40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17/2/1979 - 17/2/2019)

Những đồng đội một thời đạn bom của tôi

Phạm Huy Xem (trên), tác giá (dưới) và Nguyễn Hữu Thông (phải)
Phạm Huy Xem (trên), tác giá (dưới) và Nguyễn Hữu Thông (phải)
TP - Trong cuộc đời quân ngũ của tôi, do yêu cầu nhiệm vụ tôi đã được đặt chân tới hầu hết các tỉnh thành, đến công tác ở nhiều đơn vị ở khắp các vùng biên giới, hải đảo. Trong thời gian Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài 10 năm từ 1979 tới 1989, tôi đã có mặt tại nhiều đồn, trạm biên phòng, vị trí tiền tiêu ở các tỉnh biên giới phía Bắc, tham gia vào nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc chiến đấu chống lấn chiếm, bảo vệ biên cương Tổ quốc. 

Tuy nhiên, kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi là những ngày sống cùng anh em Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 trên chốt tiền tiêu phòng thủ khu vực Thanh Thủy, Vị Xuyên tháng 7, 8 năm 1987.

Thời kỳ đó, cả nước đã cơ bản được sống trong cảnh hòa bình, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc về cơ bản đã không còn xảy ra các trận đụng độ trực tiếp giữa lực lượng ta và Trung Quốc, chỉ thỉnh thoảng xảy ra các trận pháo kích hay các vụ xâm nhập, xâm canh nhỏ lẻ. Riêng khu vực cụm cao điểm 1030 phía  Đông và 1509 phía Tây sông Lô gần cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên và cao điểm 1250 (Núi Bạc, huyện Yên Minh) tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) vẫn xảy ra chiến sự ác liệt; đặc biệt là ở khu vực phía Bắc suối Thanh Thủy phía Tây sông Lô.

Từ ngày 28/4/1984, Trung Quốc đã sử dụng các Sư đoàn 40 và 41 của Quân đoàn 14 đánh chiếm cao điểm 1509 và cụm cao điểm 772, 685, 233...và tiếp tục nống ra với ý đồ đẩy đường biên giới xuống phía Bắc suối Thanh Thủy; nhưng các lực lượng ta đã đánh trả quyết liệt, chiến sự diễn ra giằng co ác liệt, hàng ngàn lính Trung Quốc bị ta tiêu diệt nhưng phía ta cũng có rất nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương vong, chủ yếu do đạn pháo của đối phương... 

Những đồng đội một thời đạn bom của tôi ảnh 1 Tác giả và Nguyễn Ngọc Lâm (phải)

Chiến sự diễn ra ác liệt nhất trong các năm 1984 và 1985; năm 1986 tình hình cơ bản vẫn là hai bên cầm cự, chủ yếu là đấu pháo. Bước sang năm 1987, tình hình chiến sự đột nhiên bùng phát. Từ các ngày 5,6/1, Trung Quốc lại pháo kích trên khắp tuyến biên giới. Đúng ngày 7/1/1987, kỉ niệm ngày ta giúp bạn Campuchia giải phóng Phnompenh lật đổ chế độ diệt chủng Polpot, đối phương sử dụng sư đoàn 139, quân đoàn 47, đại quân khu Lan Châu mở đợt tiến công được họ cho là “lớn chưa từng có từ sau năm 1979” tại một số cao điểm ở phía Tây sông Lô, định đẩy lui lực lượng ta khỏi khu vực Bắc suối Thanh Thủy. Tuy nhiên, âm mưu này đã thất bại, họ bị thiệt hại nặng, mấy trăm lính chết và bị thương. Phía Trung Quốc coi là thất bại lớn trong toàn bộ thời kỳ chiến tranh ở Vị Xuyên, là “trận duy nhất không có tổ chức lễ mừng công”.

Sau đó trên mặt trận Vị Xuyên không xảy ra các trận đánh quy mô lớn nữa, thay vào đó là các trận pháo kích, bắn tỉa...Tại các khu vực Bốn Hầm, khu H ở 685 xuất hiện những dấu hiệu lạ: đầu tiên, anh em phòng ngự khu H, Bốn Hầm đã phát hiện có dấu hiệu binh sĩ đối phương ném thuốc lá, bánh kẹo, các mảnh giấy có ghi lời chào hỏi, làm quen sang phía ta nhằm tránh căng thẳng, giữ mạng sống, chờ ngày thay quân. Đặc điểm khu vực này ta và đối phương ở trong các hầm chất bằng rọ đá hoặc hốc đá tự nhiên ở rất gần nhau, nơi gần nhất chỗ H3, hầm hai bên ở hai phía một mỏm đá, chỉ cách nhau chưa tới 10m, ta có thể nghe rõ những lời quát tháo hay nói chuyện của lính Trung Quốc ở phía bên kia... sau trận thảm bại 7/1, ngày 30/4/1987, Trung Quốc đưa lực lượng Quân đoàn 27, Đại quân khu Bắc Kinh ra thay Quân đoàn 47, Đại quân khu Lan Châu.

Phía ta, sau khi Sư đoàn 356/Quân khu 2 vào thay Sư đoàn 31/Quân đoàn 3 phòng ngự khu H phát hiện thấy binh sĩ đối phương ở trận địa đối diện có dấu hiệu muốn hòa bình, không muốn đánh nhau. Họ ra hiệu bắt tay, không bắn nhau, có lúc ra ngoài công sự vẫy chào. Chỉ huy Sư đoàn 356 đã chỉ đạo bộ đội tiếp xúc, trao đổi quà, thỏa thuận ngừng bắn. Tại chốt H3, nơi hầm ta và quân Trung Quốc cách nhau chỉ 7-8 mét, theo yêu cầu của ta, lính Trung Quốc ban ngày đã gỡ mìn định hướng chĩa sang ta và thông báo mỗi khi phía sau chuẩn bị pháo kích... Tình hình ở đây lúc này là “ngày hòa bình, đêm chiến tranh” còn các khu vực khác vẫn rất căng thẳng, tiếng súng, pháo vẫn không ngớt, bộ đội vẫn thương vong vì đối phương bắn tỉa và pháo kích...

Trong bối cảnh đó, tin tức về hiện tượng binh sĩ tuyến tiền tiêu hai bên tiếp xúc được báo về Bộ Quốc phòng. Khi đó cũng có ý kiến tỏ ý hoài nghi. Tôi được tham gia tổ công tác do Thủ trưởng Tổng cục chính trị giao Cục Tuyên truyền đặc biệt cử đi nghiên cứu, nắm tình hình, với yêu cầu “nếu có phải mang được bằng chứng về”.

Sau mấy ngày hành quân bằng ô tô lên Hà Giang, vào Làng Pinh – hậu cứ của Sư đoàn 356, lên điểm cao 812 – Cooc Nghè, nơi đặt Sở chỉ huy sư đoàn, chạy bộ xuống dưới, lăn lê bò toài vượt “Cửa tử”, “suối Oan hồn”, qua Hang Rơi, vào hang Làng Lò, lên Hang Mán, đu thang dây leo trèo qua các mỏm đá sắc nhọn lởm chởm, trắng xóa bởi đạn pháo...tôi vào được H1 – nơi là “đại bản doanh” của Tiểu đoàn 4, trung đoàn 153, đơn vị làm nhiệm vụ phòng ngự khu H cũng là nơi diễn ra hoạt động tiếp xúc giữa bộ đội ta và binh sĩ Trung Quốc. Đón tôi là anh Ngô Văn Nghĩa, người có cấp hàm Đại úy như tôi, là Trưởng khoa quân sự Đại học Tổng hợp Hà Nội đang đi thực tế giữ chức Tiểu đoàn phó chính trị. Anh Nghĩa đang trực chỉ huy thay Đại úy Tiểu đoàn trưởng Trịnh Quốc Kế mới được gọi ra ngoài họp.

Khu H gồm 3 cụm đóng quân theo chiều dọc từ dưới lên trên, gọi là H1, H2 và H3, mỗi nơi có một số hầm để bộ đội trú quân, sẵn sàng cơ động đánh địch nống ra. Nếu H1 là một cái hang đá khá rộng, càng vào trong càng rộng thì H2 là cụm mấy căn hầm được tạo nên bằng cách lợi dụng các hốc đá tự nhiên rồi cho đá hộc vào các rọ làm bằng lưới thép chất lên. Những cái hầm này được tạo theo hình chữ chi để tránh bộ đội bị thương vong do địch bắn thẳng hoặc ném lựu đạn. Nền hầm rất ẩm ướt, bởi nếu trời mưa nước sẽ theo các khe đá chảy xuống. Muốn tắm giặt, bộ đội phải phơi mình leo trèo qua các vách đá ra hang Làng Lò nơi có suối Thanh Thủy chảy qua. Vì vậy, trong suốt 6 tháng chốt giữ nơi này, hầu như anh em chỉ tận dụng những cơn mưa để tắm, còn lại là “tắm khô”, tức khi mồ hôi ra thì kỳ cọ cho các tế bào chết bong ra. Nước ăn còn phải gùi từ ngoài vào, có khi phải đổi bằng máu và tính mạng của lính vận tải thì ai dám tắm. Râu tóc ai nấy đều dài thượt, phần vì bởi không có nước để tắm gội, phần vì lính chiến kiêng cắt tóc cạo râu...

Tôi đã có những đêm nằm ở H1 và H2, kể chuyện cho anh em nghe tình hình hậu phương và nghe anh em tâm sự về chuyện gia đình, ước mơ sau khi kết thúc chiến tranh, được xuất ngũ. Cả đêm không ngủ được vì tiếng súng, tiếng lựu đạn chát chúa do anh em ngồi trong ngách hang quăng ra cửa hầm khi có tiếng động của các chuỗi vỏ lon được giăng ra đề phòng địch tập kích, có khi bởi lũ chuột chạy vướng phải. Chuột núi ở đây rất to và béo múp, chúng sống nhờ thức ăn thừa của lính cả hai bên và có thể do ăn...xác chết. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác giật thột, sợ hãi khi bị chuột gặm chân. Phạm Huy Xem, quê Thanh Hóa, Đại đội phó Đại đội 3 nói đùa: “Bọn em ở đây chúng quen hơi rồi, anh người lạ, thơm thịt nên chúng thèm đấy”.

Nguyễn Hữu Thông, Trung đội trưởng, một học viên Sĩ quan Lục quân 3 người Hà Tĩnh mới được điều lên đây giữ chức để rèn luyện là người kiệm lời nhưng rất chu đáo. Cậu ta chăm lo từng bữa ăn cho đồng đội trên chốt, tối ngủ kiên quyết bắt tôi vào nằm ở ngách trong cùng nhằm đảm bảo cho tôi được an toàn tuyệt đối để hoàn thành nhiệm vụ gì đó mà Thông được phổ biến là “rất quan trọng”.

Những đồng đội một thời đạn bom của tôi ảnh 2 Nguyễn Hữu Thông hiện nay

Sáng sớm ngày 31/7/1987, được sự bảo vệ của cán bộ chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, tôi đã chụp những bức ảnh về sự kiện có lẽ chưa từng có trong bất cứ cuộc chiến tranh nào: tại tuyến đầu của mặt trận Vị Xuyên, giữa nơi được gọi là “Lò vôi thế kỷ”, 5-6 lính chiến hai bên cởi trần, quần đùi, râu tóc dài thượt, miệng phì phèo thuốc lá, uốn mình nhảy giật theo nhịp trống trong các ca khúc của ban nhạc disco Latin BoneyM đang thịnh hành khi đó. Người được giao nhiệm vụ ra gọi phía đối phương là Nguyễn Ngọc Lâm, y tá của tiểu đoàn, một “chiến sỹ địch vận” đã được học một số câu tiếng Trung Quốc. Để có được mấy bức ảnh không được rõ nét do điều kiện sáng sớm, trời mù ấy, Trung đội trưởng Thông và một chiến sỹ đã phải ngồi chắn để tôi nằm phía sau tác nghiệp, sẵn sàng có thể hy sinh nếu đối phương phát hiện bị chụp ảnh lén...

Một ngày đầu tháng 8/1987, tại Phòng họp của Cục Tuyên truyền đặc biệt. Tổng cục Chính trị, sau khi nghe chúng tôi báo cáo và xem những hình ảnh, hiện vật, Bộ trưởng Lê Đức Anh trầm ngâm rồi nói: “Tôi đã biết đây là cuộc chiến tranh không bên nào muốn tiến hành. Tới đây sẽ phải có những quyết định quan trọng...”. Rồi Bộ trưởng chỉ đạo: “Cần duy trì và mở rộng việc tiếp xúc, gặp gỡ binh sĩ đối phương trên các hướng phòng ngự. Các hướng khác có thể triển khai thí điểm vài nơi tiếp xúc với binh sĩ và nhân dân nước đối phương để làm công tác tuyên truyền đặc biệt, nhưng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy và người chỉ huy”...

Sau đó, ngày 27/8/1987, Cục Tuyên truyền đặc biệt ra Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đặc biệt trong tiếp xúc ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên...mở ra giai đoạn mới: tiến hành tiếp xúc vận động binh sĩ Trung Quốc tại các trận địa tiền duyên để chống lấn chiếm, giữ đất.

Đã 32 năm trôi qua, tôi đã cất công tìm kiếm và đã liên lạc được với những người đồng đội cùng mình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt khi ấy. Đại đội phó Phạm Huy Xem sau khi phục viên giờ về quê Thanh Hóa vất vả kiếm sống; Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Thông nay là Đại Tá, Chỉ huy phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Y tá Nguyễn Ngọc Lâm, thương binh hạng 2/4 hiện đang là một Bí thư chi bộ ở quê nhà, thôn Làng Quãng, xã Tam Quang, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Lâm bị thương tới 2 lần, sức khỏe bị mất tới 61%. Tôi đã thu xếp lên thăm nhà Lâm – một ngôi nhà nhỏ cũ kỹ nằm giữa vùng đồi. Lâm sống bằng nghề trồng cây dược liệu bán cho cơ quan hậu cần Bộ Công An, vợ buôn bán nhì nhằng. Kinh tế nhà Lâm thuộc loại khó khăn, nhưng hai vợ chồng đã chắt chiu nuôi dạy hai con trưởng thành. Lâm phấn khởi kể, con gái hiện là Thạc sỹ Văn học đang công tác ở Hà Nội, còn con trai đã tốt nghiệp Đại học An ninh, hiện đang công tác tại Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Hai cán bộ chỉ huy tiểu đoàn khi xưa, Tiểu đoàn trưởng Trịnh Quốc Kế, một thương binh, sau chiến tranh về quê làm Bí thư đảng ủy xã; còn Tiểu đoàn phó chính trị Ngô Văn Nghĩa, thật buồn khi hay tin anh đã qua đời do bệnh nặng.

Trong chiến tranh, khi kẻ địch xâm phạm bờ cõi, họ sát cánh bên nhau cầm súng chống giặc, sau chiến tranh họ về với đời thường, mỗi người một công việc; nhưng trong tim họ luôn đau đáu hướng về Vị Xuyên, nơi hàng ngàn đồng đội đã nằm lại. Tôi gọi cho Phạm Huy Xem, Nguyễn Hữu Thông và Nguyễn Ngọc Lâm, hẹn ngày Giỗ Trận năm nay lại cùng nhau về Vị Xuyên thắp nén hương cho những đồng đội còn nằm đâu đó...

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).