Nối nghiệp cha nuôi con nhà người
Ở thôn có đến 92% hộ nghèo đói ấy không ai là không biết gia đình ông Sùng Vảng Lao đã nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh suốt nhiều năm qua. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, thứ quý giá nhất là chiếc tivi màu đã cũ. Hỏi thăm ông, những đứa trẻ nói: Bố Lao đi rẫy rồi!
Từ thôn Giang Đông mới, chúng tôi vượt quãng đường 12 cây số bụi bặm, ngoằn ngoèo đèo dốc đến thôn Giang Đông cũ tìm gặp ông. Nằm sát bìa rừng, ngôi nhà tạm lọt thỏm giữa ruộng bí đỏ héo úa vì nắng hạn. Ngỡ khách đến mua bí, ông Lao nhanh miệng chào nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về những đứa trẻ, ông cười nói: Mấy đứa nhỏ tội nghiệp lắm, chúng nó cũng như con mình đẻ ra. Ngày cụ nội tôi còn sống, cụ đã nhận nuôi nhiều đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Đến đời bố tôi là Sùng La Giống cũng nhận nuôi 5 đứa trẻ mồ côi khác. Tôi chỉ học theo các cụ thôi!
Ông Lao kể cho chúng tôi nghe cơ duyên gắn ông với những đứa trẻ bất hạnh này. Năm 1993 trong xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, nơi ông ở lúc bấy giờ có một cặp vợ chồng nghiện ma túy nặng. Ngày nọ, hai vợ chồng bỏ đi biệt tích, để lại đứa con nhỏ vừa tròn 5 tuổi, tên Nguyễn Thị Hồng. Gia cảnh ông lúc đó chẳng mấy khá giả, lại đông con nhưng thấy cháu bé quá đáng thương, ông Lao đến nhận về nuôi và đặt lại tên là Sùng Thị Hoa. Năm 1996, gia đình ông chuyển vào Đắk Lắk sinh sống, Hoa cũng được mang theo.
Vào Đắk Lắk chưa lâu, ông lại nhận nuôi thêm Sùng A Ly (12 tuổi) và Giàng A Páo (16 tuổi) vì bố chết, mẹ bỏ đi biệt tích, hằng ngày các cháu phải đi cắt cỏ, rửa bát thuê kiếm sống. “Lúc ông ấy đón thêm hai đứa nhỏ về, tôi chỉ sợ mình không nuôi nổi. Khi đó gia đình tôi đang sống tạm bợ trong ngôi nhà lụp xụp, rách nát. Hơn nữa, 7 đứa con tôi cũng đang tuổi ăn, tuổi lớn, giờ lại thêm hai đứa nữa, không biết xoay xở cách sao?! ”- bà Giàng Thị Xá, vợ ông Lao chia sẻ.
Chăm lo cho đàn con 7 đứa với mẹ già chỉ bằng mấy sào đất bạc màu trồng lúa, đậu, bí đỏ đã là cả bài toán khó, vậy mà 20 năm qua, gia đình ông Lao vẫn lần lượt nhận nuôi tổng cộng hơn 20 đứa trẻ mồ côi, cùng quẫn. Cơm bữa đói bữa no, nhiều lúc túng thiếu quá ông lại chạy khắp thôn vay mượn, nhưng chưa bao giờ từ bỏ ý định tiếp tục nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh, nếu lại... lỡ gặp.
Nghĩa tình vô giá
Nói về những việc mình đã làm, ông Lao chia sẻ: “Sống ở trên đời không có gì quý hơn tình nghĩa con người. Mỗi đứa con nuôi đến với tôi có hoàn cảnh khác nhau. Đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa thì vẫn còn bố hoặc mẹ, lại có đứa bố mẹ vẫn còn sống nhưng do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khổ, không đủ khả năng nuôi. Dù thế nào, chúng cũng đáng được yêu thương, chăm sóc. Tôi sẽ cố gắng nuôi dưỡng để chúng nên người”.
Để có thu nhập chi tiêu ăn uống, chi phí học hành cho đàn con đông đúc, vợ chồng ông Lao phải vào sát bìa rừng cất nhà, lấy đất trồng trọt. Không thể chuyển cả gia đình vào lại thôn cũ vì việc đi lại khó khăn lại xa trường học nên vợ chồng ông đành chịu cảnh đi sớm về khuya. “Mới tờ mờ sáng, bố mẹ dậy lo cơm nước xong xuôi đâu đấy mới đi làm. Chiều tối lại về, mẹ nấu nướng, dọn dẹp, bố dạy các em học. Ở thôn cũ cũng có căn nhà nhỏ, nhưng bố mẹ vẫn cứ đi về dù đã có vợ chồng tôi lo cơm nước cho các em. Lắm hôm trời mưa to, sấm chớp bố mẹ vẫn mặc áo mưa về vì không yên tâm”- chị Sùng Thị Y, con gái ông Lao cho biết.
Tập cho con đi xe đạp
Khó khăn chồng chất nhưng chưa bao giờ ông có ý nghĩ để các con bỏ học lao động kiếm sống mà luôn tạo mọi điều kiện để tất cả đều được đến trường. “Bố em chết, mẹ đi đâu không rõ. Em về ở với bố Lao được 2 năm rồi. Bố rất quan tâm và còn cho em đi học. Hiện em đang học lớp 3 tại Trường tình thương Vinh Sơn”, em Giàng Thị Dua, 11 tuổi nói.
Những đứa trẻ mồ côi được ông bà cưu mang, chăm sóc như chính con đẻ của mình. Có đứa được nhận về nuôi khi còn đỏ hỏn như anh em Giàng A Gư. Năm 2011 ông nhận nuôi Giàng A Gư (sinh năm 2001) vì gia đình cháu quá khó khăn, bố mẹ bị bệnh mà không có tiền chữa trị. Đến đầu năm 2013, bố Gư mất khi em trai của Gư chỉ mới được 1 tuần tuổi, người mẹ cũng bị sỏi mật nặng. Cùng đường, mẹ Gư muốn cho luôn đứa con út, và ông Lao nhận thêm đứa trẻ này về nuôi. Những tháng ngày sau đó là quãng thời gian vất vả đối với gia đình ông bởi bé mới 12 ngày tuổi, thường xuyên phải nhập viện vì bệnh viêm phổi. Hằng đêm vợ chồng ông phải thay phiên túc trực chăm sóc.
Hay trường hợp bố con Giàng A Páo. Páo được ông Lao nhận nuôi năm 1997, đến năm 2000 Páo lấy vợ, sinh con. Ngày đứa con thứ 7 của Páo chào đời, cũng là ngày Páo chết vì ung thư phổi. Ít lâu sau, vợ Páo mất tích trong lúc đi rẫy. 7 đứa trẻ bỗng chốc mồ côi, vợ chồng ông Lao lại đón cả về nuôi.
Vất vả nhất với đứa út khát sữa khóc mãi không nín, hằng ngày ông phải bế cháu đi khắp thôn xin sữa. “Khó khăn mấy rồi cũng sẽ qua. Hằng ngày chỉ cần nhìn thấy đàn con khỏe mạnh là tôi vui rồi. Đứa con út của Páo được 8 tháng thì có một cặp vợ chồng hiếm muộn xin về nuôi, 6 đứa còn lại vẫn ở với tôi, hiện được các nữ tu dòng Vinh Sơn nhận nuôi dạy ở Trường tình thương Vinh Sơn, nội thành Buôn Ma Thuột! - ông Lao cho biết.
Ông Lao và con của Giàng A Páo
Không chỉ vậy, ông Lao còn sẵn lòng nuôi, chăm sóc những đứa trẻ khác trong thôn khi bố mẹ chúng gửi để đi làm xa. “Cũng vì thấy tôi nhận nuôi những đứa trẻ, vợ chồng em gái tôi là Sùng Thị Ca mới ỷ lại. Chúng nó mang cả 5 đứa con sang gửi tôi, nói đi làm ăn xa. Nào ngờ lại lén lút buôn bán ma túy nên bị bắt năm 2012. Ngày vào tù, nó thản nhiên giao 5 đứa con cho tôi !”- ông Lao buồn bã.
Ngoài những đứa đã lớn, lập gia đình ra ở riêng, hiện tại vợ chồng ông Lao còn phải lo cho 2 đứa con đẻ và 13 đứa con nuôi ăn, học. Trong đó, 6 đứa lớn học ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Phước, 4 đứa còn nhỏ đang học tại Trường tình thương Vinh Sơn, 2 đứa học tại thành phố Buôn Ma Thuột và 3 đứa đang học tại thôn Giang Đông. Không phụ công ơn dưỡng dục, các con ông đều chăm ngoan, học giỏi. Dịp lễ, tết, nghỉ hè lại trở về sum vầy bên gia đình, lên rẫy giúp bố mẹ. “Mỗi lần nhớ các em, bố lại khăn gói bắt xe đò lên thăm.
Chỉ có 3 tháng hè là đông vui nhất vì các em về đủ cả, vợ chồng tôi lại được bố mẹ gọi đến ăn cơm chung. Ban đầu, thấy bố mẹ chẳng phân biệt con đẻ hay con nuôi, mấy anh em trong nhà còn ghen tỵ, trách bố sao lại chăm lo cho các em nhiều như thế, nhưng bây giờ đã lớn khôn, hiểu biết nên anh em tôi thấy yêu thương và kính trọng bố mẹ nhiều hơn” - anh Sùng A Châu, con trai cả ông Lao chia sẻ.
“Không có bố Lao thì tôi không còn sống đến ngày hôm nay. Sau vài tháng bỏ đi, mẹ đẻ tôi có quay lại tìm nhưng lại không đón tôi về vì biết đã có người nuôi dưỡng. Từ ngày theo bố, mẹ nuôi vào Đắk Lắk tôi không còn biết tin tức gì về bố mẹ mình nữa, cũng không thấy bố mẹ đến tìm tôi. Dù không mang nặng đẻ đau nhưng tôi và các em đều được yêu thương, chăm sóc như chính con đẻ. Ơn bố mẹ, cả đời này tôi không bao giờ quên”, chị Sùng Thị Hoa, hiện đã lập gia đình ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng tâm sự.
Ông Sùng A Thọ, Bí thư chi bộ thôn Giang Đông xác nhận: Việc gia đình bác Lao nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn là chuyện hoàn toàn có thật, dù nhiều người nghi ngờ, khó tin. Gia đình bác đông con, kinh tế khó khăn nhưng bác luôn cưu mang, nuôi nấng và tạo điều kiện cho cả đàn con trẻ được ăn học đầy đủ. Dịp lễ tết nào, địa phương cũng đến thăm hỏi, hỗ trợ gạo. Nhiều nhà hảo tâm trân trọng tấm gương nhân hậu của bác, đã gửi tặng quần áo, sách vở để bác lo cho các em.