Những công trình sáng tạo, nhân văn

Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt các tác giả công trình, sáng kiến tại vòng chung kết cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018.
Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt các tác giả công trình, sáng kiến tại vòng chung kết cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018.
TPO - Trong khuôn khổ chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018, sáng nay (10/11), tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã có buổi gặp mặt 14 tác giả, nhóm tác giả tại vòng chung khảo của chương trình. Dự buổi gặp mặt có Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy.

Nguyễn Huy Du, tác giả của sáng kiến: "Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT)" bày tỏ niềm vui khi T.Ư Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sân chơi trí tuệ, tạo cơ hội cho người trẻ được sáng tạo mang sản phẩm của mình phục vụ cho đổi mới giáo dục. Anh Du cũng bất ngờ khi được gọi tên vào vòng chung khảo và đặc biệt là được gặp những vị giám khảo đáng kính.

“Những sản phẩm của tôi còn nhỏ bé. Tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” tôi mong muốn có thêm cơ hội tìm tòi, nhìn lại sản phẩm của mình yếu, thiếu những điểm nào, từ đó hoàn thiện để mang sản phẩm đến với nhiều người hơn”, anh Huy nói.

Những công trình sáng tạo, nhân văn ảnh 1 Cô giáo Dương Thị Thu Hà giới thiệu về sản phẩm của mình

Cô giáo Dương Thị Thu Hà (Hà Nội) là tác giả của công trình "Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các các chủ đề của kỹ năng sống". PSE (hình ảnh, âm thanh, biểu cảm) giúp trẻ tự kỷ học chữ cái thông qua các chủ đề của kĩ năng sống. Thiết bị này tương tác trực tiếp với trẻ thông qua thảm thông minh được gắn chíp cảm biến và sỏi mát xa, giúp tăng khả năng vận động, tuần hoàn máu dưới lòng bàn chân, từ đó tác động đến não bộ, có tác dụng tích cực trong việc cải thiện giấc ngủ, sức đề kháng …

Chia sẻ với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cô giáo Thu Hà bày tỏ niềm xúc động khi sản phẩm của mình nhận sự quan tâm của Ban tổ chức cuộc thi. "Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình này, càng tới ngày gần cuộc thi tôi càng thấy hưng phấn. Từ khi tham gia cuộc thi, tôi nhận thấy rằng, với vấn đề giáo dục, nếu mình có tâm thì ở đâu cũng được đón nhận, được giúp đỡ", cô Hà bộc bạch.

Những công trình sáng tạo, nhân văn ảnh 2 Tham gia cuộc thi năm nay có nhiều em học sinh nhỏ tuổi. 

Lắng nghe chia sẻ của các tác giả, nhóm tác giả, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá những công trình, sáng kiến của các trí thức trẻ là những hiến kế quý giá góp phần cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục, đào tạo, ở cả ba nhóm lĩnh vực: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục đều hiệu quả với giáo dục.

Những công trình sáng tạo, nhân văn ảnh 3 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa tặng quà cho các tác giả lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng bày tỏ sự xúc động vì tác giả dự thi rất phong phú, có cả những em học sinh lớp 5, cặp thầy trò cùng sáng tạo sản phẩm phục vụ giáo dục. Trong đó, nhiều công trình, sáng kiến có ý nghĩa thiết thực. Như công trình “Phần mềm Cùng em học an toàn giao thông trên nền tảng scratch” của thầy trò ở Hà Tĩnh. Nếu để tích hợp lồng ghép giáo dục an toàn giao thông sẽ rất khô khan nên dựa trên thực tế đó, thầy trò xây dựng phần mềm rất sinh động hấp dẫn được các em đón nhận dễ dàng. Có nhiều đề tài mang tính nhân văn, xuất phát từ thực tiễn hướng đến những đối tượng học sinh kém may mắn như bệnh down, học sinh nghèo, miền núi.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, các tác giả, nhóm tác giả cần tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm của mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ luôn bám sát, theo dõi, nghiên cứu, chọn lọc các công trình khả thi để nhân rộng, áp dụng trong các nhà trường.

Anh Bùi Quang Huy cho biết, trong số các tác giả tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm nay, có những người tham gia lần 2 như: thầy giáo Nguyễn Quốc Huy (Hà Nội), cô giáo Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre), điều đó cho thấy sức hút của cuộc thi. Đặc biệt là các bạn trẻ có sự sáng tạo liên tục, có sự tâm huyết với ngành giáo dục. Anh Huy khẳng định, sau chương trình, BTC sẽ cố gắng để giúp các bạn hoàn thiện, hiện thực hóa sản phẩm.

MỚI - NÓNG