Những điều ít biết về nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc

Những điều ít biết về nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc
Sau 33 năm xa cách, con gái trưởng của cố Tổng thống Park Chung-hee là bà Park Geun-hye lại về sống trong Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc), nhưng lần này với tư cách là nữ Tổng thống đầu tiên Hàn Quốc, không phải tư cách “công chúa” như trước đây.

Những điều ít biết về nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc

> Nữ Tổng thống Hàn đầu tiên sẽ kết thân với Kim Jong Un?

> Hàn Quốc có nữ tổng thống đầu tiên

Sau 33 năm xa cách, con gái trưởng của cố Tổng thống Park Chung-hee là bà Park Geun-hye lại về sống trong Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc), nhưng lần này với tư cách là nữ Tổng thống đầu tiên Hàn Quốc, không phải tư cách “công chúa” như trước đây.

Tháng 5/2002, bà Park Geun-hye đã sang CHDCND Triều Tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il
Tháng 5/2002, bà Park Geun-hye đã sang CHDCND Triều Tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
 

Mặc dù lễ nhậm chức chính thức sẽ diễn ra vào ngày 25/2/2013, nhưng ngay sau khi đắc cử, bà Park Geun-hye đã gặp Đại sứ Mỹ, Nhật và Trung Quốc tại Seoul, cũng như có cuộc điện đàm với một số lãnh đạo trên thế giới như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Mỹ Barack Obama… Trong cuộc điện đàm với ông Barack Obama hôm 21/12, bà Park Geun-hye cho biết, 2 Tổng thống đã nhất trí gặp nhau vào thời điểm sớm nhất để thảo luận các vấn đề song phương và quốc tế cùng quan tâm.

Vươn lên từ bất hạnh gia đình

Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bà Park Geun-hye sinh ra (2/2/1952) tại Samdeok-dong, Jung-gu, Daegu, là chính trị gia nguyên tắc, đáng tin cậy, nổi tiếng tuân thủ chặt chẽ các cam kết chính trị, nhưng cho đến nay bà vẫn chưa kết hôn và tự nhận mình theo thuyết vô thần. Từ nhỏ, bà Park Geun-hye được mô tả là học sinh khiêm tốn, mẫu mực, ham học hỏi và rất thích học ngoại ngữ. Khi bà Park Geun-hye học lớp 4, ông Park Chung-hee tiến hành đảo chính (16/5/1961), 2 năm sau ông được bầu làm Tổng thống thứ 5 của Hàn Quốc và gia đình họ Park gồm 5 người chuyển vào Nhà Xanh sinh sống từ đầu năm 1964.

Bà Park Geun-hye từng theo học tại Trường đại học Sogang (1970), chuyên ngành kỹ thuật điện tử, một ngành ít phụ nữ thời bấy giờ theo học. Sau khi tốt nghiệp, bà Park Geun-hye đến Pháp (1974) để tiếp tục sự nghiệp học hành nhưng phải nhanh chóng về nước (tháng 8/1974) vì cái chết của thân mẫu Yook Young-su (chết trong vụ ám sát nhằm vào Tổng thống Park Chung-hee). Nhiều người nói rằng, cá tính quyết đoán của bà Park Geun-hye là chịu ảnh hưởng từ người mẹ và chỉ số IQ của nữ Tổng thống là 127. Vì mẹ chết nên trong giai đoạn 1974-1979, bà Park Geun-hye luôn tháp tùng Tổng thống Park Chung-hee mỗi khi phụ thân công du nước ngoài.

Bà Park Geun-hye đã bộc lộ tố chất lãnh đạo từ năm 22 tuổi - thay mẹ trong vai trò Đệ nhất phu nhân, tiếp phu nhân của những nguyên thủ quốc gia tới hội đàm với Tổng thống Park Chung-hee. Khi đó bà Park Geun-hye cũng đóng vai trò quan trọng trong phong trào vận động Saemauel (phong trào vận động cải cách nông thôn) do Tổng thống Park Chung-hee phát động và đây là cơ duyên đầu tiên dẫn đến vai trò nữ tổng thống ngày nay. Đến ngày 26/10/1979, Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát và bà Park Geun-hye phải chịu đựng sự phản bội của nhiều trợ lý cũ của phụ thân và trong 18 năm sống ở hậu trường đã giúp bà trưởng thành.

Mãi tới năm 1997 bà Park Geun-hye mới quay lại chính trường khi gia nhập đảng Hanara (đảng Đại Dân tộc - GNP), tiền thân của đảng Saenuri cầm quyền. Sau khi yêu cầu cải cách chính trị bị đảng GNP bác bỏ năm 2001, bà Park Geun-hye đã rút khỏi đảng và thành lập một đảng mới. Trong thời gian đó (tháng 5/2002), bà Park Geun-hye tới thăm CHDCND Triều Tiên và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Sau khi nhiều yêu cầu cải cách được đáp ứng, bà Park Geun-hye đã quyết định quay lại đảng GNP và tiếp tục chứng minh khả năng lãnh đạo với nhiều chiến thắng ở quốc hội, khiến dư luận gọi bà với biệt danh “nữ hoàng của các cuộc bầu cử”.

Tuy nhiên, di sản của gia đình đã phủ bóng xuống sự nghiệp chính trị của bà Park Geun-hye. Bởi cho đến nay, Tổng thống Park Chung-hee vẫn là nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất lịch sử hiện đại Hàn Quốc cho dù trong 18 năm cầm quyền, ông có công lớn trong việc đưa đất nước phát triển vượt bậc, trở thành một nền kinh tế vững mạnh của thế giới, nhưng lại bị coi là độc tài khi thẳng tay đàn áp phe đối lập. Cách đây hơn 6 năm (19/5/2006), khi đang đi vận động bầu cử ở địa phương, bà Park Geun-hye đã bị một thành phần quá khích tấn công bằng hung khí khiến bà phải nằm viện để khâu vết thương dài 11cm trên mặt.

Tháng 9/2012, bà Park Geun-hye đã xin lỗi công khai vì những lạm dụng nhân quyền dưới thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Park Chung-hee. Nhiều người nhận định, bà Park Geun-hye trở thành nữ Tổng thống đầu tiên Hàn Quốc bởi đây là thắng lợi của chủ nghĩa nữ quyền, nhưng cũng có người cho rằng, thành công này một phần có liên quan tới nguồn gốc xuất thân. Tuổi tác cũng là một yếu tố đóng vai trò không nhỏ bởi những người ở độ tuổi 30-40 bỏ phiếu chống bà Park Geun-hye, nhưng số cử tri lớn tuổi lại ủng hộ con gái trưởng của ông Park Chung-hee, người được coi là cha đẻ của “phép lạ kinh tế” Hàn Quốc.

Những thách thức không nhỏ

Phát biểu ngay sau khi biết tin đắc cử (giành 51,6% ủng hộ so với 47,9% của ứng cử viên Moon Jae-in), bà Park Geun-hye khẳng định, ưu tiên hàng đầu là vượt qua khủng hoảng, khôi phục kinh tế, bảo đảm an ninh, cũng như mở ra một kỷ nguyên mới trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, bà Park Geun-hye cũng cam kết sẽ nỗ lực cải thiện hòa giải, hòa bình, hợp tác ở Đông Bắc Á và vượt qua khủng hoảng trong khu vực. Bà Park Geun-hye cũng cam kết hạn chế quyền lực của chaebol (quyền lực của những tập đoàn gia đình), đồng thời cho rằng, kinh tế tuy phát triển nhưng xã hội Hàn Quốc không mang lại hạnh phúc cho người dân. Do đó, đã đến lúc cần có một nhà lãnh đạo nữ để mang lại sự lãnh đạo với bản năng của người mẹ: lãnh đạo mang tình mẫu tử - vừa chu đáo, vừa nhẫn nại để chăm lo cho đất nước và lèo lái trước mọi khó khăn.

Tuy nhiên, việc không kết hôn và không có con khiến bà Park Geun-hye bị đàm tiếu, nhưng nhiều người lại hy vọng nữ Tổng thống sẽ giúp làm xoay chuyển những thói gia trưởng cổ hủ của đạo Khổng đã ăn sâu trong xã hội Hàn Quốc. Cử tri cũng hy vọng bà Park Geun-hye sẽ thực hiện “đoàn kết dân tộc” như đã hứa và hàn gắn những trái tim bị tổn thương trong quá khứ, đồng thời khôi phục kinh tế, bảo đảm an ninh.

Được biết, bà Park Geun-hye được bầu làm nghị sĩ năm 1998 và sau đó tiếp tục trúng cử 4 khóa liên tiếp, giữ chức Chủ tịch đảng cầm quyền 2 lần. Nhiều người nói rằng, việc đảng cầm quyền giành thắng lợi bất ngờ với tỷ lệ 152/300 ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4/2012 trong khi dự báo chỉ giành chưa tới 100 ghế do bê bối tham nhũng đã khiến tên tuổi của Chủ tịch đảng Park Geun-hye nổi như cồn.

Giới chuyên môn nói rằng, với 15 năm làm việc trên cương vị nhà lập pháp tại Quốc hội, bà Park Geun-hye đã đạt được nhiều thành tựu như xây thành phố miền Trung Sejong, công trình mà chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak muốn trì hoãn… Trong chiến dịch tranh cử, bà Park Geun-hye đã cam kết tái phân bổ sự giàu có, cải cách các tập đoàn gia đình khổng lồ của đất nước. Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang thực sự loay hoay với khủng hoảng khi tốc độ tăng trưởng hằng năm đã giảm khoảng 2% từ mức trung bình 5,5% trong nhiều thập kỷ tăng trưởng cao, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Là Tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc, bà Park Geun-hye cũng phải quan tâm tới kế hoạch cải thiện năng lực của lực lượng cảnh sát biển, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp quản quyền chỉ huy thời chiến từ Mỹ vào năm 2015, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, cũng như xem xét khả năng sửa đổi Hiến pháp theo hướng rút ngắn thời gian nắm quyền một nhiệm kỳ Tổng thống xuống còn 4 năm so với 5 năm hiện nay. Giới chuyên môn nhận định, có thể Bình Nhưỡng sẽ gây áp lực kèm theo hành động khiêu khích để buộc bà Park Geun-hye mềm dẻo hơn so với người tiền nhiệm Lee Myung-bak. Có tin nói rằng, CHDCND Triều Tiên đang thăm dò chính sách của bà Park Geun-hye, đặc biệt về 2 tuyên bố chung của Tổng thống Kim Dae-jung và Tổng thống Roh Moo-hyun với cố Chủ tịch Kim Jong-il kêu gọi 2 miền Triều Tiên hợp tác.

Theo Phù Lưu - Bắc Ninh
Petrotimes

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.