Những chuyện tử tế vùng sông nước - Bài 3: Và những nhịp cầu trong mơ

Bà con hân hoan đi trên những cây cầu mới do nhóm xây cầu thiện nguyện xã Tân Long (thị xã Ngã Năm) xây dựng. Ảnh: Cao Xuân Lương.
Bà con hân hoan đi trên những cây cầu mới do nhóm xây cầu thiện nguyện xã Tân Long (thị xã Ngã Năm) xây dựng. Ảnh: Cao Xuân Lương.
TP - Chứng kiến cảnh bà con đi lại khó khăn, trẻ em vất vả khi đến trường, các lão nông ở Sóc Trăng đã bảo nhau hợp sức xây cầu bắc qua kênh rạch ở những xóm ấp vùng sâu, vùng xa. Từ nhiều năm qua, vừa làm ruộng, các lão nông vừa tự tay thiết kế và xây dựng hàng loạt cây cầu nối những bờ vui.

Tự thiết kế, thi công

Ở xã vùng sâu Tân Long, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) có một nhóm xây dựng tự quản rất đặc biệt, đó là nhóm xây cầu thiện nguyện, gồm 13 lão nông tại địa phương. Người khởi xướng và đứng đầu nhóm là ông Nguyễn Văn Sáu Nhỏ (54 tuổi). Ông Sáu Nhỏ tâm sự: “Tân Long là xã có nhiều ấp nằm trong sâu, xa, đi lại khó khăn bởi sông rạch chằng chịt, người dân chủ yếu bắc cầu tạm hoặc dùng ghe, xuồng để qua sông rất khó khăn. Tội nghiệp nhất là các cháu học sinh đi học bằng ghe, xuồng, hoặc phải qua những cây cầu tạm bợ tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Do vậy, bà con rất mong có được cây cầu vững chãi để mọi người đi lại cho an toàn”. Một lần, có nhóm mạnh thường quân từ tỉnh An Giang xuống xây dựng cầu cho bà con. Ông Sáu Nhỏ và mọi người tự nguyện xin tham gia làm cầu, một mặt được góp sức mình vào xây dựng cầu, mặt khác  để học hỏi kinh nghiệm. Quá trình tham gia làm cầu, ông tự vấn, tại sao người ở nơi khác đến đây xây cầu mà chúng ta không tự làm lo cho bà con của mình? Từ đó, ông vận động mọi người cùng tham gia và nhóm xây cầu do ông Sáu Nhỏ khởi xướng ra đời, đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay.

Cây cầu đầu tiên của nhóm xây dựng là cầu bắc qua kênh Sáu Hằng ở ấp Long An (xã Tân Long) có chiều dài 28m, rộng 2m với tổng kinh phí xây dựng trên 70 triệu đồng. Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, đội của ông xây mới được 12 cây cầu ở thị xã Ngã Năm, 35 cầu ở các xã vùng sâu vùng xa của huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) và hiện nay đang chuẩn bị xây thêm 4 cây cầu nữa ở xã Tân Long. Trung bình mỗi cây cầu được xây dựng với kinh phí từ 70-75 triệu đồng, cá biệt một số cây cầu có kinh phí trên 100 triệu đồng. Tiền xây cầu là từ đóng góp của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, còn công xây cầu do anh em trong nhóm thực hiện với sự hỗ trợ của bà con trong vùng.

Ông Sáu Nhỏ cho biết, trước khi xây dựng cầu, các thành viên trong đội cùng nhau khảo sát, vẽ thiết kế chi tiết sau đó làm hồ sơ trình và xin phép chính quyền địa phương. Yếu tố quan trọng nhất của việc xây cầu là phải đảm bảo chất lượng, an toàn và đảm bảo tĩnh không để ghe, thuyền qua lại dưới kênh rạch. Khi thủ tục hoàn tất, mọi người bắt tay vào xây dựng. 

Những chuyện tử tế vùng sông nước - Bài 3: Và những nhịp cầu trong mơ ảnh 1
Những chuyện tử tế vùng sông nước - Bài 3: Và những nhịp cầu trong mơ ảnh 2 Ông Sáu Nhỏ và các thành viên trong đội tiến hành khảo sát chuẩn bị xây cầu Ông Tắc.

Xây cầu bằng cái tâm

Hôm chúng tôi đến xã Tân Long, gặp lúc nhóm xây cầu của ông Sáu Nhỏ đang khảo sát để chuẩn bị xây dựng cầu Tắc Ông thay cho cây cầu tre tạm bợ. Đây là cây cầu cuối cùng trên con đường nối từ trung tâm xã Tân Long vào các ấp 16,17,18 và 19. “Đáng lẽ chúng tôi đã xây cầu Tắc Ông rồi, nhưng lúc đó thấy bên ấp Long An (cùng xã Tân Long) cũng chưa có cầu, nhu cầu của người dân bức thiết hơn nên tôi bàn với anh em và các nhà hảo tâm chuyển sang xây cho bà con bên ấp Long An trước, còn cầu bên ấp mình xây sau và được mọi người nhất trí. Dự kiến cuối tháng 8 này chúng tôi sẽ khởi công xây cầu Tắc Ông”-ông Sáu Nhỏ chia sẻ. Theo ông, cầu Tắc Ông dự kiến kinh phí trên 80 triệu đồng, cao hơn các cầu khác chút đỉnh bởi vào thời điểm này, giá vật tư xây dựng tăng hơn so với trước. “Tiền xây cầu đã có nhưng chỉ lo làm sao có khoảng trên 15 triệu đồng để lo cơm nước cho anh em vì anh em đã bỏ việc nhà đi xây cầu mà phải về nhà ăn cơm thì cũng kẹt quá. Dù không ai đòi hỏi cả nhưng là người phụ trách nên tôi thấy  mình phải lo cho anh em có cơm ăn trong những ngày xây dựng cầu”- ông Sáu Nhỏ tâm tình.

Ông Quách Hải-Bí thư Chi bộ ấp 18 tính toán, mỗi cây cầu có chiều dài 28-30m, rộng 2m, nếu xây từ tiền ngân sách Nhà nước chắc chắn không dưới 300 triệu đồng, vì phải tính tất cả tiền vật tư, công cán, thuê thiết kế, giám sát… Trong khi đó nhóm xây cầu thiện nguyện làm hết chưa đầy 1/3 số tiền đó, vì chỉ tốn chi phí vật tư, tất cả những khoản còn lại đều do các thành viên trong đội tự lo với sự giúp sức của người dân nơi xây cầu. Vì vậy, chi phí xây cầu chủ yếu giảm đi rất đáng kể.

Hiện nay nhóm xây cầu của ông Sáu Nhỏ đã nhận được khoảng trên 20 lời đề nghị xây cầu của người dân ở nhiều địa phương trong và ngoài xã. Ông Nguyễn Văn Khuyến, người dân địa phương, cho biết: “Nhóm xây cầu của ông Sáu Nhỏ tuy là nông dân nhưng xây cầu có kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng vì họ có tâm với nông dân. Nhờ có các nhà hảo tâm và nhóm xây cầu thiện nguyện của ông Sáu Nhỏ mà người dân chúng tôi có cầu để đi lại dễ dàng, an toàn, thuận tiện hơn”.

Đổi mới bộ mặt nông thôn

Được ra đời cách đây vài năm, đến nay đội xây cầu của các lão nông ở ấp Chót Dung, xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã xây dựng được hàng chục cây cầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Đội xây cầu ở ấp Chót Dung do ông Phan Văn Út - Trưởng Ban nhân dân ấp Chót Dung, đứng ra thành lập và điều hành với 17 thành viên. Công việc chính của các thành viên trong đội là bẻ đai sắt, đóng cốp pha, trộn hồ, đổ bê tông… Trong hai năm qua, các thành viên của đội đã tham gia thi công 14 cây cầu trong và ngoài ấp với hàng nghìn ngày công. Sau mỗi đi làm đồng về, các thành viên trong đội xây cầu lại tham gia vào việc xây cầu, đến tận 9 giờ đêm mới lọ mọ về nhà. Thấy đội xây cầu làm việc với tinh thần tự nguyện và hiệu quả cao, nhiều cá nhân, tập thể, các mạnh thường quân đã nhiệt tình hỗ trợ, tài trợ vật liệu xây dựng, dụng cụ thi công, cho mượn mặt bằng và còn lo cả chuyện cơm nước cho đội thi công…

Cùng với xây cầu, các thành viên của đội còn tham gia vận động nhân dân hiến đất, đổ cát làm đường giao thông nông thôn. Đến nay nhóm thi công tình nguyện đã làm hoàn thành gần 5.000 m đường và tổng nguồn lực huy động được để xây dựng hệ thống giao thông tại địa phương lên đến hàng tỷ đồng. Theo ông Phan Văn Út, để có được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và cộng đồng trong việc xây dựng cầu thì đòi hỏi những thành viên trong đội xây cầu phải công khai, minh bạch đồng thời nói phải đi đôi với làm và không vụ lợi; đặc biệt, phải giữ được chữ tín với người dân. 

Ông Đặng Văn Nám, người dân địa phương kể: “Hồi đó, ở ấp Chót Dung toàn đường đất gồ ghề, chỉ có thể đi bằng xe hai bánh vào mùa khô, còn mùa mưa lầy lội, trơn trượt nên chỉ có cách đi bộ.  Trong khi vùng này kênh rạch nhiều nên bà con thường dùng cây có sẵn trong vườn làm cầu khỉ để qua lại cho người đi bộ nên rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Mấy năm nay, với sự đầu tư của nhà nước cùng với sự góp sức của đội xây cầu ấp Chót Dung nên hệ thống đường giao thông đã được bê tông hóa, đi lại thuận lợi ở cả hai mùa mưa nắng. Còn những cây cầu khỉ nay được thay bằng cầu bê tông cốt thép kiên cố, vững chãi”.

Ông Trần Văn Kiệt-Chủ tịch UBND xã Kế An nhìn nhận: “Ông Phan Văn Út và đội xây cầu tình nguyện của ấp Chót Dung đã góp phần không nhỏ vào việc làm thay đổi bộ mặt giao thông nông thôn, giúp cho việc đi lại của người dân, nhất là học sinh, được thuận lợi, an toàn; nông sản, vật tư được vận chuyển dễ dàng… Có thể nói, đội xây cầu có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương”. 

(Còn nữa)

“Mỗi khi cầu xây xong, chúng tôi mừng lắm! Cả chục ngày sau đó, ngày nào anh em trong nhóm cũng rủ nhau đến ngắm cầu, được thấy bà con đi lại thuận tiện, các cháu học sinh chạy xe đi học dễ dàng, ai cũng vui. Nhiều đêm vui quá ngủ không được”.

Ông Nguyễn Văn Sáu Nhỏ

Ông Khưu Văn Quận-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long đánh giá: “Nhóm xây cầu thiện nguyện của ông Sáu Nhỏ giúp địa phương rất nhiều trong xây dựng nông thôn mới. Những cây cầu vững chắc do nhóm của ông Sáu Nhỏ xây dựng có ý nghĩa rất lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người dân đối với quê hương”.
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.