Những chuyện tử tế vùng sông nước - Bài 2: Nữ huấn luyện viên bơi U60

Bể bơi tự chế của bà Thia.
Bể bơi tự chế của bà Thia.
TP - Tay cầm mớ dây nilon, người phụ nữ dáng nhỏ, gầy, mặt nhăn nheo liên tục ngoi lên hụp xuống để buộc mùng lưới vào những cây trụ dưới sông. Vừa buộc đến mối cuối cùng, bà trồi đầu lên, chưa kịp vuốt nước trên mặt đã hô to: “Xuống từng em một nghe”, rồi bơi vào bờ đón lấy những đứa trẻ thả vào lồng bơi.

Người vừa truyền mệnh lệnh là bà Sáu Thia-Trần Thị Kim Thia (59 tuổi, ngụ ấp 4, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Suốt 15 năm qua, nhờ bà Sáu Thia mà hàng nghìn trẻ em ở xã đầu nguồn vùng lũ Hưng Thạnh biết bơi.

Huấn luyện viên tay ngang

“Xem trên đài thấy năm nào vùng lũ cũng có trẻ em chết đuối, hễ lũ về là có đám tang. Mỗi lần chứng kiến cảnh cha mẹ mất con ruột gan tôi lại quặn lên, tôi lo sợ điều đó sẽ xảy ra ở địa phương mình, vì ở đây lũ về nhìn bốn bề như biển nước nên khi địa phương cần người dạy bơi thì tôi xung phong” – bà Thia chia sẻ. Năm 2002, xã triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, bà Thia được đề cử làm “huấn luyện viên”. Nhận lời không do dự và được tập huấn 3 ngày, nhưng bà Thia cũng rất băn khoăn. “Nhận lời dạy bơi là tối về tôi không ngủ được. Nhận thì nhận nhưng không biết dạy ra sao”-bà tâm sự.

Theo hướng dẫn của cán bộ hội phụ nữ xã, bà Thia may một cái mùng bằng lưới cước bề ngang 4m, dài 8m, cao 2m, rồi dùng cọc tre cắm xuống mé sông theo hình chữ nhật. “Buộc dây mùng không chỉ buộc vào cọc tre xung quanh thành là xong, mà phải buộc luôn dưới đáy để mùng không bị nổi lên vướng vào chân khiến các em không bơi được. Vì vậy phải lặn xuống tận đáy để buộc. Những khi nước cạn thì đỡ, còn gặp nước lớn, lặn hụp rất cực” – bà Thia nói.

Bà cũng cho biết, mỗi buổi bơi diễn ra từ 1 – 2 giờ đồng hồ và khóa học kéo dài liên tục trong khoảng 15 ngày. Việc dạy bơi thường tập trung vào thời điểm trước khi lũ về khoảng một tháng. Mọi năm giữa tháng 8 việc dạy bơi mới bắt đầu, nhưng năm nay phải tổ chức cho các em học bơi sớm hơn tháng rưỡi vì lũ năm nay về sớm. Theo kinh nghiệm của bà Thia, đứa trẻ nào dạn nước sẽ biết bơi nhanh hơn. Có đứa chỉ dạy 2 ngày là biết bơi, còn có đứa học tận 2 khóa mới bơi được. Bước thực hiện đầu tiên trước khi cho trẻ xuống nước là khởi động. Theo bà Thia, phải khởi động trước khi xuống nước để trẻ không bị chuột rút và động tác lúc bơi cũng sẽ linh hoạt hơn.

Mỗi điểm bơi có khoảng 30 em. Để dễ kiểm soát, bà chia thành từng nhóm nhỏ 5 em khi cho xuống nước. Sau 10 phút cho nhóm khác xuống thay. Đầu tiên, bà cho các em tập lặn. Hai tay bám vào thành lồng hụp xuống nước, rồi ngoi lên hai chân đạp nước. Khi các em quen dần, bà dùng tay nâng bụng từng em một, hướng dẫn cách bơi sải tay đồng thời kết hợp chân đạp nước. “Tập cho các em tới khi nào thấy các em nhẹ, chỉ cần dùng 2 ngón tay là có thể nâng bụng được thì khi đó tôi sẽ đẩy các em ra để tự bơi trong khoảng cách còn từ 1,5 – 2m là tới thành lồng. Vài lần như thế là các em sẽ biết bơi”-bà Thia chia sẻ.

Bài kiểm tra trước khi kết thúc khóa học của bà Thia là cho các em thi bơi hai vòng trong lồng bơi với tổng chiều dài 15 m. Trẻ nào đạt mới được cấp giấy chứng nhận “biết bơi”. Bà lý giải: “Ở địa phương có nhiều con kênh bề ngang 30m nên khoảng cách từ bờ ra giữa kênh là 15m. Nếu trẻ đi ghe xuồng bị rơi xuống giữa kênh thì có thể tự bơi vào bờ an toàn”. Bà Phan Thị Đỡ (45 tuổi, ngụ ấp 3, xã Hưng Thạnh) có con học lớp bơi của bà Thia nói: “Con tôi năm nay 9 tuổi, 2 vợ chồng tôi tập bơi cho cháu nhiều lần rồi nhưng cháu không bơi được, hễ xuống nước là cháu sợ chìm. Từ khi vào học lớp bơi của bà Sáu tới nay được 10 ngày, cháu đã bơi được nên vợ chồng tôi rất mừng, từ nay có thể yên tâm đi làm trong mùa lũ sắp tới”.

Những chuyện tử tế vùng sông nước - Bài 2: Nữ huấn luyện viên bơi U60 ảnh 1  Những đứa trẻ hào hứng học bơi.

Té sông không chết

Bà Thia kể, việc vận động trẻ học bơi ban đầu khá vất vả, bà phải đi gõ cửa từng nhà thuyết phục phụ huynh cho con em tham gia. Thậm chí, hồi khai giảng lớp dạy bơi lần đầu tiên, ở xã phải hỗ trợ mỗi em biết bơi sau khóa học 20 ngàn đồng để các em có động lực đến học. Bà kể: “Do mình mới dạy bơi lần đầu nên nhiều phụ huynh lo ngại vì không biết mình dạy ra sao, cho đi học rồi con họ có biết bơi thật không. Tôi kiên trì giải thích rằng, nhà có 2 vợ chồng nếu một người đi làm, một người ở nhà trông 2 đứa con thì mất đi một nguồn thu nhập. Nếu cả 2 cùng đi làm thì để con ở nhà sẽ không an tâm, do đó nên cho các em học bơi để các em có thể tự cứu mình, mà cha mẹ đi giăng lưới ngoài đồng cả ngày cũng vững bụng hơn”. Nghe bà Thia giải thích, phụ huynh cho con tham gia nhưng vẫn còn hoài nghi nên đi theo tới tận nơi để xem bà Thia dạy ra sao.

Thời điểm đầu, cố gắng lắm cũng chỉ huy động được 30 em theo học nên chỉ tổ chức một lồng bơi. Sau một thời gian, thấy bà Thia dạy hiệu quả, ngày càng nhiều phụ huynh chủ động đưa con đến học. Đến nay mô hình mở rộng ra 5 ấp với 7 lồng bơi, số trẻ tham gia cũng từ đó tăng lên gần 200 em/đợt. Do đó, mỗi khi vào “mùa bơi”, người ta hay thấy hình ảnh bà Thia áo quần ướt sũng, mặt tái mét vì lạnh, lái chiếc xe máy cà tàng “chạy show” từ ấp này sang ấp khác để dạy bơi. Dù vất vả nhưng bà Thia không lấy tiền học phí của ai dù chỉ một đồng. Bà bảo, hạnh phúc của bà là được nhìn thấy trẻ em biết bơi để khi gặp sự cố có thể tự cứu lấy chính mạng sống của mình.

Ông Lê Hoàng Nam-cán bộ văn hóa xã Hưng Thạnh, cho biết: “Mỗi năm ở xã đều tổ chức lớp học bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em từ 5 - 15 tuổi. Suốt 15 năm qua, nhờ có bà Thia mà chưa có trường hợp đuối nước nào xảy ra tại địa phương. Em Nguyễn Thị Gấm (ấp 3, xã Hưng Thạnh), năm nay 17 tuổi, từng là học viên bơi của bà Thia. Gấm kể về lần thoát chết nhờ được học bơi: “Năm em lớp 7, em học lớp bơi của bà Sáu. Hôm đó là kết thúc khóa học, em vừa nhận 20 ngàn tiền thưởng của xã xong thì về nhà đi xuống cầu em bị trượt chân té xuống nước nhưng em bơi được vào bờ. Vừa lên bờ, em chạy tới nhà bà Sáu và nói “Bà Sáu ơi, con trả lại bà Sáu 20 ngàn. Nhờ bà Sáu dạy bơi mà con té sông không chết”. Bà Sáu chỉ cười rồi kêu em cầm 20 ngàn về đi”.

Những chuyện tử tế vùng sông nước - Bài 2: Nữ huấn luyện viên bơi U60 ảnh 2 Bể bơi tự chế của bà Thia.

Còn sức còn dạy

Bà Thia quê ở Tiền Giang. Năm 14 tuổi bà bắt đầu đi làm thuê và sống tự lập. Năm 26 tuổi, cô gái sông Tiền tiếp tục xa xứ làm thuê ở Tháp Mười (Đồng Tháp) rồi bén rễ ở đây. Thời đó bà Thia khỏe mạnh, rắn rỏi bà làm đủ thứ nghề như một người đàn ông từ bốc vác, đốn tràm thuê, làm cỏ, dặm lúa,… Tuy nhiên, cái nghèo đeo đẳng suốt thời con gái cho đến lúc tuổi già nên bà Thia không dám ước mơ hạnh phúc. Nay tuổi đã lục tuần nhưng bà Thia vẫn sống quạnh quẽ trong căn nhà lụp xụp, không chồng con. “Lúc cha mẹ tôi còn sống, cũng có ý định mai mối tôi cho một người nhưng nghĩ thân phận mình nghèo, làm thuê làm mướn nên tôi không dám nghĩ tới đành ở vậy cho đến nay. Giờ đã quen sống một mình nên tôi không thấy buồn” – bà chia sẻ. Có lẽ vì sống cảnh đơn chiếc nên bà Thia rất yêu quý trẻ con. Bà nhận dạy vì sợ các cháu bị đuối nước chứ không nghĩ đến việc nhận thù lao. Chỉ cần mỗi ngày nhìn thấy những đứa trẻ ngoan ngoãn tập bơi theo hiệu lệnh của bà hoặc khi việc dạy kết thúc, trẻ con gặp bà ngoài đường chào hỏi lễ phép là cũng đủ làm bà Thia vui.

Cuộc sống của bà Thia rất khó khăn. Hằng ngày bà đi bán vé số, thời gian rảnh bà nhận gia công hạt điều với số tiền công ít ỏi.  Thu nhập mỗi ngày chỉ ngót nghét 100 ngàn đồng. Mặc dù vậy, cứ mùa lũ sắp về là bà gác hết mọi việc để dành thời gian dạy bơi cho trẻ. 

Chiều xuống, khi buổi dạy bơi kết thúc, đợi cho những đứa trẻ cuối cùng ra về, bà Thia lại thui thủi chạy xe về nhà. Thay bộ quần áo khô, bà ngồi co ro trên chiếc chiếu trải dưới nền gạch. Bà Thia tâm sự: “Còn sức dạy được ngày nào thì dạy. Nhưng mong sao sau này khi tôi không còn dạy được nữa thì người nối tiếp tôi sẽ làm tốt hơn tôi bây giờ”. Mặc dù cuộc sống khó khăn, đơn chiếc nhưng trên gương mặt khắc khổ đen sạm với những nếp nhăn hằn sâu của bà Thia luôn nở nụ cười. 

            (Còn nữa)

Ông Lê Hoàng Nam-cán bộ văn hóa xã Hưng Thạnh: “Tuy bà Thia thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn, tuổi lại cao nhưng bà vẫn tình nguyện dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở địa phương. Do đó, mỗi mùa dạy bơi, xã hỗ trợ từ 1,5 – 2 triệu đồng để bà có tiền đổ xăng trong quá trình dạy bơi ở 7 điểm bơi của xã. Thấy được tấm lòng của bà, nhiều phụ huynh gửi tiền học phí nhưng bà nhất quyết từ chối”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.