Những cuốn từ điển tiếng dân tộc thiểu số vô giá

Những cuốn từ điển tiếng dân tộc thiểu số vô giá
TP - Không nhiều người biết, từ đầu thế kỷ 20 người Pháp đã làm rất nhiều công trình nghiên cứu, từ điển liên quan đến ngôn ngữ các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Bahnah… Hiện những tài liệu vô giá này đang nằm trong thư viện EFEO (Trường Viễn Đông Bác Cổ) tại Pháp.

> Bác sĩ làm 'Từ điển tiếng Huế'
> Giáo sư Mỹ làm từ điển tiếng Mã Lai trực tuyến

Pháp là nước rất coi trọng văn hóa nói chung và ngôn ngữ nói riêng, nên người Pháp có ý thức về những vấn đề đó từ lâu đời. Ngay cả khi đi xâm chiếm các nước khác, họ cũng rất ý thức trong việc nghiên cứu ngôn ngữ của nước bị trị, đặc biệt là ngôn ngữ các dân tộc ít người.

Ngay sau khi chiếm được Bắc Kỳ, Pháp bắt đầu cho đội quân văn hóa đi đến các vùng xa xôi hẻo lánh để nghiên cứu nhằm mục đích đồng hóa và bảo vệ thuộc địa, đặc biệt khu vực miền Bắc –biên giới Trung Quốc.

Đặc thù miền núi vốn cư dân rải rác, nhiều ngôn ngữ không thống nhất, nhưng lại là khu vực có thể ẩn chứa nhiều tiềm họa về chiến tranh du kích. Kẻ yếu lợi dụng thế mạnh của họ là thông thuộc phong thổ và ngôn ngữ để tấn công lại kẻ xâm lược.

Vì thế ngay từ đầu thế kỷ (1908) Pháp đã bắt đầu cho người đi nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa nơi đây để tìm cách bình định và chặn sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ngôn ngữ là một vũ khí quan trọng trong việc bình địa. Chính vì vậy Pháp đưa ra chính sách bãi bỏ lối thi kiểu Trung Quốc, bỏ sử dụng ngôn ngữ ảnh hưởng Trung Quốc để cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc.

Chính quyền thuộc địa bắt dùng tiếng Pháp trong cơ quan hành chính, và giáo dục và dần dần cũng cho phép tiếng quốc ngữ trong các trường học và báo chí... vì ngôn ngữ này đã được la tinh hóa.

Ngôn ngữ đi đôi với văn hóa. Ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt ý tưởng và chứng minh sự tồn tại của dân tộc. Muốn bảo tồn văn hóa ta cần bảo tồn ngôn ngữ.

Phạm Quỳnh từng nói câu nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”. Việt Nam tồn tại được đến nay là một phần do chúng ta bảo tồn được ngôn ngữ.

Bảo vệ ngôn ngữ dân tộc ít người, là bảo vệ sự đa sắc dân tộc, sự quan tâm của chính quyền đến dân tộc ít người, cũng là để khẳng định chủ quyền đất nước mình.

Bảo vệ ngôn ngữ hiếm cũng như bảo vệ động vật hay loài hoa hiếm quý. Nếu thế giới chỉ có một loài động vật hay một màu hoa chắc chắn sẽ buồn tẻ, vô vị.

Cuối thế kỷ 19, chính quyền thuộc địa bắt đầu xuất bản những cuốn từ điển một số từ thông dụng của một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Đông Dương. Công việc này thực sự được đầu tư vào đầu thế kỷ 20.

Theo lời kể của linh mục F.M. Savina, ông được giao nhiệm vụ đi truyền giáo ở vùng phía Bắc Đông Dương. Ông đã lên đây ghi chép và học nhiều thổ ngữ, đặc biệt là tiếng Tày vì người Tày chiếm số đông dân số sau người Kinh. Năm 1910, ông đã cho ra đời cuốn “Từ điển Tày - Annamite – Franais” (tức là tiếng Tày ra tiếng Việt phổ thông và tiếng Pháp), trong khi Việt Nam lúc đó chưa hề có cuốn từ điển nào của các tiếng dân tộc thiểu số với tiếng Nôm.

F.M Savina đã cho ra cuốn từ điển này sau bốn năm lăn lộn ở vùng dân tộc. Trong cuốn sách ông còn giải thích ngữ pháp, từ vựng Tày và giới thiệu chữ viết Tày cổ. Do cách nghe đọc chưa rõ, nên lúc đầu ông còn phiên âm “Đày” sau mới thành “Tày”.

Tác giả làm theo chỉ thị của Ban truyền giáo Paris. Thông thường tôn giáo đi trước dọn đường cho quân đội dưới hình thức khai sáng, truyền giáo giúp đỡ, nâng cao dân trí. Để truyền đạo các vị truyền giáo phải sống chung với thổ dân, tìm hiểu và ghi chép ngôn ngữ thổ dân để đối thoại.

Ngoài ra, F.M Savina còn làm cuốn “Từ điển Pháp - Nùng – Tàu”, 1924 in tại Hong Kong, dày 528 trang. Ông viết về lịch sử người Mông (khi đó còn gọi là “Mèo” - Histoire du Miao) 304 trang, in 1924) cũng do Ban truyền giáo hải ngoại Paris xuất bản.

Ngoài ra do khảo sát khắp các vùng biên giới Trung - Việt - Lào, ông đã ghi lấy tất cả các ngôn ngữ thổ dân khác nhau. Ông cho biết, những phiên chợ núi giúp người các dân tộc khác nhau có một số từ vựng chung để phục vụ trao đổi hàng hóa.

 Ngôn ngữ các dân tộc ít người hiện vẫn được các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu. Ảnh: Xuân Phú
Ngôn ngữ các dân tộc ít người hiện vẫn được các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu. Ảnh: Xuân Phú.

Ông cho ra cuốn sách về tiếng Bê (thổ dân Trung Quốc) sát biên giới Việt và có cùng gốc với dân tộc Tày ở Bắc Việt Nam. Năm 1965. A. G. Haudricourt. P đã giới thiệu lại cuốn từ vựng Bê của F.M. Savina. Ông còn ghi chép từ vựng tiếng Mán (ngày nay gọi là Dao, có dịch sang tiếng Pháp.

F.M Savina còn xuất bản cuốn “Hướng dẫn ngôn ngữ ở Đông Dương Pháp” (Guide linguistique de l’Indochine franaise), cũng do Ban truyền giáo hải ngoại Paris ấn hành, 1939, gồm hai tập.

Theo Savina, ông đã từng có 4 năm đi khắp núi rừng miền Bắc Việt Nam – và cả một phần Lào, Trung Quốc sát biên giới - ghi chép cả những phong tục thờ cúng tín ngưỡng của vùng này.

Ông đã tỉ mỉ thống kê chiều cao, vóc dáng, trang phục của các dân tộc ít người. Ông cũng thống kê dân số ở khu vực này. Trong thư viện EFEO (Trường Viễn Đông Bác Cổ) vẫn lưu giữ những ghi chép – nay trở nên vô cùng quý giá - của F.M Savina. EFEO chính thức thành lập năm 1901 ở Hà Nội, mục đích để nghiên cứu về văn hóa văn minh Đông Nam Á.

Có không ít tác giả Pháp thời đầu thế kỷ 20 đã viết về ngôn ngữ và phong tục tập quán của các dân tộc ít người ở Bắc Việt. Georges Minot, Đại úy bộ binh thuộc địa, có chứng chỉ tiếng Tày, đã soạn cuốn “Từ điển Tày trắng – Pháp”, được la tinh hóa, gồm 237 trang, in 1928.

Chứng chỉ tiếng Tày của ông chứng tỏ thời đó có lớp học tiếng Tày được tổ chức chính quy. (Xin không đi sâu vào chủ đề này, hẹn một dịp khác).

Năm 1918, khi đi làm nhiệm vụ ở miền núi phía Bắc, Đại úy Silveste đã cho ra cuốn “Thái trắng ở Phong Thổ”, ghi chép về phong tục và trang phục của dân tộc này. Hiện nay những tư liệu này nằm ở thư viện EFEO.

Sau 1954, Pháp đã thất bại ở Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ dân tộc ít người với nhiều mục đích. Phía Tây Nguyên có “Từ điển Bahnar – Pháp” do Guilleminet biên soạn. Tác giả từng là trợ lý hải quân có mặt ở Sài Gòn từ 1922, sau đó ông ở lại làm trong bộ máy chính quyền thuộc địa ở Đông Dương. Ông được bổ nhiệm quản lý hành chính vùng miền núi, đã hợp tác với các cha truyền giáo như R.P.J. Alberty để quản lý dân ở đây.

Sau tám năm, ông đã cùng Alberty cho ra đời “Từ điển Bahnar - Pháp” với khoảng 10.000 từ. Thực ra cuốn này được sự tài trợ của Toàn quyền Đông Dương. Ông còn sưu tầm được những văn bản Bahnar xưa (hiện chưa phát hành, chỉ có trong kho lưu trữ của EFEO).

Ngoài ra, nhiều cuốn nghiên cứu văn hóa, trang phục phong tục ở vùng Kon Tum đều đã được ấn hành.

Alberty là linh mục được cử đến địa phận Kon Tum từ năm 1900. Ông được giao nhiệm vụ mở trường học ở khu vực này vào năm 1911. Ông là đồng tác giả cuốn “Từ vựng Pháp – Bahnar, và Bahnar - Pháp, in ở nhà in G.Taupin & Cie, Hà nội 1940, 144 trang, và sách “đối thoại Pháp - Bahnar và Bahnar- Pháp”, in ở Sài gòn 1944, dày 103 trang.

Sau đó, năm 1959 Alberty cùng Guillemet cho ra đời cuốn Thống kê năm xuất bản các cuốn sách từ điển tiếng thổ dân – Pháp.

Năm 1947, theo yêu cầu của Chủ tịch hội người Tày ở Việt Nam, Franois Martini được Cao ủy Pháp giao cho thành lập hội đồng la-tinh hóa ngôn ngữ của người Tày vùng Bắc Kỳ.

Sau ba năm chữ viết la-tinh hóa này được phổ cập, tạo điều kiện cho việc gửi thông tin liên lạc điện tín không cần ghi bằng tiếng Pháp, mà trực tiếp bằng ngôn ngữ Tày.

Năm 1954, Pháp thua trận ở Đông Dương, nhưng cuốn sách về hệ thống phiên tự chữ Tày qua chữ la tinh vẫn được ấn hành. Điều đó chứng tỏ người Pháp đã mất thuộc địa, nhưng vẫn không từ bỏ ý định nghiên cứu văn hóa những nơi mà họ đặt chân đến và luôn có ý thức bảo tồn văn hóa bằng cách xuất bản sách về đề tài này.

Mặc dù những đề tài này chẳng “câu khách”, kho lưu trữ của Pháp ngày nay trở thành một kho tàng quý mà nhiều nước trên thế giới mơ ước.

Tiếng dân tộc ít người cũng như chữ viết cổ của họ có thể là cội nguồn của dân tộc Việt nói chung. Nên bảo tồn tiếng nói không những của dân tộc đa số mà cả thiểu số là giữ một vũ khí để chứng minh nguồn gốc dân tộc và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Duy trì song đồng ngôn ngữ Kinh và ngôn ngữ dân tộc ít người là hết sức cần thiết cho việc nghiên cứu nguồn gốc của dân tộc Bách Việt.

Ở Việt Nam, nếu muốn các dân tộc ít người hội nhập với dân tộc Kinh nhưng vẫn giữ ngôn ngữ văn hóa của họ cần phải có chính sách tài trợ.

Theo thống kê của các nhà ngôn ngữ học từ 5.000 năm nay, có 30.000 ngôn ngữ biến mất không để lại dấu vết. Sự tiến bộ của khoa học, văn minh thúc đẩy nhanh cái chết của ngôn ngữ. Ngay châu Âu, mới trong 3 thế kỷ gần đây, khoảng hơn chục ngôn ngữ đã chết.

Ngay ở nước Pháp, gần đây nhất, vùng Langue d’Oc hay vùng tiếng Breton đang khẩn thiết muốn con cháu họ giữ ngôn ngữ chuẩn bị cáo phó này. Châu Phi có 200 ngôn ngữ ít hơn 500 người nói, và những người nói các thứ tiếng đó sống trong những bộ lạc rải rác, không giao thiệp với nhau, cũng đang gặp nguy cơ cực lớn.

Nhiều nước nhỏ khi sáp nhập vào đại quốc gia đã bị mất dần ngôn ngữ như tình trạng đã diễn ra ở Trung Quốc và Liên Xô cũ. Nhà ngôn ngữ học Pháp Claude Hagéne ước tính cứ 15 ngày có một ngôn ngữ cáo phó trên toàn thế giới, tức là 1 năm có khoảng 25 ngôn ngữ chết.

Theo ông đó là một kho tàng quý mà thế giới đã lãng quên. Nhiều ngôn ngữ đang giãy chết trong quá trình hội nhập. Nó bị áp đảo bởi tiếng Anh, Pháp... Ngay tiếng Việt cũng có xu thế bị tiếng Anh lấn lướt trong những năm gần đây.

Người ta đưa tiếng Anh vào trong các cuộc nói chuyện giải trí mà không biết rằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng có từ rất hay để diễn đạt. Thay bằng học ngoại ngữ để làm giàu ngôn ngữ của mình thì vô hình chung họ lại làm nghèo đi tiếng mẹ đẻ.

Tại sao không thể song tồn? Các nhà ngôn ngữ Việt Nam đã thử làm thống kê xem bao nhiêu ngôn ngữ dân tộc ít người đang mất dần ở Việt Nam và tìm một phương pháp để bảo tồn?

Châu Âu hiện nay gồm những nước khá ổn định, vậy mà họ bắt đầu rung chuông nguyện cho linh hồn những ngôn ngữ đang hấp hối. Trong một thế kỷ gần đây, theo thống kê của Unesco có khoảng 5.500 ngôn ngữ ra đi. Một cuộc hủy diệt không thương tiếc.

Bảo vệ ngôn ngữ văn hóa dân tộc ít người chính là bảo vệ một tài nguyên, một bảo tàng sống, một nguồn du lịch để giúp phát triển kinh tế và đánh dấu chủ quyền của đất nước. Khi chúng ta chưa đủ mạnh về quân sự ta nên dùng văn hóa và đặc biệt là ngôn ngữ để bảo vệ chủ quyền.

TS. Trần Thu Dung
Paris, Pháp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.