Những dự án 'khủng' ngành công thương dính tai tiếng thua lỗ hiện ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một số dự án, doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định hơn trước, kinh doanh có lãi, giảm lỗ lũy kế; một số dự án, doanh nghiệp vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn...

Tình hình các dự án

Đó là dấu hiệu khởi sắc được đề cập trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương sau 4 năm được chuyển về CMSC quản lý.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch CMSC, một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể không nhắc là việc CMSC đã tiếp nhận, tham gia xử lý các dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ.

Những dự án 'khủng' ngành công thương dính tai tiếng thua lỗ hiện ra sao? ảnh 1

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh (ngồi giữa) chủ trì buổi làm việc trực tuyến về định hướng xử lý các vướng mắc, tồn tại của Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO2).

Trong 5 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để chủ động, hoàn thiện và triển khai phương án xử lý. Đến nay, các dự án đã bước đầu có sự khởi sắc sau 4 năm CMSC đi vào hoạt động.

Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP1- Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay, sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022.

Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (thuộc PVN) cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự án đã duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí…

Trong bối cảnh có nhiều biến động kinh tế thế giới và tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, cả 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. Mặc dù, đến ngày 30/6/2022, các dự án còn lỗ lũy kế 13.000 tỷ đồng, song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), nên kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 dự án, doanh nghiệp có cải thiện hơn. Năm 2021 các dự án giảm lỗ và 6 tháng đầu năm 2022 đã có lãi và trả được một phần nợ cho ngân hàng.

Đặc biệt, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO2), một trong những dự án được coi là khó xử lý nhất trong 12 dự án đến nay đã có nhiều bước tiến mới.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, CMSC đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) các vấn đề về phương án xử lý dự án TISCO2 và văn bản báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ về dự án TISCO2, trong đó có việc xây dựng phương án xử lý và khôi phục dự án TISCO2.

Những dự án 'khủng' ngành công thương dính tai tiếng thua lỗ hiện ra sao? ảnh 2

Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ thuộc PVN đã có lợi nhuận trước định phí.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, với nhận thức việc giải quyết dứt điểm các tranh chấp/vướng mắc tại hợp đồng EPC là cơ sở quan trọng để có thể xây dựng phương án khôi phục nhà máy Gang thép Thái Nguyên, CMSC đã quyết liệt chỉ đạo Tổng Công ty thép Việt Nam, TISCO và trực tiếp tham gia đàm phán với Công ty Hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) để thảo luận các phương án.

CMSC đang chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục nội bộ của phía Việt Nam, đồng thời CMSC đã làm việc trực tiếp với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và có công hàm đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền phía Trung Quốc, hỗ trợ điều phối với các cơ quan chức năng của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện cho MCC tổ chức đoàn sang Việt Nam.

“Có thể nói, việc một số dự án, doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định hơn trước, kinh doanh có lãi, giảm lỗ lũy kế và một số dự án, doanh nghiệp vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án, doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương”, Chủ tịch CMSC cho hay.

Quyết tâm "đổi màu" hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Theo ông Hoàng Anh, sau 4 năm chuyển về CMSC, 19 tập đoàn, tổng công ty cơ bản hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển duy trì liên tục, ổn định. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 và tình hình bất ổn trên thế giới thời gian gần đây làm cho một số ít doanh nghiệp giảm lợi nhuận hoặc phát sinh lỗ (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) nhưng tổng thể vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty vẫn bảo toàn, phát triển.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, việc thành lập CMSC đã hiện thực hóa chủ trương của Đảng về tách bạch giữa những chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với một số bộ.

Số liệu của CMSC cho biết, giai đoạn 2018- 2021, với công ty mẹ - 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng doanh thu đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng (trung bình đạt gần 840.000 tỷ đồng/năm), tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 200.000 tỷ đồng (trung bình đạt hơn 50.000 tỷ đồng/năm). Thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách đạt gần 280.000 tỷ đồng (trung bình gần 70.000 tỷ đồng/năm).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty đạt trên 890.000 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ; tổng doanh thu 19/19 Công ty mẹ- tập đoàn, tổng công ty đạt trên 540.000 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 128% so với cùng kỳ.

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty đạt gần 1.800 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch năm và bằng 4% so với cùng kỳ; Tổng nộp ngân sách Nhà nước hợp nhất của 16/19 tập đoàn, tổng công ty đạt trên 120.000 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và bằng 121% so với cùng kỳ.

MỚI - NÓNG