Những 'hiệp sĩ' giải cứu thú hoang giữa rừng già - Bài cuối: Thay đổi nhận thức

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ xa xưa, người Cơ Tu tồn tại giữa Trường Sơn hùng vĩ chủ yếu sống nhờ việc khai thác và sử dụng các nguồn lợi từ thiên nhiên. Vì vậy, việc khai thác, săn bắt thú trong rừng cũng có quy tắc, lệ làng. Những “hiệp sĩ” đội tuần tra, tháo gỡ bẫy ở Tây Giang đang âm thầm tuyên truyền, góp phần thay đổi nếp nghĩ của người dân.

Bị dân làng xa lánh

Zơrâm Ngoàn quê xã Bha Lêê nhẩm tính tham gia đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng tại rừng phòng hộ huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã tròn 15 tháng. Chàng trai người Cơ Tu 31 tuổi, da ngăm đen, dáng người chắc nịch như cây rừng. Ngoàn cười bảo, thân thể khỏe mạnh là kết quả của những ngày nhỏ theo dân làng băng rừng săn bắn, mưu sinh. Là người địa phương nên Ngoàn am hiểu các kỹ năng đi rừng, săn bắt cũng như các loại bẫy từ bé.

Được gia đình cho ăn học, tốt nghiệp Trung cấp Lâm nghiệp, Ngoàn về xin công tác tại Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương được một thời gian. Tháng 9/2022, Đội tuần tra và tháo gỡ bẫy được thành lập, Ngoàn xin tham gia chỉ vì muốn về với rừng. Và cũng là lúc anh đối diện với những thử thách ngay chính với người thân và dân làng.

Anh Ngoàn kể: Dân làng, anh em bạn bè đi đặt bẫy, mình đi gỡ là đang đi ngược lại với họ. Từ ngày tham gia vào đội tuần tra và tháo gỡ bẫy anh em địa phương đã đánh đổi rất nhiều. Đa số dân làng sống dựa vào rừng, việc các thành viên tháo gỡ bẫy khiến không ít người bực tức, sinh ra ghét các thành viên trong đội.

Những 'hiệp sĩ' giải cứu thú hoang giữa rừng già - Bài cuối: Thay đổi nhận thức ảnh 1

Những "hiệp sĩ" rừng già thường xuyên băng rừng, lội suối giải cứu thú hoang

“Hơn 1 năm, tính ra chúng tôi đã có hơn 250 ngày đi tuần trong rừng, tháo gỡ hàng nghìn chiếc bẫy các loại. Việc làm này tác động trực tiếp đến kinh tế cũng như tín ngưỡng, tâm linh của người dân nên họ rất ghét công việc chúng tôi. Không chỉ bản thân mà gia đình tôi cũng bị họ ghét lây”, anh Ngoàn kể.

Theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu rừng là đấng linh thiêng, việc bị người khác tháo gỡ bẫy sẽ đem đến nhiều điều xui xẻo, không may mắn cho người đặt bẫy. Nhiều người dân tâm niệm rằng, những việc làm của các thành viên trong đội tuần tra, phá bẫy đang làm trái với quy tắc truyền thống, nên dân làng sẽ bị thần rừng quở trách. Từ đó, cả đội đều bị hàng xóm, bà con ghét, thù vặt. Nhiều người tìm đến gia đình các thành viên để gây áp lực, chửi mắng.

Giống như đồng đội của mình, anh Ating Thuận cho hay, khi tham gia vào đội tuần tra, tháo gỡ bẫy, nhiều người gặp anh ngoài đường họ chửi mắng, lăng mạ khiến anh rất buồn. Vào các dịp lễ hội hay các công việc quan trọng trong làng họ cũng bị bài trừ, không cho tham gia.

Những 'hiệp sĩ' giải cứu thú hoang giữa rừng già - Bài cuối: Thay đổi nhận thức ảnh 2

Ghi nhật ký cho những khoảng rừng xanh. Ảnh: Duy Quốc

“Trước đây, mỗi lần làm nhà hay có bất cứ việc gì, người trong làng đều đến để phụ giúp, nhưng từ khi tham gia vào đội phá bẫy thì không còn. Nhiều lúc tôi có ý định không làm nữa, đi kiếm việc khác để không ảnh hưởng đến gia đình, người thân, nhưng vì tình yêu với rừng và được các thành viên trong đội động viên, chia sẻ nên mới gắn bó đến giờ”, anh Ating Thuận trải lòng.

Đổi thay

Anh Hứa Nguyễn Minh Tuấn, Đội Trưởng đội tuần tra và tháo gỡ bẫy cho biết: Tất cả 25 thành viên trong đội một nửa là chưa có vợ con và còn rất trẻ. Mỗi tháng anh em được trả công khoảng 5 triệu đồng. Đổi lại các thành viên ở trong rừng hết 20 ngày/tháng để tuần tra nên thời gian dành cho gia đình, người thân hầu như là không có. Để bảo vệ rừng, động vật hoang dã, bên cạnh đi rừng khổ ải, hiểm nguy rình rập, họ còn phải chịu đựng sự miệt thị, chửi mắng hay đe dọa từ người dân trong làng.

Những 'hiệp sĩ' giải cứu thú hoang giữa rừng già - Bài cuối: Thay đổi nhận thức ảnh 3

Đội tuần tra tháo gỡ bẫy xuyên rừng. Ảnh: Duy Quốc

Đội Trưởng đội tuần tra và tháo gỡ bẫy cho biết: Ngoài việc tuần tra và tháo gỡ bẫy, hàng tuần, hàng tháng, đội phân công nhau về từng bản làng để cùng với chính quyền địa phương vận động bà con cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Trong các cuộc họp của xã, làng, Ban quản lý rừng Tây Giang cũng đã giới thiệu về đội tuần tra và tháo gỡ bẫy được thành lập với mục đích bảo vệ những cánh rừng khỏi bị tàn phá và được nhiều già làng đồng ý, cho phép làm. Nhờ vậy, các anh em trong đội cũng đã yên tâm công tác. Nhiều người dân đã tự ý giao nộp các loại vũ khí, dụng cụ săn bắt thú rừng cho cơ quan chức năng. Nhờ đó, số lượng bẫy cũng đã giảm dần theo các tháng, nhiều người đã được tạo công ăn việc làm nên không còn vào rừng nữa. Những đố kỵ, ganh ghét, thù hằn với anh em đội tuần tra và tháo gỡ bẫy nhờ đó cũng dần giảm đi.

Cũng nhờ nỗ lực tuyên truyền về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng mà đến nay, nhiều người dân nhất là người trẻ tại các bản làng giữa núi rừng Tây Giang đã nhận ra được việc bảo vệ rừng, bảo vệ thú rừng quan trọng như thế nào. Anh em kiên trì đến từng nhà nhỏ to chuyện trò, tỉ tê tâm sự, tuyên truyền nên số người dân vào rừng đặt bẫy cũng ít dần theo thời gian.

Bling Nhượng (31 tuổi, xã Lăng, Tây Giang) thường vào rừng đặt bẫy kiếm nguồn thu để nuôi sống gia đình. Từ một người trẻ luôn chống đối với việc làm của đội tuần tra, tháo gỡ bẫy nay Nhượng đã thay đổi suy nghĩ về việc săn bắt thú hoang. Anh cho biết, gia đình anh sống nhờ vào rừng, nhà cũng được dựng lên từ gỗ trong rừng, những thực phẩm ăn uống hay lễ lạc trong nhà trước đây đều do anh đánh bắt mà có. Từ lúc đội tuần tra và tháo gỡ bẫy được thành lập những người trong làng không đánh bắt hay làm ăn được gì.

“Chỉ hơn một năm thành lập, đội đã phát hiện và tháo gỡ gần 7.000 chiếc bẫy các loại, hủy 24 lán trại và giải cứu hàng trăm động vật hoang dã. Những gian khổ và việc làm ý nghĩa của anh em trong đội đã tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào vùng cao trong việc bảo vệ rừng cũng như động vật hoang dã cho muôn đời sau”

Anh Hứa Nguyễn Minh Tuấn, Đội Trưởng đội tuần tra và tháo gỡ bẫy

“Trước đây, tôi và người dân trong làng rất sợ thần rừng trách phạt, việc tháo gỡ bẫy là điều cấm kỵ. Những việc làm của đội phá bẫy khiến chúng tôi rất tức giận, họ đã đi trái với quy tắc của làng. Nhưng sau những gì họ làm, chúng tôi nhận ra được rừng quan trọng thế nào. Đến bây giờ, mọi người đã thay đổi được quan niệm của mình và chính tôi cũng đã từ bỏ việc săn bắt”, anh Blinh Nhượng chia sẻ.

Khi được hỏi về việc có muốn tham gia vào đội phá bẫy, anh cho biết: “Nếu có cơ hội, tôi cũng muốn gia nhập vào đội tuần tra và tháo gỡ bẫy để trả ơn núi rừng”.

Đội Trưởng đội tuần tra và tháo gỡ bẫy cho biết: Thời gian tới, đội sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, số lượng thành viên. Việc dựa vào cộng đồng để giữ rừng, bảo vệ thú hoang là rất quan trọng, quyết định thành công của dự án.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.