Ngày 29/10, TAND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định số 28 về việc đưa ra xét xử sơ thẩm với 92 bị cáo gồm Phan Văn Vĩnh – nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Nguyễn Thanh Hóa – nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50); Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch Cty đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (CNC)….
Theo Quyết định, phiên tòa sẽ diễn ra vào 7h30 ngày 12/11. Các bị cáo được đưa ra xét xử về các tội sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Hội đồng xét xử vụ án có 5 người gồm 2 thẩm phán là chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương và thẩm phán Đỗ Ngọc Tuấn; 2 thư ký ghi biên bản phiên tòa. Ngoài ra, có 1 thẩm phán, 2 hội thẩm, 2 thư ký dụ khuyết.
Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có 4 người gồm các ông Lê Xuân Lộc, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Quang Hồng và bà Phạm Thị Bích Liên.
Có 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong đó Nguyễn Văn Dương có 5 luật sư; ông Phan Văn Vĩnh có 3 luật sư; ông Nguyễn Thanh Hóa 3 luật sư… Ngoài ra, Tổng Cty viễn thông Mobifone có 1 luật sư, Cty CP thanh toán điện tử VNPT (EPAY) có 2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Khu vực các phóng viên theo dõi, đưa tin về phiên tòa.
Tiếp đến, tòa án cũng triệu tập 14 nhân chứng và 73 cá nhân, pháp nhân được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bao gồm cả 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone.
Cuối cùng, 3 điều tra viên thuộc Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ cũng được triệu tập tới phiên xử gồm các ông Nguyễn Quang Hòa, Nguyễn Phương Nam và Nguyễn Đình Trung.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực xét xử là sân của TAND tỉnh Phú Thọ hiện đã được lợp mái tôn. Các phóng viên đưa tin về phiên tòa sẽ được bố trí tại một phòng riêng biệt. Một số người liên quan, luật sư trong vụ án đã có mặt để nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử và hoàn thiện các thủ tục cần thiết.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Cty CNC và ký với ông Hóa bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh về việc CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 nhận 20%.
Tuy nhiên, C50 không góp vốn cũng như không cử cán bộ tham gia vào công ty này mà để Dương tự quyết. Ngày 3/5/2012, Dương gửi văn tới các ông Vĩnh và Hóa về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam, đề nghị “tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác trong việc xây dựng, tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet, tạo nguồn thu để thực hiện nhiệm vụ được giao".
Tháng 5/2015, ông Hóa chỉ đạo phòng tham mưu dự thảo quyết định thành lập Cty bình phong là CNC và được ông Vĩnh ký duyệt. Đầu năm 2016, ông Hóa trao đổi với ông Vĩnh hình thành ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng và giao cho CNC thực hiện.
Tuy nhiên để có điều kiện thực hiện, CNC cần tập trung xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình tội phạm và có nguồn thu để lấy kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ.
Với ý đồ trên, Dương tiếp tục đề xuất để CNC triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cổng các trò chơi trực tuyến, thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo và ví điện tử của CNC. Sau đó ông Vĩnh có bút phê: “Kính chuyển đồng chí Cục trưởng và C50 nghiên cứu và đề xuất”.
Thời điểm này, Dương đã ký hợp đồng với Công ty VTC Online của Phan Sào Nam về việc kinh doanh chơi game trực tuyến. Ông Vĩnh biết hai công ty này liên kết vận hành game bài Rik.Vip với hình thức đánh bạc trá hình, song không báo cáo lãnh đạo, không chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh để xử lý.
Khi cấp dưới đề xuất giao cho phòng 2 xác minh CNC có dấu hiệu tổ chức đánh bạc dưới hình thức game bài Rik.Vip, ông Hóa đã không đồng ý. Ông cho rằng CNC không vi phạm pháp luật và sẽ báo cáo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an để CNC được hoạt động thí điểm phục vụ công tác nghiệp vụ. Phòng 2 tiếp tục phát hiện CNC đổi từ Rik.Vip sang Tipclub, báo cáo ông Hóa song đều được “chỉ đạo” không được xác minh.
Theo đó, CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng mà chỉ có một khoản rất nhỏ. Cụ thể, CNC chuyển cho C50 số tiền 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virut.
Tổng cộng, các bị cáo đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng. Trong đó, các nhà mạng được hưởng lợi hơn 1.232 tỷ đồng gồm Viettel hơn 913 tỷ đồng; Vinaphone gần 148 tỷ đồng; Mobifone hơn 171 tỷ đồng.