Những đột phá tạo nên 'mùa vàng'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tăng trưởng ấn tượng, nhiều kỳ tích trong bối cảnh khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 bủa vây đã phối nên bức tranh “mùa vàng” cho ngành nông nghiệp năm qua. Tạo nên sự bứt phá ngoạn mục đó, có đóng góp lớn từ công tác chỉ đạo, điều hành và cả những điều kiện được chuẩn bị kỹ nhiều năm qua từ những nhóm ngành hàng chủ lực.

Bám thực tiễn và bài học “ổn nồi cơm”

Những đột phá tạo nên 'mùa vàng' ảnh 1

Nhờ bám sát thực tiễn, điều hành linh hoạt, sản xuất lúa năm qua đạt gần 44 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với năm trước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nói rằng, Ngành Nông nghiệp Việt Nam đã vượt qua khó khăn của năm 2021, đặc biệt là giữa muôn vàn trùng khơi do đại dịch COVID-19 một cách ngoạn mục.

Đó không chỉ con số kỷ lục về xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản trên 48,6 tỷ USD, vượt xa con số 42 tỷ USD mà Chính phủ giao. Kết quả này cho thấy những nỗ lực rất lớn từ những giọt mồ hôi, sự sáng tạo của bà con nông dân, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng.

Bên cạnh đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ NN&PTNT với các địa phương, các bộ ngành và giữa các đơn vị trong Bộ với nhau.

Điểm nhấn trong câu chuyện an ninh lương thực giữa đại dịch, có lẽ là sản lượng lúa cả nước năm qua cán đích gần 44 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với năm trước, khiến Việt Nam càng yên tâm hơn với “nồi cơm” của mình.

Theo Thứ trưởng Doanh, về lúa gạo, điều đáng nói là diện tích giảm dần theo từng năm, nhường đất cho các lĩnh vực khác như cây ngắn ngày, cây dài ngày, nuôi trồng thủy sản khi có hiệu quả cao hơn, thậm chí sang phi nông nghiệp.

Từ con số hơn 4 triệu ha, sang việc đảm bảo linh hoạt ở 3,5 triệu ha đất lúa. Điều đó nghĩa là, có lúc chuyển đổi nhưng khi cần, Việt Nam phải đảm bảo ít nhất có 3,5 triệu ha này dành cho lúa.

Những đột phá tạo nên 'mùa vàng' ảnh 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, khoa học công nghệ luôn là mũi nhọn ưu tiên trong nông nghiệp

“Với ngành rau quả, Việt Nam đang có sự chuyển dịch bài bản. Ví dụ như cây cam, diện tích không nên tăng thêm vì đây không phải là cây lợi thế cho xuất khẩu, lại khó chăm sóc. Còn với bưởi, vẫn có thể xem xét tăng diện tích vì có thể xuất khẩu và dễ trồng, dễ bảo quản hơn. Hay như vải, nhãn cũng không phát triển diện tích, thay vào đó là nâng cao chất lượng”

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh

Sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 77% để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 496 USD/tấn năm 2020 lên trên 503 USD/tấn năm 2021.

Thành quả trên do nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến như thủy lợi được cải thiện, bộ giống tốt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chủ động chuyển dịch mùa vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, từ kinh nghiệm của đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, đến năm 2018 Bộ NN&PTNT đã chủ động tổ chức hội nghị tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đẩy sớm mùa vụ cho 8 tỉnh ven biển, ứng phó linh hoạt với hạn mặn, đảm bảo năng suất cho toàn vùng một cách hoàn toàn tự nhiên.

Đây là một bài học từ thực tiễn rất giá trị để vận dụng, thay đổi cho phù hợp. Chúng ta bám chắc từng vụ, từng vùng, mỗi đợt lại có một hội nghị để có những chỉ đạo sát nhất với thực tiễn, trên cả các vùng miền.

Cùng với đó, phải kể đến sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, điển hình như giữa Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật để có thể đưa ra điều hành chính xác, thích hợp theo từng thời điểm. Đơn cử như việc lên phương án tưới cho khu vực cây ăn quả ở ĐBSCL trong mùa hạn mặn bằng mương nội vườn và ao tích nước.

“Chìa khoá” khoa học và hợp tác quốc tế

Những đột phá tạo nên 'mùa vàng' ảnh 3

Sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cả từ nghiên cứu, sản xuất, chế biến đã tạo nên diện mạo mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tập trung thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng KHCN trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số, thông tin, viễn thông, viễn thám; nâng cao năng lực hệ thống quản lý nghiên cứu, chọn tạo sản xuất giống cây trồng vật nuôi. Năm 2021, ngành đã nghiệm thu và công bố, công nhận 54 giống cây trồng, vật nuôi; 80 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới…

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Doanh cho rằng, khoa học công nghệ luôn là mũi nhọn trong nông nghiệp. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn trong một vài năm, sẽ khó nhận ra vai trò của nó, nhưng nếu nhìn theo giai đoạn hiệu quả sẽ rõ ràng hơn.

Như kết quả của ngành lúa gạo, cây ăn quả hay cà phê có được là do thành tựu của khoa học công nghệ, cụ thể là giống, quy trình sản xuất... Ngoài ra, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp cũng có phần đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ, về sản xuất, chế biến…

“Trong từng loại nông sản, từng lĩnh vực, ngành hàng, luôn phải chú ý làm một cách bài bản, không đặt nặng mở rộng diện tích thật lớn mà hãy canh tác tốt nhất trên diện tích hiện có, sắp xếp lại thời vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, coi trọng về môi trường bền vững…Cùng đó, chúng ta có thể điều chỉnh cơ cấu chủng loại phù hợp với nhu cầu của thị trường”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh

“Khi có được sự đồng bộ về khoa học về cả công nghệ, thiết bị cho đến quản trị, quản lý thì các doanh nghiệp sẽ đạt được kết quả tốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình”, Thứ trưởng Doanh nói.

Theo Thứ trưởng Doanh, hiện vai trò của các Viện nghiên cứu Nhà nước vẫn hết sức quan trọng, vì đây là nơi nghiên cứu cho từng lĩnh vực để có được công nghệ lõi, phục vụ cho người dân.

“Chúng ta cần xác định rằng, phải huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả nghiên cứu. Phải có sự kết hợp chặt chẽ, thực chất hơn nữa giữa các Viện và doanh nghiệp. Các đơn vị sẽ cùng nhau đầu tư, cùng nhau khai thác nguồn lực và cùng nhau chia sẻ lợi ích một cách bình đẳng”, Thứ trưởng Doanh phân tích và cho rằng: “Giai đoạn tới, sẽ cần có nhiều chính sách, cơ chế đổi mới hơn để tháo gỡ bớt khó khăn cho các Viện. Ngoài ra, các Viện cũng có thể đẩy mạnh hợp tác quốc tế”.

Nói về công tác đàm phán quốc tế, mở rộng thị trường nông sản, theo Thứ trưởng Doanh, hiện ngành nông nghiệp Việt đã hội nhập sâu rộng. Năm qua, dù do dịch COVID-19, nhưng chúng ta tích cực phán mở cửa thị trường cho các nông sản với nhiều hình thức. Bộ cũng đã triển khai nhiều phương án để tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại và Việt Nam đang có 2 tham tán nông nghiệp đầu tiên tại các thị trường trọng điểm là châu Âu và Mỹ.

“Chúng ta phải hiểu rằng càng hội nhập, sự cạnh tranh càng lớn, nhất là hệ thống hàng rào kỹ thuật ở các thị trường khó tính. Nhưng với sự thiện chí, rõ ràng của mình, Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề này, ví dụ như xử lý vấn đề về gỗ với Mỹ”, Thứ trưởng Doanh phân tích.

Ông cũng cho rằng, vị thế và uy tín của chúng ta đã được khẳng định, thậm chí Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) còn gọi cuộc đàm phán về gỗ của Việt Nam là “điển hình mẫu mực về đàm phán” và đánh giá Việt Nam là đối tác trách nhiệm, đáng tin cậy”. Qua đó, chúng ta càng khẳng định với thế giới rằng Việt Nam có một nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm và chất lượng, đáp ứng cho mọi yêu cầu của người tiêu dùng.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.