Những gã khùng làm nên thương hiệu du lịch xứ hoa

Phong cảnh trữ tình ở Làng Cù Lần tỉnh Lâm Đồng, Nam Tây Nguyên
Phong cảnh trữ tình ở Làng Cù Lần tỉnh Lâm Đồng, Nam Tây Nguyên
TP - Từ Bắc xuống Nam Tây Nguyên, nơi nào cũng có những điểm dừng chân đẹp mê hồn. Khí hậu dịu mát, mây trắng trời xanh, núi rừng hùng vĩ, suối thác hoang sơ, ẩm thực phong phú, con người hồn nhiên đẫm chất nắng gió đại ngàn. Điều gì khiến 4/5 chuỗi cao nguyên tràn trề sức sống này chưa thành tâm điểm du lịch hấp dẫn du khách muôn phương? 

Con số biết nói

Theo dõi số liệu thống kê từ ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VHTT&DL) 5 tỉnh Tây Nguyên, rất dễ thấy sự chênh lệch ngày càng xa giữa Lâm Đồng với 4 tỉnh còn lại. Trong 5 tỉnh, chỉ Lâm Đồng liên tục tạo mới được nhiều sản phẩm du lịch, ngày càng nhiều điểm đến được đông đảo du khách yêu thích, lưu trú lâu hơn và nhiều lần trở lại. Tổng doanh thu du lịch Lâm Đồng cao gấp 12 lần tỉnh đứng thứ 2 về du lịch trên Tây Nguyên, là Đắk Lắk. 

Trao đổi với người viết bài này, lãnh đạo sở VHTT&DL 2 tỉnh đều công nhận độ chính xác của các con số “chỉ rất tương đối”, bởi chưa hề có công thức chung và cách tính nào được Bộ VHTT&DL hướng dẫn toàn ngành làm theo cho thống nhất, chặt chẽ. Dù vậy, kiểu mày mò “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm” của các tỉnh vẫn tương đồng vài mẫu chung. Ví dụ số du khách nước ngoài lấy từ phòng quản lý xuất nhập cảnh, còn tổng doanh thu tính bằng cách ước tính nhân khoản chi tiêu trung bình từng ngày trên mỗi lượt người, nhân số ngày lưu trú... 

Theo đó, trong năm 2019, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 7.160.000 lượt; Khách quốc tế đạt 533.000 lượt;  Khách nội địa đạt 6.627.000; Khách qua lưu trú 4.860.000 lượt, với thời gian lưu trú bình quân 2,1 ngày. Tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 12.888 tỷ đồng. Tất cả các con số này đều tăng trên dưới 10% so với cùng kỳ năm trước, gần khớp với kế hoạch của tỉnh. 
Còn du lịch Đắk Lắk năm 2019 đón hơn 950.000 lượt khách, gần 1/10 là khách quốc tế. Tổng doanh thu tăng 38% so với năm 2018, ước đạt 1.050 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2020 ngành Du lịch Đắk Lắk phấn đấu đón khoảng 1,2 triệu du khách, doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng, tức là nếu đạt, vẫn chưa bằng 1/10 tổng thu của du lịch Lâm Đồng năm trước. 

Tương tự, các “miền đất hứa” còn lại từ Trung đến Bắc Tây Nguyên cũng không thiếu các nàng công chúa ngủ trong rừng, mộng đẹp mãi vẫn chưa có chàng hoàng tử nào đặt được nụ hôn lên môi để tỉnh thức. Năm 2019, Gia Lai chỉ đón được 845.000 lượt du khách trong nước và quốc tế, tổng doanh thu du lịch 510 tỷ đồng. Mức thu từ du lịch Kon Tum và Đắk Nông còn “khiêm tốn”, rụt rè hơn nữa, dù nguồn tài nguyên về thắng cảnh, văn hóa, di tích, kiến trúc, hang động, sông hồ, suối thác... của các tỉnh này rất đáng để nhiều nơi khác phải mơ ước.

Những “gã khùng” hiếm quý 

Không hiểu sao cao nguyên Lâm Viên mộng mơ lại tập trung được lắm nhân tài giàu chất khùng điên, không giống ai, bất cần trước búa rìu dư luận và mọi lời khen chê. Chính vì thế nên vị nào cũng gây dựng được sản nghiệp độc đáo, cống hiến đáng kể cho ngành du lịch ở xứ ngàn năm thông reo, hoa nở.

Những gã khùng làm nên thương hiệu du lịch xứ hoa ảnh 1 Nghệ sĩ buôn làng
Dị đến mức chất khùng gắn chết luôn vào tên, là nghệ sĩ nhiếp ảnh M.P.K, tức Michael Phước Khùng, thị dân xa lạ với tiện nghi vật chất hơn bất kỳ ai mà tôi từng thấy. Trọn đời M.P.K mải miết săn tìm chỉ một thứ: ảnh đẹp! Ảnh cây lá thiên nhiên, sinh vật hoang dã, mây, sương, nắng, đời người. Chụp phóng đại mắt côn trùng bằng cách lật ngược ống kính wide, normal cũ mòn, nằm hứng sương đêm cho bạt hết hơi người. Mải mê săn hoa cỏ ven đường tới mức đi bộ từ hồ Xuân Hương tới tận Buôn Ma Thuột lúc nào không hay... M.P.K tô điểm Đà Lạt bằng cả gia tài ảnh nghệ thuật độc đáo. Ai ngắm cũng ngẩn ngơ khen: Vi diệu!

Khác hẳn M.P.K là những gã khùng đại gia. Đồng chủ nhân của XQ sử quán- ông Võ Văn Quân từ lâu mang tiếng Quân khùng, có lúc còn bị nghi điên nặng. Đặt tên phố lạ, phong thánh mỹ nhân; gắn biển “Ngọc Khuê Đường” nơi thợ thêu ở; làm lễ “rước sợi chỉ về tới cổng Mặt trời” mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần... Trải bao sóng gió, XQ sử quán đã tôn vinh nghề thêu tay truyền thống như một di sản văn hóa đáng tự hào, tôn vinh vị thế phụ nữ, đào tạo cả nghìn nghệ nhân giỏi nghề với phong cách kiều diễm, tạo thêm địa chỉ selfie đẹp lạ, thanh nhã dịu dàng cho du khách đến Đà Lạt. 

Khi đại gia Trịnh Bá Dũng bỏ ra cả trăm tỷ đồng để dầm dãi sình lầy, cật lực cùng nhân công đào đất, khoan đồi, lắm người cười nhạo “Dũng khùng mất trí”! Du học Đức rồi đến nhiều nước trên thế giới, hơn chục năm trước ông đã làm thành công một ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung bên hồ Tuyền Lâm, rồi lấy kinh nghiệm từ đó tạo nên một sản phẩm du lịch “không thể đụng hàng”. Đường hầm Đất sét ra đời, trở thành điểm nhấn sửng sốt cả triệu du khách suốt mấy năm qua.  

Một gã khùng khác từ chối mọi danh xưng, chỉ thích được gọi “nhạc sĩ Cù Lần”, là Văn Tuấn Anh, chủ nhân khu du lịch Làng Cù Lần tuyệt vời thơ mộng ở Lạc Dương, cách Đà Lạt 21 km. Giữa lúc hái ra tiền dễ dàng từ kinh doanh bất động sản, 20 năm trước ông nổi cơn khùng bỏ Sài thành hoa lệ lên Lâm Đồng vui sống với rừng, sáng tác hàng loạt ca khúc ngộ nghĩnh, trong đó có “Trái tim Cù Lần” được giới trẻ cực kỳ yêu thích. Tết Dương lịch 2014, tôi “xông đất” Làng Cù Lần, nhạc sĩ đãi khoai nướng và cho biết chỉ đủ sức đón tối đa 500 khách mỗi ngày. Vậy mà mới đây, nhạc sĩ tiết lộ năm 2019 có tới 580 nghìn du khách mua vé vào Làng. Tỉnh mới đồng ý giao cho ông bảo vệ thêm 226 hec ta rừng thông hai lá dẹt cổ sinh cách Làng 9km để ông tổ chức du lịch kết hợp với giáo dục tình yêu rừng cho du khách.

Sẽ thiếu sót, nếu kể tên những nhân tài giàu “chất điên” đã giúp Lâm Đồng thành tỉnh hấp dẫn du khách nhất Tây Nguyên mà không nhắc đến nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga, chủ nhân Biệt thự Hằng Nga, tức Ngôi nhà quái dị. 30 năm qua, nơi này thu hút cả chục triệu du khách đến chụp ảnh, đặt phòng. “Ở đây, mọi thứ cứ như bị nấu tan chảy rồi đóng băng thành hình dạng kỳ cục, mà lại thẩm mỹ lạ lùng!”-Một họa sĩ phóng bút vào sổ lưu niệm.

Lâm Đồng còn có một vị lãnh đạo độc đáo, tên riêng cũng đặc biệt là ông Phạm S. Năm qua, cuốn sách mới nhất dày 500 trang trong số 15 đầu sách đã xuất bản, tái bản của ông, là “Đà Lạt: Ba thiên đường- Hai hội tụ- Một tầm nhìn” đã đến tay công chúng. Nhận diện 10 đặc thù riêng có của Đà Lạt so với các thành phố khác ở Việt Nam và thế giới, tiến sĩ nông học Phạm S chứng minh rất sinh động Đà Lạt là thiên đường của cả Du lịch, Tình yêu và Nông nghiệp. Tôi đã nghe nhiều người kể tốc độ và công suất làm việc “siêu khủng” của vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông thái. Có phải nhờ Tâm-Tài sâu sắc và tư duy mới mẻ của các vị lãnh đạo cỡ Phạm S mà những nhân tài “điên khùng” nơi này mới có thể thỏa sức sáng tạo và cống hiến. 

MỚI - NÓNG