Lê Thị Thu Vân (25 tuổi, khoa Luật, Đại học Quốc gia Kyushu) cho biết, phần lớn du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản đều gặp khó khăn trong việc hòa nhập môi trường mới. Lý do quan trọng nhất là sự khác biệt văn hóa. Trong khi người Việt Nam quen tụ tập, ồn ào, đôi khi có phần xuề xòa thì người Nhật có phong cách sống khép kín, trọng lễ nghĩa, tỉ mẩn, khuôn mẫu, kỷ luật cao, đôi khi đến mức khắc nghiệt.
Sự tỉ mỉ, chi tiết cao trong công việc… của người Nhật khiến nhiều du học sinh Việt "muốn điên đầu". Bản thân Thu Vân dù đã quen với việc hòa nhập môi trường sống mới khi hay phải di chuyển nhưng không ít lần bị stress vì phải chỉnh sửa tới mức hoàn hảo các bài luận ở trường hay điền giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính.
Thu Vân đã mất hàng tuần để chỉnh sửa không biết bao nhiêu lần báo cáo trước khi nộp để làm vừa ý giáo sư. Từng câu, từng chữ đều được yêu cầu chuẩn format, các lỗi nhỏ nhất cũng phải sửa lại đến khi thật ưng, hoặc hoàn hảo nhất cho đến hết thời hạn, không còn có thể sửa thêm được nữa. Các giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng… ở Nhật cũng yêu cầu kê khai chi tiết. Một số loại còn yêu cầu tuyệt đối không dùng bảng chữ cái tiếng Anh (a,b,c…) mà phải được khổ chủ tự điền bằng chữ viết tay tiếng Nhật (hiragana, katakana, kanji), người làm giấy tờ phải có con dấu kiểu Nhật, không dùng chữ ký tay thông thường. Với người mới học tiếng Nhật, việc hoàn thành các thủ tục này rất gian nan.
Việc học tập, sống cùng phòng ký túc xá với sinh viên bản địa không làm khó du học sinh Việt Nam bởi nhóm người này khá thoải mái do vẫn trong quá trình rèn giũa. Tuy nhiên, người đi làm và giới nội trợ Nhật lại rất cẩn trọng, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, đôi khi đến độ nghiêm khắc và đặc biệt trọng lễ nghĩa. Khoảng cách giữa sinh viên với giảng viên tại các lớp truyền thống Nhật Bản, do đó khá lớn. Nữ sinh đã 3 năm học tập tại Nhật chia sẻ kinh nghiệm phải chú ý xem xét từng lớp học với các thầy cô cụ thể để có phương pháp học tập, cư xử cho đúng mực, hiệu quả.
"Trong công việc, em cảm thấy khá căng thẳng, lúc nào cũng phải cẩn trọng vì người Nhật, đặc biệt những người làm quản lý rất cầu toàn, trọng chữ tín", nữ sinh chia sẻ.
Ở môi trường mà tiếng ồn được hạn chế tới mức tiếng chuông điện thoại trở thành chế độ thừa, những người Việt quen sự ồn ào đôi khi gặp không ít bất tiện. Trong văn phòng, lớp học, thậm chí họp mặt ở Nhật luôn có yêu cầu tắt chuông điện thoại, không nói chuyện riêng hay làm ồn để thể hiện sự tôn trọng người khác. Trên các phương tiện công cộng như tàu điện hay xe bus cũng có biển cảnh báo tắt chuông điện thoại vì có thể làm phiền, thậm chí gây ảnh hưởng sức khỏe người già, người bệnh tim nếu làm họ giật mình.
Vân từng chứng kiến một học sinh bị đuổi xuống hàng ghế cuối và tài xế nhắc nhở khi vô ý nói cười lớn trên xe bus. Kỳ lạ hơn, nhóm bạn của em có lần bị nhắc hãy nói nhỏ khi đang tham gia lễ hội diễu hành đường phố. Lúc đó, các bạn này đang phải cố gắng nói to, át tiếng ồn xung quanh để chỉ đường qua điện thoại cho một bạn khác đang bị lạc.
Việc sử dụng các loại máy móc tự động cũng gây không ít bỡ ngỡ cho người mới đến. Một ví dụ được Vân đưa ra là nhà vệ sinh có cả tá nút bấm: xả, các chế độ phun rửa, tăng giảm nhiệt độ thành bồn, nhiệt độ nước, gọi hỗ trợ khẩn cấp, thậm chí cả thổi gió sấy khô… "Em phải sửa từ những việc nhỏ nhặt nhất cho phù hợp với môi trường sống và học tập đặc biệt ở đây. Xung quanh mình, mọi người đều tự giác, mọi thứ đều tự động ở mức tối đa", Thu Vân chia sẻ.
Thói quen phân loại rác, xếp hàng, tính tự giác, độc lập, gọn gàng ở nơi công cộng, người Nhật Bản được rèn từ bé. Nữ sinh người Việt kể, sau các buổi học, sinh viên ở đây luôn kê lại ghế của mình, đôi khi xếp cả ghế của người bên cạnh quên, hay lau giùm bàn bên cạnh nếu chẳng may người trước vô ý dọn chưa sạch. Lần tham gia hội thảo tại trường Kyushu, sau một ngày hoạt động rác thải bị để lẫn lộn, giáo sư của Vân đã yêu cầu sinh viên ở lại phân loại rác. "Thầy đã nói: xin lỗi mọi người nhưng chúng ta đang ở Nhật chứ không phải nước nào khác, việc phân loại rác là cần thiết. Ngày mai trong lúc chuẩn bị sẽ ghi rõ tên rác trên các túi để mọi người dễ nhận biết", Vân kể.
Theo nữ sinh Việt, lối sống và làm việc của người Nhật có phần nào đó khắt khe, khuôn mẫu, đặc biệt luôn đặt công việc lên hàng đầu, trái với người Việt đặt gia đình, những gì thiết thân lên làm trọng. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao họ phải khổ như vậy. Nhưng những đức tính đó lại là bí quyết để Nhật Bản kiên cường vực dậy sau những thảm họa khủng khiếp rồi đứng vững, phát triển, khiến thế giới ngả mũ khâm phục như ngày nay.
Du học sinh Việt dù ban đầu bị sốc văn hóa nhưng theo thời gian đã học được nhiều điều hay từ cách sống chỉn chu, kỷ luật, ý thức đặt lợi ích chung lên trên của người dân xứ sở mặt trời mọc. "Nhìn vào những hành động như vệ sinh bàn học, cùng nhau phân loại rác thải... em có cảm nhận rất vui vì ý thức chung của mọi người. Em mong được thấy nhiều hình ảnh này ở Việt Nam", Lê Thị Thu Vân tâm sự.