Những đứa trẻ… 'bị bỏ rơi'
> Teen Việt đua đòi sống không phụ thuộc
> Trẻ chán sống, vì sao?
Không có thời gian để quan tâm, chia sẻ với con, không ít gia đình ở thành phố “giải quyết” bằng cách đẩy con đến các lớp học thêm, “bù đắp” cho con bằng tiền bạc…
Nhiều học trò "vô gia cư" sau giờ học. Ảnh: minh họa |
“Ông bà già không rảnh đâu cô”
Hôm nào cũng vậy, thay vì như một số bạn bè có người thân đến đón về nhà, em N.T. Đức, học sinh (HS) lớp 8 một trường THCS ở Q.5, TPHCM cùng một 3 người bạn lại la cà tại các quán xá quanh khu vực trường. Các em có gần 1 tiếng rưỡi trước khi đến lớp học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa nên tranh thủ đi ăn uống.
Đức cho biết đó là lịch trình hàng ngày của mình gần 2 năm nay. Do công việc bố mẹ quá bận, đi làm về muộn, để con ở nhà thì không yên tâm nên họ lên lịch sau giờ học, cho con đến lớp học thêm.
“Chỉ vài hôm đầu bố em còn chạy qua đưa đón nhưng chỉ được vài hôm, giờ thì em gọi xe ôm hoặc đi nhờ xe bạn. Mấy đứa này bố mẹ bận nên hết giờ học lại… đi học tiếp”, Đức nói và cho biết các bạn trong nhóm còn tự gọi mình là “dân vô gia cư sau giờ học”.
Tuy nhiên, không phải hôm nào các em cũng đến lớp học thêm như lịch. Hôm nào chán thì tụ tập đi chơi, có em vào quán net… miễn sao trước 9 - 10 giờ tối có mặt ở nhà nhưng bố mẹ không hề hay biết.
“Cô tin không, cả năm nay rồi gia đình con chưa ăn chung bữa cơm nào. Trưa ăn ở trường, chiều ăn ở tiệm. Chỉ lâu lắm nhà có tiệc mới ăn uống cùng nhau”, cậu học trò tên Hải cho hay.
Đến gần 6 giờ chiều, 4 cậu học trò hò nhau lên xe tiến về lớp học thêm...
Một giáo viên (GV) ở Q. Tân Bình, TPHCM kể trường hợp về cô học trò vốn là HS giỏi nhưng dạo gần đây, lực học ngày càng sa sút và có mối quan hệ bất thường với bạn bè lạ ngoài trường. Hết giờ học em được nhiều thanh niên đưa đón, thậm chí còn bỏ học đi chơi...
Thấy không ổn, cô nói chuyện với HS và cho em biết mình sẽ trao đổi với gia đình về tình hình của em. Cô học trò trả lời: “Cô có gọi ông bà già con cũng chẳng quan tâm đâu, ông bà bận kiếm tiền rồi. Ông bà đi suốt, có ở nhà cũng chẳng thèm nói chuyện với con thì về nhà làm gì hả cô?”. Em còn tiết lộ, nhiều hôm em đi với bạn đến 11 - 12 giờ đêm mà bố mẹ không hay biết.
Đúng như lời em nói, khi cô gọi điện thì cả hai vị phụ huynh đều lắc đầu bảo rằng công việc mình rất bận, không nắm được tình hình của con. Khi nghe cô nói về những dấu hiệu của con mình, ông bố còn đáp: “Gia đình nhờ hết vào cô chứ giờ vợ chồng tôi phải lo làm ăn, không có thời gian đâu”. Kể cả khi cô đề nghị gia đình phải quan tâm hơn đến cháu và hẹn gặp để trao đổi nhưng bị... từ chối thẳng thừng.
Quá bận rộn, không ít gia đình "khoán trắng" việc dạy con cho nhà trường. |
“Bù đắp” bằng tiền
Nói đến việc đi học thêm của học trò, nhiều GV bày tỏ rằng ngoài nhu cầu mong con học được nhiều kiến thức thì nhiều gia đình mục đích chính để giải quyết vấn đề không có người trông con sau giờ học. Hoặc họ “đẩy” con đến các lớp học năng khiếu, các khóa học kỹ năng, nâng cao này nọ chỉ vì lý do để... gửi con.
“Nhiều phụ huynh không có thời gian trông con, sợ con ở nhà chơi game, bị bạn bè lôi kéo hư hỏng nên một trong những cách các phụ huynh bận rộn chuộng nhất là "đẩy" con đến lớp học thêm. Điều đó là có thật”, bà Trương Thị Thanh Mỹ - hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q. Phú Nhuận) khẳng định.
Còn nhiều phụ huynh không giải quyết được vấn đề thời gian dành cho con, biết rằng con mình bị thiệt thòi nên có xu hướng bù đắp bằng vật chất. Họ sẵn sàng bỏ những khoản đầu tư lớn cho tương lai của con. Có em được học ở những khóa học đắt tiền, ăn mặc hàng hiệu, đồ chơi cao cấp…, nhiều gia đình có bác sĩ, gia sư, người chăm sóc riêng… Hay đơn giản hơn là họ cho con thật nhiều tiền mong con không cảm thấy bị thiếu thốn.
Không ít chuyên gia đã phải thốt lên, trẻ em thành phố ngày nay có đủ hết mọi thứ nhưng điều quan trọng nhất là sự quan tâm, sự chia sẻ của bố mẹ lại trở nên quá xa xỉ với các em. Các em bị “bỏ rơi” bởi chính những người thân nhất của mình.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân - nguyên giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, HS ngày nay chịu rất nhiều áp lực về việc học tập và cuộc sống, không phải như chúng ta nhìn bên ngoài. Trong khi phụ huynh có tư tưởng bù đắp những thiếu hụt của mình về vật chất cho con nên khoán trắng con cho nhà trường, hay cho ti vi, máy vi tính.
“Nhiều em được bố mẹ lo toan đầy đủ, học ở trường quốc tế, không thiếu thốn thứ gì. Được bao bọc nên các em không có sự trải nghiệm lại thiếu “điểm tựa” ngay chính trong gia đình mình nên khi gặp sự cố các em không biết bấu víu vào đâu nên rất dễ bi quan”, ông Nhân cho hay và nhấn mạnh trong việc giáo dục trẻ thì việc dành thời gian chia sẻ, quan tâm đến trẻ của bố mẹ là điều không thể thiếu.
Chị Bùi Thị Kiều, nhân viên tư vấn Trường THPT Marie Curie, TPHCM cho hay, khác với suy nghĩ của nhiều người nghĩ rằng vấn đề các em HS tuổi mới lớn thường gặp phải là quan hệ thầy cô, bạn bè, yêu đương. Trong quá trình tư vấn của mình, chị Kiều nhận ra, vấn đề xuất phát từ gia đình tác động đến các em lớn nhất.
Tuy nhiên, tình trạng mà nhiều chuyên viên tư vấn trường học hiện nay gặp phải là không nhận được sự hợp tác từ gia đình để hỗ trợ các em vì họ quá bận rộn nên vô tình cho rằng những vấn đề đó của con không đáng ngại hoặc có thì cũng “khoán" hết cho nhà trường.
Theo Hoài Nam
Dân Trí