Những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh 2013

Những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh 2013
TP - Một trong những điểm mới nhất của kỳ thi tuyển sinh năm 2013 là ngành GD&ĐT bổ sung Ban chấm thi Thanh tra trực thuộc Hội đồng tuyển sinh trường. Ban này có nhiệm vụ tổ chức chấm ít nhất 10% số bài của mỗi môn thi tự luận.

> Những điểm mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013
> Chấm thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng có sai sót

Năm 2012, Bộ GD&ĐT chấm thẩm định bài thi tuyển sinh của một số trường, một số ngành; kết quả cho thấy một số cơ sở chấm thi không nghiêm túc đã bị nhắc nhở.

Năm 2013 nếu các trường tiếp tục sai phạm, Bộ sẽ xử lý mạnh hơn và trường chấm không nghiêm túc sẽ bị công khai danh tính. Đó là khẳng định của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga tại Hội nghị công tác thi, tuyển sinh năm 2013 đã diễn ra tại Hà Nội chiều 22-1.

Tại hội nghị này, Bộ GD&ĐT đưa ra khá nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém và một số điều chỉnh đối với kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ để đại biểu 6 đầu cầu trực tuyến trên cả nước bàn thảo.

Điểm mới tiếp theo là bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông, là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng, chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi có nguyện vọng liên thông lên trình độ CĐ hoặc ĐH.

Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy.

Năm nay, 10 trường khối văn hóa nghệ thuật được thi tuyển sinh riêng như sau: các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối văn hóa (khối C) không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT; các trường có tuyển sinh ngành đào tạo thuộc khối nghệ thuật (khối H, N, S) chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu; xét tuyển môn Ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm học THPT; các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật được giao thí điểm tuyển sinh riêng xây dựng phương án tuyển sinh trước ngày 31-1 để trình Bộ VH-TT&DL.

Mùa tuyển sinh năm nay, các trường tiếp tục tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh, có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất là 20 ngày tính từ ngày thông báo xét tuyển 20-8. Thời hạn kết thúc xét tuyển là 30-10.

Ngành GD&ĐT bổ sung một số chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013.

Đó là chế độ tuyển thẳng vào ĐH, CĐ dành cho những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế (gọi 1,5 số lượng dự thi, dù không đi thi cũng được tuyển thẳng); học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp THPT.

Ngoài ra, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại nghị quyết số 30a của Chính phủ và học sinh 20 huyện nghèo biên giới hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ được ưu tiên xét tuyển vào học và phải học dự bị 6 tháng.

Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm và phải học dự bị 6 tháng.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2013 vẫn sẽ giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 và khuyến khích các trường thay đổi cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật…

Trong đó, chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu hệ chính quy.

Ngành GD&ĐT tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH theo lộ trình giảm 20%/ năm và chấm dứt đào tạo trung cấp trong các trường ĐH trước năm 2017.

Những vấn đề gây tranh cãi

Tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh Nguyễn Huy
Tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh Nguyễn Huy.
 

Tại 6 đầu cầu truyền hình, một số ý kiến cho rằng lệ phí thi quá thấp, việc cho phép thí sinh mang máy ghi âm, máy quay vào phòng thi gây trở ngại cho các hội đồng thi, chấm thanh tra 10% là quá nhiều, Bộ cần thay đổi điểm sàn hoặc định ra nhiều mức điểm sàn để giúp các trường tuyển đủ người học vào năm tới.

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói: Nếu không cho thí sinh mang vào phòng thi, vẫn có người mang và các sự việc vẫn bị phát tán trên mạng; tốt nhất là chúng ta giành thế chủ động, cho phép và quản lý.

Thứ trưởng GD & ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã đề nghị Bộ Tài chính nâng lệ phí tuyển sinh lên mức 100.000 đồng/thí sinh.

Về điểm sàn tuyển sinh năm 2013, Thứ trưởng Ga cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để xác định điểm sàn phù hợp. Ông nhấn mạnh: Các khu vực khác nhau đã có chênh lệch điểm khu vực nên chỉ có điểm sàn xác định cho cả nước.

Về ý kiến phản đối chủ trương siết chặt liên thông mới đây của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Ga nói: Mục đích đào tạo CĐ, đào tạo nghề không phải là để vào ĐH; học xong là đi làm việc và nếu người học thấy có khả năng thì thi ĐH; nếu muốn thể hiện qua năng lực chuyên môn thì cũng phải tích lũy kiến thức qua làm việc. Ông nhấn mạnh: Đã đến lúc phải thay đổi theo đúng quy định của pháp luật, không để đến mức xã hội coi liên thông là một hệ bất hợp pháp.

Về thời gian xét tuyển, ông Ga nói, hầu hết ý kiến đồng ý kết thúc vào 30-10 và Bộ GD&ĐT sẽ trao đổi và quyết định. Với hệ CĐ, có thể kéo dài thêm 2 tuần vì đợt thi CĐ diễn ra muộn hơn. Quy định điểm tuyển đợt sau không thấp hơn đợt tuyển trước để tránh hiện tượng các trường tốp cao hạ điểm tuyển hết nguồn cũng sẽ được xem xét lại.

Về đề thi, Bộ GD&ĐT cho biết tiếp tục đổi mới công tác đề thi, theo hướng ứng dụng các thành tựu của khoa học đánh giá, ma trận đề thi; ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội và yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp. Quang Phương

Nên phân tầng điểm sàn

60 trường ĐH, CĐ, TC và Sở GD&ĐT 7 tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Phú Yên tập trung thảo luận tại điểm cầu Đà Nẵng, chiều 22-1.

Ông Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân (Huế), nói: Không nên có quy định điểm sàn chung cho tất cả các trường từ quốc lập đến dân lập hiện nay. Cần có sự phân tầng điểm sàn, và phân tầng ĐH. Trường công lập được Nhà nước đầu tư từ A-Z nên tập trung đào tạo nghiên cứu, còn trường dân lập nên hướng nâng cao dân trí cho các đối tượng cụ thể, riêng biệt. Lãnh đạo Trường ĐH Quang Trung (Bình Định) cho rằng: Bộ GD&ĐT nên phân tầng điểm sàn theo vùng, theo loại trường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), cho hay: Tại buổi họp sáng 22-1, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định năm 2013 chỉ ngưng mở mới các ngành tài chính, ngân hàng, kế toán..., hoàn toàn không có chuyện sẽ ngưng đào tạo những ngành trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG