Những điều ít biết về tứ đại mỹ nhân Hà Nội xưa

Giữa thập kỷ 30 thế kỷ trước, người dân Thủ đô thường nhắc đến “tứ mỹ Hà thành”, gồm: cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy.

Hồng nhan bạc mệnh

Vương Thị Phượng là con gái cưng của thương gia Vương Toàn Thắng, một nhà buôn bán tơ lụa giàu có ở phố cổ.

Là tiểu thư lá ngọc cành vàng, được thừa hưởng sắc đẹp của mẹ nên từ khi mới sinh ra, cô Phượng đã sở hữu một làn da mềm mại và trắng nõn nà như trứng gà bóc, vóc dáng mềm mại, gương mặt thanh tú. Người Hoa kiều ở Hàng Ngang nói rằng, cô có cặp lông mày “yên my" (lông mày như mây khói), cặp mắt "bán thụy phượng hoàng" (con phượng hoàng nửa thức nửa ngủ, nghĩa là mắt mơ màng say đắm.

Cô Phượng ăn mặc rất nền, khi thì chít khăn nhiễu tam giang, khi thì chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục. Tất cả những màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng may sát vào thân hình nở nang”. Và đã có không ít văn nhân - ký giả đương thời khi được diện kiến cô Phượng đã phải thốt lên: “Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình”.

Bố cô còn mời thầy giáo về dạy con học chữ, cầm kỳ thi họa. Cô vốn là người sáng dạ, học một biết mười. Ngày đó có không biết bao nhiêu công tử Hà thành si mê nhan sắc của cô, theo đuổi và mơ ước được lấy cô Phượng làm vợ.

Thời đó, trạc tuổi với cô có A Đẩu sống ở Hàng Đào, cháu ruột của nhà tư sản chuyên buôn bán lụa Phan Vạn Thành. Thấy gia đình hai bên môn đăng hộ đối, nên thương gia Vương Toàn Thắng đã đồng ý gả con gái cho A Đẩu.

Khi về nhà chồng, cô được sống hết sức sung túc, không phải lo lắng gì về chuyện áo cơm. Ngày ngày cô ra cửa hàng ngồi bán hàng cùng mẹ chồng, việc quán xuyến nhà cửa cô cũng không phải động tay vào, vì đã có người hầu kẻ hạ làm hết.

Những điều ít biết về tứ đại mỹ nhân Hà Nội xưa ảnh 1

Cô Phượng Hàng Ngang (Vương Thị Phượng).

Khi sinh con trai đầu lòng, cô càng được bố mẹ chồng cưng chiều. Tuy nhan sắc vẫn xinh tươi, nhưng sự rạng rỡ trong đôi mắt cô đã mất dần mất mòn sau những năm sống bên cạnh người chồng công tử của mình.

A Đẩu không hề yêu quý gì cô Phượng. Với anh ta, việc lấy cô chỉ như một “chiến tích” để khoe với bạn bè, như một chiến lợi phẩm, một thứ đồ trang trí đắt tiền cho sự giàu sang của mình.

Thậm chí, A Đẩu còn là một người thiếu tinh tế, ăn nói cục mịch và vũ phu. Khi có chuyện gì bực dọc, anh ta sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Không chỉ thế, A Đẩu còn là một người cờ bạc, rượu chè và mê gái. Không biết bao đêm cô phải khóc vì chồng ngang nhiên "gái gú" trước mặt cô.

Giữa lúc đau khổ vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cô đã gặp gỡ nhà báo Hoàng Tích Chu, người đàn ông tài hoa đất Kinh Bắc. Cô Phượng đã rung động mạnh trước người thanh niên đẹp trai, nho nhã này.

Vào khoảng cuối năm 1927, cả Hà Nội chấn động trước tin cô Phượng mất tích. Mãi sau này, mọi người mới biết cô Phượng đã theo Hoàng Tích Chu vào Sài Gòn chỉ để lại một lá thư từ biệt đầy nước mắt cho gia đình.

Hoàng Tích Chu lúc bấy giờ có cơ hội sang Pháp để học nghề báo mà ông không thể đưa cô theo được. Ông đành bảo cô về Bắc Ninh tìm gia đình mình, với bức thư thống thiết do ông viết, xin cha nhận cô là con dâu trong nhà. Cả hai chia tay nhau trong nước mắt.

Những điều ít biết về tứ đại mỹ nhân Hà Nội xưa ảnh 2

Cô Phượng Hàng Ngang được mệnh danh là nàng Kiều của phố cổ Hà Nội.

Vốn là người có quan niệm cổ về lễ giáo, ông Huyện cho là gia đình Phượng không môn đăng hộ đối với gia đình ông, nên sai người đưa Phượng về xin lỗi chồng để trở lại, nhưng bị từ chối.

A Đẩu không chấp nhận vợ. Bản thân cô cũng không muốn về sống chung với người chồng đó nữa. Lúc này vợ chồng thương gia Vương Toàn Thắng đều đã qua đời. Cô Phượng đành phải làm nghề buôn bán nuôi thân.

Một lần, cô Phượng bị lừa hết vốn liếng, gia sản khánh kiệt. Không còn cách nào khác, cô phải cậy nhờ sự giúp đỡ của một số người đàn ông si mê cô.

Trong số những người tình của cô Phượng, có một người tên là Lưu. Ông giàu có và si mê cô Phượng. Nhưng Lưu là người đã có vợ, vợ lại là người nổi tiếng có "máu hoạn thư", nên ông đã thuê cho cô Phượng một ngôi nhà bên Long Biên để làm nơi tình tự.

Nhưng ý định này của Lưu sớm đã bị vợ phát hiện. Người đàn bà ghê gớm này đã phong tỏa tài sản của chồng, khiến ông đã không còn cơ hội để gặp cô Phượng. Cô quá đau khổ khi nghĩ về chuyện tình trắc trở của mình, đã quyết định về Hưng Yên, tìm một ngôi chùa xin xuất gia.

Một hôm, có người đàn ông tên Bách làm Tham tán ở tòa Sứ đến vãn cảnh chùa gặp Phượng. Bách mê mẩn vẻ đẹp mặt hoa da phấn của Phượng bèn mượn người đến đánh tiếng với Phượng và xin với sư bà cho Phượng về làm vợ lẽ.

Vợ cả của Bách đến đón Phượng về làm chị làm em rất quý hóa ngọt ngào. Ít lâu sau, Tham tán Bách được chuyển đi Lai Châu; vợ cả lại cho Bách và Phượng đi trước, còn mình sẽ lên sau. Ai ngờ bà cả đã ngầm sai người đầu độc Phượng bằng một loại thuốc gì đó làm cho cô hóa điên lúc tỉnh lúc mê, lúc cười lúc khóc, gầy rộc đi.

Tham tán Bách đành sai người đưa cô về Chợ Bờ (Hòa Bình), nhưng sau đó Phượng về lại Gia Lâm tìm đến bà hàng xóm cũ, trong người chỉ còn có 15 đồng bạc. Bà hàng xóm tốt bụng nhưng nhà quá nghèo trông nom cô như con đẻ. Bệnh ngày một nặng, bà đành phải đưa cô vào nhà thương làm phúc. Một tuần sau, cô Phượng qua đời.

Đám tang Phượng chỉ có một người tình cũ rủ lòng thương, khắc cho cô một tấm bia đề: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng".

Bông hồng may mắn trong "tứ mỹ"

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính (sinh năm 1915) là người may mắn hơn cả trong "tứ mỹ". Cô sống ở ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy, bây giờ đổi tên thành số nhà 67, phố Nguyễn Thái Học.

Đỗ Thị Bính là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước những năm 1930 và là một trong những thành viên của dòng họ Đỗ "Bá Già" (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

Những điều ít biết về tứ đại mỹ nhân Hà Nội xưa ảnh 3

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính là người may mắn hơn cả trong "tứ mỹ".

Vì có thói quen mặc đồ đen, giai nhân được nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp thầm yêu trộm nhớ và đặt tên là “người đàn bà áo đen”. Thế nhưng, tuyệt nhiên hai người chưa một lần gặp mặt, dẫu rằng tình trong như đã… Và những vần thơ tuyệt vời trong tập “Ngày xưa” đã ra đời từ đó.

Các bài thơ như “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Tay ngà”, “Chùa Hương”… đều phảng phất bóng dáng giai nhan Đỗ Thị Bính. Người đẹp cũng hiểu được tình cảm của công tử Pháp, nhưng tình thì có, nhưng duyên thì không. Nguyễn Nhược Pháp đã sớm ra đi ở tuổi 24 vì bệnh lao vào năm 1939.

Sau khi Pháp mất được một năm, gia đình thuyết phục cô Bính lấy một chàng kỹ sư phong lưu mã thượng học ở Pháp về, tên Bùi Tường Viên - em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu thời bấy giờ. 16 tuổi, Bùi Tường Viên sang Pháp du học về ngành silicat và là một kỹ sư của Việt Nam. Sau đó, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội).

Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.

Ngoài hai người đẹp trên, cô Nga Hàng Gai cũng là một trong tứ đại mỹ nhân, nổi tiếng sắc nước hương trời. Riêng cô Síu - một mỹ nhân con gái nhà văn Lý Ngọc Hưng, sau năm 1954 cũng biệt tăm biệt tích.

Theo Theo Giao Thông Vận Tải
MỚI - NÓNG