40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17/2/1979 - 17/2/2019)

Báo Tiền Phong trong những ngày tháng 2/1979

Anh hùng LLVT Nguyễn Duy Nhất là y sĩ có nhiều thành tích trong đợt chiến đấu bảo vệ biên giới tại Cao Lộc - Lạng Sơn. Ảnh do phóng viên Phạm Yên ghi lại
Anh hùng LLVT Nguyễn Duy Nhất là y sĩ có nhiều thành tích trong đợt chiến đấu bảo vệ biên giới tại Cao Lộc - Lạng Sơn. Ảnh do phóng viên Phạm Yên ghi lại
TP - Ngay khi Trung Quốc đồng loạt tấn công các tỉnh dọc biên giới nước ta, ngày 17/2/1979, báo Tiền Phong đã kịp thời có những thông tin, hình ảnh phản ánh khí thế sục sôi chống ngoại xâm từ hậu phương đến tiền tuyến.

Trên căn gác thư viện của toà soạn báo Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội) nhìn ra hồ Thiền Quang yên bình chúng tôi lặng giở từng trang báo Tiền Phong đã ngả màu của sự kiện 17/2/1979. Những cột tin in đậm, những hình ảnh về người lính trẻ xung phong ngoài mặt trận, những cô gái dân quân đầu trần chân đất khiến cảm xúc những ngày máu lửa ùa về.

Từ hậu phương

Dù khi đó, Tiền Phong là tuần báo nhưng đã kịp thời có những tin bài ngay sau thời điểm Trung Quốc bất ngờ đồng loạt tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam 17/2/1979. Trên tuần báo số (2658) 8 là những dòng tít in hoa cỡ lớn truyền đi thông điệp mạnh mẽ: “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về cuộc chiến tranh”; “Thế hệ trẻ thời đại Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc” là tuyên bố của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Hội liên hiệp học sinh đại học Việt Nam.

Báo Tiền Phong trong những ngày tháng 2/1979 ảnh 1  Những số báo Tiền Phong phản ánh không khí hào hùng ngày ấy

Liên tiếp trên các số báo, các tin bài, xã luận đã phản ánh khí thế sôi sục, quyết chiến quyết thắng của thanh niên cả nước. Nhiều nơi Đoàn thanh niên đã tổ chức mít tinh, biểu dương lực lượng, xung kích lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Bên cạnh đó, báo truyền đi tình cảm hậu phương thân thương gần gũi đến nơi tiền tuyến khốc liệt đạn bom. Những sáng tác mới còn nóng hôi hổi như ca khúc “Quyết đánh tan bọn xâm lược” của nhạc sĩ Phạm Tuyên; thơ “Có anh trong trận đánh!” của Nguyễn Bùi Vợi, “Chung nấm mồ đế quốc, thực dân” của Tạ Hữu Yên với những câu viết:

Hoa mai biên phòng mùa sau đẹp hơn/Từng chùm ngả trên vai dũng sĩ/Từng chùm mời tay anh, tay chị/Thơm đậm đà như thể lòng nhau/Bởi xuân này ta đứng tuyến đầu/Giữ từng tấc đất thiêng liêng Tổ quốc/Chiến công lớn của Mùa xuân bảy chín: Đất này, giặc đến/Chung nấm mồ đế quốc, thực dân.

Báo Tiền Phong trong những ngày tháng 2/1979 ảnh 2  

Tiền Phong cũng gửi những cánh thư hậu phương của các bạn trẻ cả nước chung thông điệp “có chúng tôi bên các anh” đến chiến hào khốc liệt. “Hơn hai trăm học sinh trường tôi, gái và trai, đều đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ và đã sẵn sàng. Khi được chấp nhận, chỉ cần một giờ sau là chúng tôi có thể lên chiến đấu với các anh...” là những dòng viết trong thư của Đặng Thị Lý (học sinh K2G, Trường Pháp lý, Hà Sơn Bình).

Những bài báo, vần thơ được đăng tải kịp thời chuyển đến tay chiến sỹ và hậu phương trong những ngày máu lửa gian khổ đã có góp phần động viên, cổ vũ thanh niên lên đường bảo vệ
Tổ quốc.

Ra tuyến đầu biên giới

Để kịp thời thông tin tình hình chiến sự, nhiều phóng viên của báo Tiền Phong đã có mặt nơi trận địa phản ánh khí thế sôi nổi của tuổi trẻ cả nước. Phóng viên ảnh Tiền Phong Phạm Yên là một trong những người của báo lên với tuyến đầu biên giới sau ngày 17/2. Nhà báo Phạm Yên cho biết, ngay khi chiến sự nổ ra, Ban biên tập báo đã gọi phóng viên lên thông báo tình hình và cử nhiều tốp, chia thành nhiều đợt lên các điểm nóng biên giới như Minh Tiến, Hồ Xuân Sơn, Xuân Nam, Phạm Yên, Mai Nam... “Sáng 18/2, tôi được cán bộ văn phòng thông báo, lên gặp Tổng biên tập Đinh Văn Nam. Ông thông báo tình hình biên giới và cử tôi lên công tác Lạng Sơn ngay. Tôi đã có gần một tuần gắn bó với tiểu đoàn 2 bộ đội địa phương ở Cao Lộc, Lạng Sơn”, ông Yên chia sẻ.

Báo Tiền Phong trong những ngày tháng 2/1979 ảnh 3 Photo: ..

Ban biên tập cũng cử phóng viên Anh Minh lên Hoành Bồ, Quảng Ninh tác nghiệp và sau đó cho ra đời phóng sự viết về khí phách nữ thanh niên Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm - chiến sĩ tự vệ cửa hàng hợp tác xã mua bán Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) chiến đấu dũng cảm và hy sinh anh dũng.

Trong “sổ tay mặt trận” của phóng viên Minh Tiến và Hồ Xuân Sơn là những dòng ghi nhanh 15 phút ở sở chỉ huy tiền phương Lạng Sơn chia sẻ thông tin năm dân quân ở một hang đá của anh Vũ Kim Tính - công nhân sửa chữa đường sắt vừa vượt vòng vây của địch ở ga Đồng Đăng... Sổ tay mặt trận có những đoạn viết: “Mới có hai ngày ở mặt trận, chúng tôi đã ghi chép gần hết cuốn sổ tay. Chúng tôi ghi về những trận đánh nổi danh của đội du kích xã Mẫu Sơn, của đơn vị Lê Đình Chinh ở cột mốc số 0, ở cửa Hữu Nghị... Đêm đã khuya, tiếng chân hành quân rầm rộ ra mặt trận. Các chiến sĩ ta rất trẻ, nét mặt rạng rỡ”

Những bài viết, hình ảnh của phóng viên Tiền Phong cùng với những thông tin, hình ảnh của bạn đọc, thông tin viên, của các cấp bộ Đoàn gửi về, trong những ngày tiếng súng vang trên bầu trời biên giới phía Bắc đã liên tục cung cấp tình hình chiến sự, chiến đấu và chiến công của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh biên giới.

Đó là chiến sĩ tự vệ Lê Anh Tuấn phối hợp với bộ đội bắn cháy xe tăng, diệt sáu lính xe tăng đối phương ở trận tuyến khu vực ga Đồng Đăng (Lạng Sơn); chiến đấu anh dũng “một thắng 25” của 7 chiến sĩ chốt giữ điểm cao B; nắm giữ cột mốc 45 và 46 của huyện Lộc Bình, Cao Bằng trong ngày đầu tiên của cuộc chiến; cuộc chiến đấu ở hang Kòn Khoang của 13 chiến sĩ dân quân trẻ xã Hồng Phong, Cao Lộc, Lạng Sơn suốt hai ngày đêm đánh tan nhiều đại đội địch, bảo vệ an toàn 400 bà con dân bản...

MỚI - NÓNG