Những cuộc 'tiếp xúc cử tri đặc biệt' đưa chính sách và cuộc sống đến gần nhau hơn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc đổi mới tiếp xúc cử tri, nhất là thông qua các hội nghị, các diễn đàn là cơ hội để đưa những tâm tư, nguyện vọng thực tiễn của công nhân, lao động vào nghị trường. Từ “thực tiễn cuộc sống” phong phú đó mà nghị trường có sự tương tác, thấu hiểu, đưa ra các quyết định “trúng” và “đúng” hơn.

Kéo chính sách đến gần với thực tiễn

Còn nhớ, cuối tháng 7/2023, tại Hội trường Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn người lao động năm 2023, với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn”. Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và các bộ, trưởng, trưởng ngành.

Tham dự diễn đàn còn có sự tham dự của 550 đại biểu là các cán bộ công đoàn, công nhân, người lao động.

Trong phát biểu gợi mở tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ coi đây là một cuộc “tiếp xúc cử tri đặc biệt”, một diễn đàn mà Quốc hội và đại biểu Quốc hội được lắng nghe nhiều ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, những người đang hằng ngày lao động hăng say đóng góp cho sự nghiệp phát triển nước nhà.

Những cuộc 'tiếp xúc cử tri đặc biệt' đưa chính sách và cuộc sống đến gần nhau hơn ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đây cũng là dịp để Quốc hội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến để từ đó có thêm cơ sở nghiên cứu, đưa ra Quốc hội bàn thảo, hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như tổ chức giám sát có hiệu quả việc thực thi chính sách pháp luật, giải quyết các vấn đề bức xúc của người lao động.

Tại thời điểm đó, các cơ quan của Quốc hội đang tích cực lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, cũng như ý kiến người dân để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một số dự án luật quan trọng, có liên quan mật thiết đến quyền lợi của công nhân, lao động như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công đoàn, Luật Việc làm

Đặc biệt, đối với Luật Nhà ở, khi thảo luận về dự án luật này, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm nhà ở xã hội có thể gây ra những hệ lụy nhất định. Thậm chí có ý kiến còn đưa ra lời khuyên “Tổng Liên đoàn Lao động đừng tham gia”, vì nhiều vướng mắc, không cẩn thận sẽ vướng vào những vấn đề pháp lý, vụ việc.

Tuy vậy, qua các cuộc tiếp xúc với cử tri là công nhân, lao động – những vấn đề chính sách và thực tiễn, thực tiễn và chính sách đã được nêu ra nổi bật. Hầu hết các ý kiến nêu ra tại Hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì đều bày tỏ đồng tình với quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Theo người lao động, khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung nên cần huy động mọi lực lượng xã hội tham gia làm nhà cho đối tượng này. Vì thế việc cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia xây dựng nhà sẽ bổ sung thêm nguồn lực để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.

Chung tay hiện thực ước mơ “an cư lạc nghiệp

Từ hiện thực sinh động trong cuộc sống của công nhân, lao động được phản ánh đầy đủ đến Quốc hội, dẫn đến quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia xây dựng nhà ở xã hội để bổ sung thêm nguồn lực, thêm cơ hội để công nhân, người lao động hiện thực ước mơ “an cư lạc nghiệp” đã được các đại biểu Quốc hội nêu bật, với nhiều ý kiến đa chiều trong phiên thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi.

Những cuộc 'tiếp xúc cử tri đặc biệt' đưa chính sách và cuộc sống đến gần nhau hơn ảnh 2

Việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) giúp huy động thêm nguồn lực để làm nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Trong phiên thảo luận đó, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm nhà ở xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích rất nhân văn, vừa góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.

“Đây là nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, đem lại nhiều tác động tích cực cho công nhân, tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt của người lao động; đặc biệt là góp phần hỗ trợ công nhân có thu nhập thấp, chưa có điều kiện để mua nhà ở hay công nhân mới đến sinh sống, làm việc tại khu công nghiệp”, nữ đại biểu đoàn Hải Dương nói.

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư nhà ở xã hội, việc quy định Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn để cho công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở thuê là cần thiết; phát huy nguồn lực phát triển xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Để rồi, với sự đồng thuận cao của các đại biểu, ngày 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trong đó có Điều 80 về hình thức phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, Điều 80 cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Điều này cho thấy chính sách và cuộc sống đã đến với nhau, để sớm hiện thực ước mơ “an cư lạc nghiệp” cho công nhân, người lao động.

MỚI - NÓNG