Những cột mốc chủ quyền trên biển

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ( hàng thứ nhất, thứ 3 từ trái sang) thăm và làm việc tại Trường Sa tháng 5/2013
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ( hàng thứ nhất, thứ 3 từ trái sang) thăm và làm việc tại Trường Sa tháng 5/2013
TP - Hàng đêm, từ phía đường chân trời trên biển, những ngọn hải đăng chỉ đường cho tàu biển ngược xuôi. Trong điều kiện hiện nay, đó không chỉ là những ngọn đèn biển đơn thuần; ở đâu có đèn biển Việt Nam, ở đó ghi dấu ấn chủ quyền biển đảo quê hương.

Với phương châm “Tất cả vì sự an toàn hành hải”, Tổng Cty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam (VMS-South) thiết lập và duy trì nên một môi trường hàng hải an toàn cho tàu thuyền qua lại. Từ đó, VMS-South góp phần quan trọng vào sự phát triển của các ngành kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Địa bàn hoạt động của VMS-South trải dài từ phía Nam cây đèn biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đến hết địa phận tỉnh Kiên Giang, bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là lưu vực hàng hải rộng lớn nhất nước, mỗi vùng lại có một đặc điểm địa hình, thời tiết, gió mùa khác nhau. Nhiều nơi cách xa đất liền, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng tổng công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao: Thiết lập và duy trì một môi trường an toàn về hàng hải cho tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại; làm tiền đề vững chắc cho các ngành kinh tế biển Việt Nam phát triển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Với phương châm “tất cả vì sự an toàn hành hải” Tổng Cty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam (VMS – South) thiết lập và duy trì nên một môi trường hàng hải an toàn cho tàu thuyền qua lại.

Ông Phạm Đình Vận, Tổng GĐ VMS-South, cho biết: “Xuất phát điểm chỉ 14 đèn biển, phần lớn đã hư hỏng, xuống cấp; cùng một số phao tiêu báo hiệu chướng ngại vật ở cửa biển. Thế nhưng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, cùng sự nỗ lực của tập thể CBCNV, Bảo đảm hàng hải miền Nam ngày càng phát triển. Hiện, chúng tôi đang quản lý, vận hành 18 tuyến luồng tàu biển với tổng chiều dài 593,44km, hơn 500 báo hiệu dẫn luồng và 54 hải đăng. Trong đó có 13 hải đăng tại khu vực quần đảo Trường Sa, nơi tuyến đầu Tổ quốc”.

Hệ thống báo hiệu hàng hải của tổng công ty đạt tiêu chuẩn của các tổ chức hàng hải quốc tế (IMO, IALA), đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, đúng thông số kỹ thuật. Các tuyến luồng được quản lý, vận hành thường xuyên, đảm bảo đúng chuẩn tắc theo thiết kế. Trên cơ sở đó, VMS-South thiết lập và duy trì một môi trường hàng hải an toàn, chưa để xảy ra bất kỳ sự cố và tai nạn hàng hải nào do lỗi của các thiết bị báo hiệu trong phạm vi quản lý.

Đặc biệt, tại quần đảo Trường Sa, 13 ngọn hải đăng của tổng công ty luôn tỏa sáng, góp phần bảo đảm an toàn cho tàu thuyền qua lại ở khu vực cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng. Những ngọn hải đăng với đặc tính, thông số kỹ thuật và quốc gia thiết lập (đã được công nhận rộng rãi trên bản đồ hàng hải quốc tế) trở thành cột mốc dân sự đánh dấu chủ quyền, quyền chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

Để tiếp tục phát triển lớn mạnh, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, tổng công ty không ngừng đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng phương tiện kỹ thuật tiên tiến.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng An toàn Hàng hải- tiến sĩ kỹ thuật đầu tiên và trẻ tuổi nhất (sinh năm 1982) của VMS-South, các hiệp hội và tổ chức hàng hải trên thế giới đang tiến tới thiết lập môi trường hàng hải điện tử (e-navigation). Đây chính là cơ hội và thách thức, cũng là nhiệm vụ của đội ngũ CBCNV.

Ý thức được điều này, hàng trăm công trình nghiên cứu, đề tài, sáng kiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã ra đời tại, tiêu biểu như: Đề tài “Hệ thống giám sát và điều khiển báo hiệu hàng hải từ xa thông qua mạng điện thoại di động GSM phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải” được Bộ GTVT nghiệm thu và đánh giá xuất sắc; Đề tài “Hải đăng tự động” được Bộ GTVT chọn là đề tài cấp bộ năm 2013; Nghiên cứu và đưa vào sử dụng phần mềm Caris để phục vụ cho sản xuất hải đồ điện tử...

Với nhiệt huyết cống hiến của gần 2.000 CBCNV và những hoạch định chiến lược phát triển đúng đắn, VMS-South sẽ vững bước đi lên cùng cả nước hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.