này. Một mình anh một phòng. Dĩ nhiên thế.

Nhưng anh vẫn đùa nàng, kể ra thì ba người chúng ta cũng chỉ cần một phòng là đủ!

Nàng cũng gượng cười đùa lại, anh muốn chúng em bất hòa là hơi khó đấy!

Một mình trong căn phòng rộng. Dĩ nhiên rèm cửa màu xanh da trời. Dĩ nhiên tủ lạnh trống không han rỉ. Dĩ nhiên TV kĩ thuật số chỉ xem được vài kênh rất chán. Dĩ nhiên màn tuyn thêu ren hoa hoét buông sẵn chỉ còn có việc kéo cửa màn khép nốt lại là có ngay một giấc ngủ an toàn.

Chiếc tủ gỗ ép ọp ẹp long cánh bày trong căn phòng giữa vùng núi rừng bạt ngàn như một lời than ai oán. Khái niệm cho một nhà nghỉ phố huyện luôn là thế. Chẳng thể đòi hỏi gì hơn.

Anh cởi bộ quần áo đi đường vứt bừa ngay lên chiếc ghế sắt độc nhất trong phòng. Chẳng cần phải tắt đèn. Tấm rèm cửa sổ màu xanh da trời lỗ chỗ vết thủng là thứ hoàn toàn không cần đến việc kéo nó lại.

Anh ngả người lên tấm đệm có khăn trải trước đây đã từng trắng. Ngước nhìn lên trần nhà loang lổ vết ố như ngấm nước đái trẻ con ở những khu nhà tập thể thành phố.

Cơn buồn ngủ kéo đến rất nhanh. Anh chỉ còn kịp mỉm cười khi nhận ra tình cảnh hài hước của mình. Vượt quãng đường ba trăm cây số chỉ để lên đây ngắm cái trần nhà!

*

Buổi sáng, anh thức dậy vào lúc năm giờ. Ra hành lang nhìn lên bầu trời ảm đạm. Những tảng mây lớn ùn ùn băng qua khoảng trời trước sân báo hiệu một ngày mưa dai dẳng.

Những chân ruộng bậc thang nhìn qua cửa kính xe buổi chiều hôm qua chỉ còn trơ gốc rạ. Lúa đã chín trước khi anh có mặt vài tuần. Dự định chụp lại phong cảnh vàng rực trên ruộng bậc thang của anh kể như đã thất bại.

Nhưng với nàng thì đó vẫn là những cảnh đẹp chưa từng biết đến. Dù mưa thì cũng phải cố vào đến tận nơi chụp ảnh
xem xét.

Ăn sáng xong, bạn anh cho xe chạy một mạch thẳng lên con đường hiểm trở bậc nhất đất nước dẫn vào huyện Hoàng Su Phì. Mưa òa xuống mịt mù. Núi chìm trong mây khuất mặt.

Chỉ thỉnh thoảng rộng ra một khoảng trời sũng nước mông lung. Chiếc xe phiêu phưởng như không chạm đất. Bạn anh dù là một tay lái lão luyện cũng không dám cho xe chạy quá bốn mươi cây số giờ.

Những vòng cua tay áo thót ruột liên tục lúc lên đèo. Nhưng cái phong cảnh thần tiên ấy hoàn toàn chinh phục được nàng. Khiến nàng ngạc nhiên trầm trồ không dứt.

Anh nhìn sang chỗ nàng và phát hiện ra nhiều nét thân quen của hai mươi năm trước. Trẻ trung. Dạn dĩ. Hạnh phúc ngập tràn xóa đi khá nhiều những dấu vết của tháng năm trên gương mặt. Và bóng dáng của kẻ đồng hành bên phía nàng ngồi lại bất giác hiện hình…

Nàng lấy chiếc máy ảnh lớn ra bấm liên hồi ở những chỗ dừng chân. Anh dùng máy của mình chụp cho nàng những tấm chân dung trước cảnh núi non trùng điệp. Cho đến lúc chiếc xe chui sâu vào vùng sương mù đỉnh đèo.

Chỉ còn nhận ra cảnh vật không quá bốn mét trước mặt. Đốm đèn vàng của những chiếc xe đi ngược chiều đặc quánh tưởng có thể cầm lên được. Rất may, qua hết đỉnh đèo trời chợt hửng nắng.

Có thể chụp ảnh những thửa ruộng bậc thang còn sót lại vài đám lúa vàng chói trong thung lũng tím. Những đám cỏ lau non hồng nhạt phất phơ hoang vắng bên con đường hun hút ngoằn ngoèo. Thế cũng là quá đủ cho một mong muốn vào lúc này.

Anh biết. Chuyến đi sẽ kết thúc ở đây. Chẳng cần phải kéo dài nó ra làm gì. Thêm một đêm nữa nằm trong khách sạn huyện trên hai chiếc giường chỉ cách nhau mười xăng-ti-met. Bằng đúng độ dàycủa bức vách ngăn phòng. Anh có thể vượt qua nó dễ dàng. Nhưng cặp mắt của những kẻ đồng hành mới là hố sâu ngăn cách không thể vượt qua. Ở lứa tuổi của anh và nàng.

*

Hai mươi năm nữa. Nếu quả thực còn có hai mươi năm dành cho một gặp gỡ. Anh cũng biết rằng sẽ chỉ gặp nàng qua điện thoại. Nói vài câu với nàng đại loại như, em phó phẻ phông? Anh phẫn phình phường! (Em có khỏe không? Anh vẫn bình thường). Thế cũng là may mắn lắm rồi.

Một cung đường xa chẳng để khám phá một cái gì. Một cuộc hội ngộ chỉ để nhớ lại những gì đã mất. Đỗ Phấn, trong truyện ngắn này hành văn vẫn như thường thấy ở anh, nghĩa là chậm rãi và đôi chỗ nhâm nhi, nhưng nó lại đặc biệt hợp với tâm trạng của nhân vật và không khí của truyện.

Những kẻ đồng hành ảnh 2

Đằng sau câu chuyện một mối tình lửng lơ, là những khác biệt vùng miền, những quan sát tinh tế về thói quen và lối sống. Và vì nhà văn Đỗ Phấn cũng là họa sỹ Đỗ Phấn, anh vẽ nên những nét bằng ngôn từ lạnh lùng nhưng sống động.

11/2013

Truyện ngắn của
Đỗ Phấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.