Những chuyến ra khơi của “Tổng” Bạch Ðằng

Nét đẹp trên công trường xây dựng của Tổng Công ty. Ảnh: Trung Hiền
Nét đẹp trên công trường xây dựng của Tổng Công ty. Ảnh: Trung Hiền
TP - Ðất Cảng không chỉ có thủy thủ ra khơi. Hơn nửa thế kỷ qua, hàng chục nghìn người thợ xây dựng của Tổng Công ty Xây dựng Bạch Ðằng (TCT Bạch Ðằng) từ Hải Phòng tỏa đi xây dựng các nhà máy điện, xi măng, công trình dầu khí, khu công nghiệp, nhà ở, trụ sở cơ quan... khắp cả nước. Mỗi chuyến đi, họ mang theo sự kiên trì mà dữ dội của dân vùng cửa biển.

“Tổng” ở địa phương vươn ra cả nước

Lần dở những trang sử của ngành Xây dựng Việt Nam, người ngoài ngành bất ngờ khi danh xưng TCT Bạch Ðằng có trụ sở ở Hải Phòng lại được nhắc đến ở hầu hết các công trình tầm cỡ quốc gia.

Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch (I, II, III), Xi măng Chinfon, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Na Dương, Nhà máy Sàng tuyển than Hòn Gai… - những công trình công nghiệp quy mô lớn nhất nước trước đây đều có sự tham gia chủ lực của Bạch Ðằng. Gần đây, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhiệt điện Vũng Áng, Nhiệt điện Mông Dương I, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đều có sự góp sức của người thợ đất Cảng.

Từ khi thành lập (năm 1958), ngoài Hải Phòng, Bạch Ðằng đã mở rộng ra các tỉnh lân cận. Sau ngày thống nhất, Bộ Xây dựng tuyển lựa nhiều cán bộ của Bạch Ðằng làm nòng cốt cho hai công ty xây dựng ở Ðà Nẵng và TP HCM. Sau đó, TCT lập văn phòng ở các vùng miền, đấu thầu, dành quyền xây dựng hàng trăm dự án từ Móng Cái đến tận Ðảo Phú Quốc, Kiên Giang.

Thậm chí, năm 1996, TCT đưa 55 kỹ sư, công nhân, máy móc cùng phần lớn vật liệu trong nước sang tận Nhật Bản xây dựng khách sạn Sidmouth Inn cao 5 tầng theo phong cách Á Ðông tại TP Okinawa. Công trình này được GS Kenzotan – kiến trúc sư nổi tiếng thế giới đánh giá “hoàn hảo” về cả nội và ngoại thất.

Những chuyến ra khơi của “Tổng” Bạch Ðằng ảnh 1

Ông Lê Trung Kiên.

Chuyến “đánh bắt xa bờ” lớn nhất thợ đất Cảng là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia yêu cầu về kỹ thuật đặc biệt nghiêm ngặt. Ông Trần Huy Thắng, nguyên Phó GÐ Ban Ðiều hành dự án này của TCT kể: Tháng 5/2006, hơn 1.000 cán bộ công nhân từ Hải Phòng ngày đêm di chuyển vào miền Trung. Khi đó, công trường còn hoang vắng, nhiều công nhân rơi nước mắt trong buổi tất niên xa quê đằng đẵng. Nhưng rồi, họ vẫn ở lại, bám trụ hơn 2 năm để hoàn thành tốt phần việc.

Quý thước thợ hơn ông chủ buôn nhà

“Tổng Cty tiếp tục theo đuổi các dự án dùng vốn vay ưu đãi của nước ngoài như ODA, WB, ADB… để có việc ổn định cho 7.000 công nhân, dễ thanh quyết toán. Chiến lược đó không cao xa, chỉ đơn thuần chỉ là cách nghĩ “ăn chắc mặc bền” của những người thợ”.

ông Lê Trung Kiên

Là TCT của ngành xây dựng nhưng Bạch Ðằng là trường hợp hiếm hoi không lao sâu vào cơn lốc bất động sản (TCT chí có một số dự án cỡ vừa ở Hải Phòng, liên doanh một vài dự án ở Hà Nội). Ông Lê Trung Kiên, Tổng Giám đốc TCT Bạch Ðằng lý giải: Phần vì không có điều kiện tìm hiểu thị trường nhưng lý do chính là Bạch Ðằng phải chuyên tâm vào công việc của một người thợ xây dựng gây dựng suốt 57 năm qua.

Thời kỳ Mỹ đánh phá miền Bắc, nhà nước quyết định xây dựng hai hầm chứa dầu A315, A318 có dung tích 48.000 m3 nằm trong núi. Công trình được giao cho Bạch Ðằng thi công. Từ đường hầm dẫn vào núi, công nhân phải khoan ngược lên trên, cài mìn phá núi. Giữa khe đá nóng nực, quần áo ướt sũng mô hôi nhưng họ vẫn thực hiện được các mũi khoan khó khăn, gian khổ nhất lịch sử ngành xây dựng.

Năm 1980, công trường Nhà máy xi măng Hoàng Thạch xuất hiện tình huống đặc biệt đến mức phải báo cáo Chính phủ: Dưới nền kho chứa, đóng gói xi măng thành phẩm nặng hàng chục nghìn tấn sắp xây dựng là hệ thống hang động đá vôi, dễ sụt lún. Có hai phương án: Một là dời công trình đi nơi khác; hai là xử lý nôn móng. Phương án hai tối ưu hơn nhưng chưa từng có tiền lệ về kỹ thuật. Thuê chuyên gia có chi phí tăng cao; lương kỹ sư trong nước lúc đó chỉ 100 đồng/tháng; trong khi lương chuyên gia là 31.000 đồng/tháng. Cuối cùng, ba lãnh đạo của Bạch Ðằng cùng 3 chuyên gia của ngành xây dựng lập thành tổ nghiên cứu vạch ra phương án. Sau này, một giáo sư, viện sỹ của viện Hàn lâm khoa học Liên xô sang Việt Nam khảo sát, đánh giá: Phương án Bạch Ðằng áp dụng là “duy nhất đúng”.

Những chuyến ra khơi của “Tổng” Bạch Ðằng ảnh 2

Ông Lê Trung Kiên - Tổng GÐ Tổng Cty Xây dựng Bạch Ðằng kiểm tra công trường

Hiện Bạch Ðằng vẫn sẽ tiếp tục con đường “làm nghề” bằng thương hiệu, chất lượng mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên đi trước vạch ra. Gần đây, trong khi các doanh nghiệp ngoài ngành quay sang đầu tư, kinh doanh bất động sản thì Bạch Ðằng lại đẩy mạnh hơn các hoạt động thi công; trong đó có tham gia các dự án giao thông lớn như như QL 18, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam: “Xứng đáng với tên gọi dòng sông lịch sử”

Từ những ngày đầu thành lập, TCT Bạch Ðằng và Hải Phòng có mối liên hệ trong việc quy hoạch, kiến thiết thành phố. Chiến tranh chống Mỹ, cán bộ công nhân viên Bạch Ðằng “tay bay, tay súng”, cùng quân dân Hải Phòng lập trận địa pháo tiêu diệt máy bay địch. Chính quyền và các doanh nghiệp Hải Phòng yên tâm khi giao thầu cho Bạch Ðằng thực hiện các công trình quan trọng. Sự lớn mạnh ở Hải Phòng và mở rộng địa bàn hiệu quả chứng tỏ TCT xứng đáng với tên gọi của dòng sông Bạch Ðằng lịch sử.

Ngoài ra, TCT tham gia làm tốt các hoạt động xã hội thiết thực như: Trích quỹ phúc lợi để giúp đỡ, xây dựng nhà cho gia đình chính sách, người có công, tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, tặng quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó. Bạch Ðằng còn xây trường mẫu giáo phục vụ cho con em gia đình công nhân và người dân trong khu vực.

Tôi tin Bạch Ðằng sẽ lớn mạnh, trúng thầu nhiều công trình tầm cỡ ở nhiều vùng trên cả nước và quốc tế.

            Hoàng Đỗ

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.