Nhưng điều không có trong cáo phó

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng sớm. Điện thoại của một yếu nhân báo Nhân Dân. Ông nói vừa đọc bài trên Facebook của tôi viết về bà quả phụ cựu TBT Lê Khả Phiêu vừa mất. Việc ông hỏi là ông đương băn khoăn về nội dung cái tin buồn báo sắp đăng mà gia đình vừa gửi đến.

Gia đình vô cùng thương tiếc báo tin.

Cụ, Bà, Mẹ chúng tôi là Nguyễn Thị Bích sinh năm 1935. Quê quán xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trú quán tại… phố Lý Nam Đế phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đã từ trần ngày 29-10-2022 tức ngày 5-10 Nhâm Dần hưởng thọ 88 tuổi.

Tang lễ được tổ chức vào thứ Tư ngày 2-11-2022 tức ngày 9-10 Nhâm Dần tại Nhà tang lễ BV 108 số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội.

T/M gia đình. Trưởng nam Lê Minh Diễn cùng các con, cháu, chắt.

Băn khoăn mà như ông đương bộc bạch là nội dung không nói gì đến bà Nguyễn Thị Bích là vợ của cụ nguyên TBT Đảng! Mà chỉ là cư dân, công dân của khu phố thuộc phường Cửa Đông…

Có thể người của báo Nhân Dân đã điện hỏi, nghĩ tôi là chỗ người nhà của cụ? Và nữa, nội dung tin buồn mà tang chủ đưa tới có điều thiếu sót chi đây?

Nhưng điều không có trong cáo phó ảnh 1

Cụ Lê Khả Phiêu và Cụ bà chụp ảnh kỷ niệm với ông Hun Xen - Thủ tướng Cộng hoà Vương quốc Campuchia tại tư gia ở Lý Nam Đế (Hà Nội). (Trong câu chuyện, để ý nhiều lần ông Hun Xen gọi Cụ Phiêu là Thưa Thủ trưởng… Và xưng… em!). Ảnh: Xuân Ba

… Tôi đành gọi lại cho Lê Minh Diễn người con trai cả của cụ Lê Khả Phiêu. Đầu dây bên kia là chất giọng bình thản quen thuộc:

Dạ. Nội dung đúng như thế ạ!

Đúng như thế!

Bỗng chợt ngộ ra… Phải! Nhà ấy có người chồng vậy thì ắt có người vợ như thế. Và có người bố này thì tất có những người con chẳng bao giờ hổ mặt gia phong.

Nhiều người hẳn nhớ, người con trai cả Lê Minh Diễn, hôm ở Nhà tang lễ quốc gia trong lời đáp từ chỉ dành hơn 6 phút để vĩnh biệt người cha Lê Khả Phiêu.

Có một đoạn thế này:

“Bố ra đi để lại sự trống vắng trong gia đình. Con xin lỗi bố, con đã không thực hiện được ý nguyện của bố để trải tro cốt ở ba dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố.

Do dịch bệnh, con không thể kéo dài thời gian tang lễ ảnh hưởng đến mọi người, chắc là bố sẽ hiểu và thông cảm cho con”.

Tiếng lòng ấy đã nhận được nhiều sự đồng cảm.

Nhưng điều không có trong cáo phó ảnh 2

Ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành sự quan tâm, đến viếng và tiễn đưa cố Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng (8/2020). Ảnh: Như Ý

Tiện đây, cũng cần nói thêm, thời điểm cụ Lê Khả Phiêu vừa mất, người con gái cả của cụ Phiêu, chị Lê Thị Hồng (chị ruột Lê Minh Diễn) có gửi cho tôi vài đoạn hồi ức. Chị nói là gửi cho tôi giữ làm kỷ niệm.

Đang kỳ tang lễ cụ bà, được chị Hồng cho phép, xin trích ra đây ít dòng để sẻ chia cùng bạn đọc.

… Bố kính yêu.

Tuổi thơ con là những lần lặng lẽ đứng dõi theo chuyến xe đưa Bố ra chiến trường. Dù lúc đó, con còn bé nhưng cũng lờ mờ hiểu được mỗi lần Bố đi như thế, không biết có trở về nữa hay không. Những chuyến xe mang theo bao yêu thương gửi gắm của bà, mẹ và chúng con. Trên mỗi chuyến xe, là dưa cà mắm muối, là gạo, là dầu, là vừng là lạc mà mấy mẹ con gom góp được, chuẩn bị cho cả đoàn ăn đường trong hành trình 7-8 ngày đêm mới vào đến chiến trường. Mẹ dặn chúng con chuẩn bị nhiều nhất có thể, bởi cả đoàn sẽ phải vào nhờ nhà dân nấu ăn, mà dân thì đã nghèo lắm rồi, sao nỡ xin gì của dân.

… Bố đi rồi, ở nhà chỉ còn lại trống vắng và đói rét. Tem phiếu bố để lại cũng chỉ đổi được chút gạo hay mấy cái bánh mỳ. Mà nhà còn bà, mẹ và 3 đứa con, từng đó ăn dè cũng chả được mấy hôm. Căn nhà bị bom đánh sập 2 lần năm 1967 và năm 1972 với những đồ đạc chi chít dấu vết của bom đạn. Mẹ đã mấy lần phải dùng bùn ao và rơm rạ để trát lại vách, đóng gạch, làm ngói để tự dựng lại nhà. Cái tủ gỗ bị mảnh bom xiên thủng cánh cửa, cái nồi cũng thủng nhưng mẹ vẫn cố giữ để dùng, cái chảo hỏng quai lắc lư mà có lần con rán mỡ thế nào bị lật úp, đổ hết hết sạch sành sanh mà không dám nói sợ mẹ mắng. Những bữa cơm trong màn vì muỗi vợt được hàng vốc; những đêm ngủ mưa tốc mái, nước dột vào nhà, mấy mẹ con bà cháu phải lấy mảnh ni lông che đỉnh màn rồi ngồi co ro, gật gù cho đến sáng.

Con vẫn nhớ những lần líu ríu theo bà đi sơ tán ở Thường Tín, Mai Lĩnh rồi Bình Lục. Nhìn con đường đất tối đen dẫn vào làng mà con bật khóc, vì phải xa mẹ, vì biết là sẽ rất đói, rất khổ. Mong mẹ về tiếp tế, chúng con chỉ biết chạy ra đầu làng ngóng mỗi cuối tuần. Thủa ấy, mẹ phải đạp xe từ tờ mờ sáng đi mấy chục cây số để đến chỗ chúng con, có khi đang đi buồn ngủ quá phải nhảy xuống lội mương hắt nước vào mặt cho tỉnh ngủ. Mẹ về chốc lát rồi lại phải đi ngay, chúng con cũng chỉ biết chạy theo và khóc. Nhưng con là chị, rồi cũng phải chùi nước mắt để dỗ dành dẫn các em về nhà để chờ đến tuần sau.

Nhớ cảnh tối đêm mẹ đưa chúng con về làng Tám nhặt nhạnh lại vài đồ còn sót lại trong đống đổ nát sau khi nhà mình bị bom đánh sập. Cả làng bị đánh bom, nhà ai cũng sạch bách chả còn gì. Đêm Noel rét căm căm, những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn như chúng con chỉ biết vuốt bụng mà nhịn đói. Hàng xóm nhà mình theo Công giáo nên được bên nhà thờ hỗ trợ một chút miến và mắm tôm. Thấy nhà mình không có, họ nấu lên và rủ chúng con sang ăn cùng. Với con, mùi vị của món miến nấu với mắm tôm trong đêm Noel ấy ngon chưa từng thấy, không sơn hào hải vị nào có thể sánh được.

Nhưng điều không có trong cáo phó ảnh 3

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với những điển hình thanh niên tiên tiến

Bố đi biền biệt nhiều năm, rất ít khi về thăm nhà. Ít đến nỗi không nhiều hàng xóm biết được nhà có bố. Con lớn lên còn bị lũ trẻ trong làng trêu trọc là “không có bố”, là “con hoang”, đến cái Tĩnh bạn thân còn phải ra tay đánh chúng nó để bảo vệ con. Phương tiện liên lạc thời đó là những lá thư mà lâu lắm mới nhận được hồi âm, hay tiếng nói của bố thu vào đài cát xét được chú bộ đội đi công tác mang đến bật lên cho nghe rồi thu lại tiếng chúng con mang ngược lại cho bố.

Những món quà bố gửi từ chiến trường là chiếc lược, khay nhôm làm từ vỏ máy bay, lọ hoa bằng catut đạn hay chiếc khăn từ mảnh vải dù được mẹ và chúng con nâng niu, cất giữ dịp nào quan trọng lắm mới dám đem ra dùng.

Nhớ năm 1969 bố về, mang theo 1 túi chiến lợi phẩm là máy ảnh, đài radio… Nhà mình chẳng có gì nhưng bố vẫn mang hết lên trao cho các chú ở TTXVN. Cho đến khi đất nước thống nhất năm 1975, các chú bộ đội đã về, bố vẫn chưa về… Đến năm 1976 bố về, quà tặng cho con là con búp bê nhựa biết nhắm mở mắt…

Mỗi lần bố về là nhà mình rộn ràng lắm. Bố thường về cùng với các chú ở đơn vị. Ngôi nhà vốn hiu quạnh bỗng trở nên tấp nập. Trong nhà, ngoài vườn có gì là mẹ dặn con mang ra nấu nướng hết. Nhà hết gạo, con sang hàng xóm vay, có con gà mẹ nuôi để dành, có ít rau trồng ngoài vườn con hái vào nấu canh đãi khách. Thương đứa con gái cả người bé loắt choắt nhưng đủ mọi việc đỡ mẹ, chăm em, vừa về đến nhà, biết con đi gánh nước là bố ra sân đứng chờ sẵn. Nhìn thấy bóng bố từ xa, con cứ luống cuống, chân ríu vào nhau bước mãi mà không tới nhà. Bố đỡ cho con gánh nước, rồi nhẹ nhàng xách đổ vào các thùng phi trong nhà.

Bố ở nhà thì chúng con thích nhất là được nghe bố kể chuyện chiến trường, gian khổ nhưng ấm tình quân dân. Có lần đơn vị bị địch bao vây, không có tiếp tế nên rất đói, mấy chú bộ đội vào nhà dân nhổ sắn bị đơn vị bắt được đưa ra kỷ luật. Người dân biết chuyện vào tận nơi xin tha cho mấy chú đó với lý do là bởi dân chưa nuôi được bộ đội, nếu kỷ luật thì hãy kỷ luật dân.

Bố có người con nuôi tên là Lan, người dân tộc Paco. Khi đơn vị hành quân qua thì cứu được cậu bé 13 tuổi bị trói nhét giẻ vào mồm vứt bờ rào. Các chú đưa anh Lan về đơn vị làm liên lạc. Bố thương và nhận làm con nuôi. Năm 1969, anh Lan theo bố về thăm nhà mình. Người làng Tám hay gọi đùa anh ý là chú bộ đội tí hon. Sau đó anh theo bố trở lại chiến trường, trên đường đi thì bị sốt rét và mất ở Vĩnh Linh.

Những câu chuyện của bố kể về các đồng đội vào sinh ra tử ở những trận chiến khốc liệt, tình cảm của người dân các nước bạn Lào, Campuchia hay những nơi bố từng chiến đấu đã bao bọc, ủng hộ bộ đội Việt Nam ra sao… Bố bảo có vận động được nhân dân ủng hộ đánh giặc cứu nước, bộ đội ta mới có thể dành chiến thắng ở những trận chiến quan trọng như vậy. Những chuyện đó bố còn nhớ cho đến tận những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, không đi lại được mà khi nhắc đến bố vẫn khóc đến nghẹn ngào.

Bố ơi,

Bố đi xa rồi, ngôi nhà trở về trống vắng. Góc sân, cái ghế yên lặng đến lạ lùng. Mâm cơm thiếu đi bàn tay sắp xếp lại ngay ngắn bát đĩa khi lũ trẻ con còn nhiều lơ đễnh. Bộ ấm chén không còn người xoay lại cho đúng chiều tay phải thuận cho khách cầm lên. Cái bát, đôi đũa, cái chén bố dùng hàng ngày nằm yên trên giá bếp. Cái kéo tỉa cây im lìm ở góc vườn, con cá trong bể ngơ ngác không còn được bố cho ăn mỗi ngày.

Nhìn quanh ngôi nhà, lòng con vẫn nguyên cảm giác hiu quạnh như những đêm 30 Tết trời đen như mực, trong cái gió hun hút ở ngôi nhà nhỏ giữa toàn ao chuông ở làng Tám, khi chỉ còn 2 mẹ con ở nhà, 3 người đàn ông là bố và 2 em đều đang đóng quân ở xa không về ăn Tết. Nhưng con cũng thấy yên lòng, vì biết bố sẽ về với đồng đội, với ông bà tổ tiên và với đồng bào ruột thịt và vì bên con, các cháu đang lớn và trưởng thành từng ngày. Vậy nên bố cứ yên tâm ra đi bố nhé! Chúng con sẽ ổn thôi, bởi con biết bố luôn ở trong trái tim của tất cả các con các cháu! Con cũng biết, lần ra đi này, chúng con sẽ vĩnh viễn không nhận được tin tức của bố. Những lá thư gửi đi sẽ không bao giờ có hồi âm, những câu chuyện còn dang dở…. Nhưng con vẫn muốn viết ra đây, gửi gắm ngàn lần yêu thương tới bố cũng như để kể lại cho các cháu hiểu được, ông bà, bố mẹ chúng nó đã sống như thế nào…

MỚI - NÓNG