Những cuốn sách được 'săn lùng' trong đại dịch COVID-19

Cuốn sách phổ cập kiến thức về COVID-19 của bác sĩ Trương Hữu Khanh được yêu thích vì giọng văn hài hước, dễ hiểu
Cuốn sách phổ cập kiến thức về COVID-19 của bác sĩ Trương Hữu Khanh được yêu thích vì giọng văn hài hước, dễ hiểu
TP - Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến cho văn hóa đọc có thêm cơ hội để lấp vào cái động không đáy gọi là “nhu cầu giải trí” của giới trẻ. Lượng giao dịch liên quan đến sách tăng lên thấy rõ. Các diễn đàn mua bán, trao đổi, giới thiệu sách cũng tấp nập hơn. Một điều hiếm có nữa là bỗng nhiên, người ta quay ra săn lùng nhiều đầu sách mà ở “trong thời bình (thường)” họ ít để mắt tới.  

Sách có chữ “COVID-19”

Thói thường, khi đối diện với một sự vật, hiện tượng mà người ta chưa hiểu rõ về nó, nhất là một hiện tượng “giết người” như COVID-19, nhu cầu tìm hiểu về “địch thủ” trở nên cao chưa từng có. Những người làm sách từng chia sẻ với tôi: “Trong thời điểm này, gi gỉ gì gi cái gì liên quan đến COVID-19 thì đều có thể cầm chắc không lỗ”. Đó cũng là lý giải cho việc một cuốn sách ảnh của một tác giả vô danh thế nhưng lại cực kỳ thành công trong việc pre-oder (một hình thức bán sách khi còn ở dạng bản thảo). “Con đã về nhà” (NXB Phụ Nữ) ghi lại câu chuyện của tác giả Tăng Quang trong những ngày phải cách ly vì COVID-19 ngay từ khi mở pre-oder đã đạt mức 1.000 cuốn. Trong khi theo công thức của giới xuất bản, chỉ cần có 200 pre-oder thì đã có thể ký quyết định in sách.

Một người viết mới khác cũng nổi lên trong giai đoạn này là bác sĩ Trương Hữu Khanh, tác giả cuốn “Corona từ A đến Z: Đại dịch tim không đập thình thịch” (NXB Văn hóa Văn Nghệ TP.HCM). Cuốn sách phổ cập thông tin về COVID-19 được viết với giọng bình dân, hài hước chỉ ra những sai lầm, ngộ nhận thường gặp của người dân khi phòng chống dịch đã nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội như một kiểu cẩm nang “phải có trong nhà”.

“Nói chung, đại dịch thì đã căng lắm rồi, nếu sách vở mà cũng căng nữa thì ai còn muốn đọc. Tốt nhất là phải có tinh thần “sans souci” (vô tư đi), viết hài nữa thì càng tốt”, độc giả Nam Khánh bày tỏ.

Nằm trong combo COVID-19, “Đi qua hai mùa dịch” tự truyện của Dy Khoa, “Chiếc khẩu trang biết đếm” của La Hi (dành riêng cho đối tượng 7-12 tuổi)… cũng đều nằm trong top bán chạy và có lượng tiêu thụ “rất khả quan” như chia sẻ của những nhà sách online. Dòng sách này thậm chí đang đánh bạt cả những đầu tiểu thuyết best seller và loại sách self-help (kỹ năng) dạy làm giàu từng làm mưa làm gió thị trường sách trước đó.

Hiện tượng “nhân quả, luân hồi”

Nếu nói cuốn sách nào gây chấn động mạnh với thị trường xuất bản trong năm nay, thì đó chính là “Muôn kiếp nhân sinh” của GS John Vu - Nguyên Phong. Chỉ sau 45 ngày phát hành, nó đã được tái bản tới 11 lần với số lượng 100.000 bản. Không chỉ gây sốt thị trường trong nước, bản ebook “Muôn kiếp nhân sinh” cũng đứng đầu trong Top sách mới bán chạy nhất thể loại Kindle Ebook trên Amazon Mỹ và châu Âu.

Đây là hiệu ứng nằm ngoài dự đoán của mọi người, kể cả tác giả Nguyên Phong và First News – đơn vị xuất bản cuốn sách.

“Muôn kiếp nhân sinh” ghi lại những câu chuyện, trải nghiệm có thật – nhấn mạnh từ “có thật” - về nhiều kiếp sống trước đây của ông Thomas – một nhà kinh doanh tài chính ở New York, cũng là người bạn tâm giao lâu năm của tác giả GS John Vu.

Viết về nhân quả, luân hồi không phải là câu chuyện mới. Điều đáng chú ý ở đây, tác giả, GS John Vũ là một nhà khoa học nổi tiếng và ông dùng chính những kiến thức khoa học của mình để lý giải thứ luật lệ huyền bí này qua những liên hệ tương hỗ, đan xen chặt chẽ lẫn nhau. “Không ai có thể tính được tích đức này có thể trừ được nghiệp kia không, không ai có thể biết được khi nào nhân sẽ trổ quả. Nhưng, một khi đã gây ra nhân thì chắc chắn sẽ gặt quả”.

Chỉ trong hai tháng xuất bản, “Muôn kiếp nhân sinh” đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở hầu hết các diễn đàn đọc. Hàng trăm bài viết chia sẻ cảm xúc, điểm sách (review) của bạn đọc khắp từ các thành phố lớn đến vùng quê xa xôi. Sự lăng xê không tiếc lời của rất nhiều sao Việt cũng như các KOL trên mạng xã hội cũng khiến cho ấn bản đặc biệt này trở nên đắt khách hơn.

Tủ sách khó nhằn lọt top tìm kiếm

“Walden - Một mình sống trong rừng” của Henry David Thoreau vốn nằm trong tủ sách Tinh Hoa (được giới mọt sách gọi là “Tủ sách khó nhằn”) của NXB Tri Thức, thế nhưng giai đoạn này cũng được lùng sục sôi nổi.

Đây là một hồi tưởng về quãng thời gian “hai năm hai tháng hai ngày” của tác giả, khi ông sống một mình trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden trong một ngôi nhà tự xây lấy, và bằng lao động của chính đôi tay mình. Cuộc phiêu lưu của Henry David Thoreau, thế nhưng, lại trùng khớp với nhu cầu sinh tồn trong đại dịch của phần đông dân số trên thế giới. Khắp nơi, và khắp các diễn đàn, chủ trương “sống tự lập”, “tối giản”, “thân thiện với thiên nhiên”… trở thành những slogan khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Những cuốn sách được 'săn lùng' trong đại dịch COVID-19 ảnh 1 Sách của “Tủ sách tinh hoa” được săn lùng trên nhiều trang mua bán sách

“Có một số thứ thật cần thiết cho đời sống trong phạm vi nào đó, còn phần lớn thì vô dụng và không lành mạnh, ở những người này chúng chỉ là đồ xa xỉ, ở những người khác chúng hoàn toàn không được biết tới”. Trích đoạn trong chương “Kinh tế” của Thoreau được người ta nhắc đi nhắc lại khi lý giải sự sụp đổ nhanh chóng của những đế quốc xa xỉ phẩm trong khi cả thế giới lao đao vì thiếu lương thực, thực phẩm giữa lúc COVID-19 bành trướng ở hầu khắp mọi quốc gia.

“Cuốn sách giống như một hiện tượng truyền cảm hứng về việc tiết giảm các nhu cầu không cần thiết trong cuộc sống. Chính lối tiêu dùng vô độ của chúng ta đã gián tiếp dẫn tới những đại dịch kiểu như COVID-19. Đã đến lúc con người phải nhìn lại về lối ứng xử của mình với thiên nhiên, nếu không, chúng ta vẫn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều đại dịch khác nữa” - Nguyễn Trương Hà – sáng lập viên của nhóm Đọc chọn lọc chia sẻ. 

MỚI - NÓNG