Những chuyện vui, buồn dọc đường trường thi

Anh Lăng Văn Hà vội vã chở bé Yến Nhi đi ăn sáng sau khi con trai đã vào phòng thi tại điểm thi trường Phổ thông dân tộc nội trú Bắc Kạn Ảnh: Nghiêm Huê
Anh Lăng Văn Hà vội vã chở bé Yến Nhi đi ăn sáng sau khi con trai đã vào phòng thi tại điểm thi trường Phổ thông dân tộc nội trú Bắc Kạn Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Chuyện học, chuyện thi với học sinh, phụ huynh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số thực sự chưa bao giờ dễ dàng. Ở nơi đây, để có “cái chữ” là một sự đánh đổi không hề nhỏ. Những chuyện vui, buồn dọc đường trường thi trong mùa thi 2019 để lại trong lòng người chứng kiến những ấn tượng cảm xúc mạnh.

Những thí sinh đặc biệt

Điểm thi trường Phổ thông dân tộc nội trú Bắc Kạn giữa những ngày hè cuối tháng 6 thật oi nồng. Mới sáng sớm mà anh Lăng Quang Hà, người dân tộc Tày, sinh sống tại huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn đã mướt mồ hôi.

Mới 45 tuổi nhưng anh nhìn anh đã già hơn rất nhiều. Con trai anh, thí sinh Lăng Quang Nhật là học sinh chuyên Toán của trường THPT chuyên Bắc Kạn. Con đi thi, anh vượt 30km đường rừng để xuống động viên con. Em gái của Nhật cũng theo cha xuống phố.  Anh cho biết, mấy ngày con thi, anh gác lại tất cả công việc làm nông để xuống với con. Tránh nhìn vào ống kính phóng viên, anh xúc động cho hay, làm cả năm, cả đời, con đi thi mấy ngày, sao không xuống với con được.

12 năm học của Nhật là 12 năm vợ chồng anh phải cố gắng chắt chiu. Năm nay, Nhật có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Y, anh cũng chỉ biết thế chứ không biết con sẽ học ở đâu. Vì anh bảo, có nói anh cũng không hình dung được như thế nào. Trước câu hỏi, anh có biết nếu con lựa chọn y, thời gian học của con sẽ kéo dài, vất vả, tốn kém hơn các bạn lựa chọn học ngành khác, anh trả lời rằng đó là con đường con đã chọn. Vợ chồng anh chỉ biết cố gắng thôi. Khi con trai vào phòng thi, anh mới đưa con gái đi ăn sáng.

Điểm thi trường THPT Văn Lãng, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn năm nay đón 6 thí sinh khá đặc biệt dự thi. Đó là các thí sinh U50, U60 sau khi hoàn thành khóa học bổ túc văn hóa một năm qua.  Anh Nguyễn Minh Phúc là một trong hai thí sinh cao tuổi nhất tại điểm thi này, sinh năm 1965, cho biết anh đang là chủ tịch hội cựu chiến binh của thị trấn Văn Lãng. Vị trí công tác hiện tại của anh không đòi hỏi bằng tốt nghiệp THPT nhưng anh vẫn đi học, đi thi để tốt nghiệp.

Sau khi thi xong các môn, anh Phúc kết luận môn văn khó nhất, anh chỉ làm được một phần của đề. Hai con của anh Phúc đã lớn, trong đó có một bạn đã tốt nghiệp ĐH đi làm, một bạn đang học ĐH dưới Hà Nội. Khi biết anh đi thi, các con đều động viên bố cố gắng.

Chị Hà Thị Oanh, sinh năm 1974, có mặt ở điểm thi này cho hay chị làm công tác ở xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, Lạng Sơn. Nhà chị cách trường 30km. Nhưng một năm qua, cứ 3 ngày cuối tuần chị lại xuống thị trấn Văn Lãng để học ôn bổ túc kiến thức để đi thi. Thuộc diện thí sinh “có tuổi” của điểm thi nhưng chị Oanh rất vui. Chị cũng cho hay, hai con chị đều đã tốt nghiệp ngành sư phạm, nhưng vì chưa xin được việc làm nên tạm thời làm công nhân ở một khu công nghiệp ở Bắc Ninh.

Những cái tên

Làm thi ở những điểm thi có thí sinh người dân tộc là một trải nghiệm rất thú vị đối với tất cả các giảng viên ĐH. Các thầy cô ở trường ĐH Thủy lợi có một kỷ niệm đáng nhớ tại cụm thi Điện Biên năm nay. Một giảng viên của trường cho biết, khi đến với điểm thi Trường THPT Tuần Giáo gặp cô giáo rất xinh tên Trần Ái Chin. Lúc giới thiệu tên, cô giáo còn nhắc đi nhắc lại tên em đuôi "N" chứ không phải "M", vị giảng viên này cho biết, phải  ngẫm nghĩ mãi mới hiểu vì sao cô dặn thế, vì cô giáo sợ nghe và gọi nhầm!

Còn tại điểm thi trường THPT Điện Biên, giảng viên Nguyễn Thanh Tùng, Khoa CNTT, trường ĐH Thủy lợi thì kể: Trong điểm thi có bà ngoại sinh năm 1981, có tên Cầm Thị Chim và có con gái dự thi phòng bên cạnh. Khi họp hội đồng, thầy Trưởng điểm nhắc cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi tuyệt đối không được phép đọc thiếu tên đệm. Tên của các thí sinh dân tộc nghe khá đặc biệt và ấn tượng. Có thầy cô sau khi tổ chức coi thi kết thúc, đã chụp ảnh lại danh sách các thí sinh trong phòng thi để về làm kỷ niệm.

Nhưng có lẽ, xúc động nhất là tại các điểm thi ở vùng khó khăn, giáo viên sở tại đều giành những gì tốt nhất, tiện nghi nhất cho các giảng viên ĐH khi đến làm thi. Bắc Kạn chỉ có 2800 thí sinh dự thi với 13 điểm thi nhưng rất nhiều điểm thi khó khăn, rất dễ bị chia cắt tại huyện Chợ Mới, huyện Chợ Đồn, huyện Ba Bể. 

Nhiều điểm thi không có nhà nghỉ ở quanh khu vực. Tại điểm thi trường THCS&THPT Bình Trung, huyện Chợ Đồn, thầy Trương Văn Kiếm, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết quanh điểm thi chỉ có một nhà nghỉ. Nhưng nhà nghỉ cũng không hoạt động thường xuyên và đã xuống cấp. Chính vì vậy, nhà trường đã huy động các thầy cô giáo đến để hỗ trợ dọn dẹp, chỉnh trang lại phòng ốc. Nhưng cũng chỉ đủ chỗ cho 7 thầy cô giáo là giảng viên các trường ĐH, CĐ đến làm thi.

Các thầy cô giáo ở các huyện khác của tỉnh về, trường bố chí ở nhà công vụ tại điểm trường THCS&THPT Bình Trung cũ. Vì điểm trường mới tổ chức thi chưa có nhà công vụ. Nói là nhà công vụ nhưng thực chất cũng chỉ là nhà vách gỗ, công trình phụ cũng chỉ có một phòng tắm, một phòng vệ sinh. Tuy khó khăn, vất vả nhưng khi đến làm thi tại đây, các thầy cô ĐH, CĐ rất chia sẻ, đồng cảm. Theo thầy Kiếm, đó là niềm vui khiến cho kỳ thi tổ chức được trọn vẹn hơn

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.