Những chuyến đò không tên trên sông Sài Gòn

Những chuyến đò không tên trên sông Sài Gòn
TP - Một người con gái ngồi đợi khách ở bến đò vô danh ở ngã ba sông nơi lưu truyền câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.

Bến có hơn chục con đò nhưng không được gọi là bến, bởi nhà nước đã quy hoạch một số bến lớn rồi. Theo tập quán lâu năm, người dân vẫn neo đậu đón khách ở những bến đò không tên.

Cô gái tự giới thiệu tên là Hạnh: “Riêng ngã ba sông chúng em đã có tới 4 bến đò. Ai thích gọi tên gì thì gọi. Cái bến bên kia sông, ông Sáu có nhiều đò nên người ta gọi là bến đò ông Sáu”.

Bến đò của cô gọi là bến cây dừa. Cây dừa cao ngất, nom nó cô độc giữa những nếp nhà cũ kỹ, chật chội, đường sá chìm trong nước triều dâng đen ngòm. Những con đò gắn máy cũ kỹ, trống trải, được buộc lại từng chùm chờ khách ra sông.

Nghề đưa đò đã có cả trăm năm ở xứ này. Nhà Hạnh có mấy con đò, người nhà lái, thuê tài công lái. Hạnh nói: “Nếu anh muốn ra xem những con tàu lớn neo đậu giữa sông thì cứ thuê lấy một con đò. Giá cả đi lẫn về chỉ chừng trăm ngàn thôi”.

Tôi hỏi khách khứa đông không? Hạnh nói: “Bến đò thường phục vụ tàu thuyền neo đậu nên giá cả phải chăng. Cứ một chuyến chừng trăm ngàn, chở mười khách hay chở một khách cũng vẫn lấy một giá ấy”.

Con đò đưa tôi ra ngã ba sông giá khoảng 100 triệu đồng. Chị Phượng, chủ con đò nói: “Tàu lớn neo giữa sông Sài Gòn để ăn gạo, ăn hàng. Họ sẽ liên lạc vào bờ, hợp đồng với các chủ đò. Hàng ngày chúng tôi tiếp gạo, nước, nhu yếu phẩm cho họ. Mỗi con đò có khi một ngày chạy cả chục chuyến”.

Nhẩm tính, mỗi chuyến trừ tiền dầu, lãi được dăm chục ngàn. Nhưng người ta phải thi cử để có bằng, phải chịu được giông gió và phải có kinh nghiệm. “Tàu Tây lớn, lại bằng sắt, đò của mình bằng gỗ, va vào coi như nát!” - chị Phượng nói. Chị đã học một lớp lái đò và có bằng cấp hẳn hoi.

Ngã ba sông Sài Gòn. Ảnh: T.N.A
Ngã ba sông Sài Gòn. Ảnh: T.N.A .

Giữa sông Sài Gòn, cảnh tượng diễn ra thực lạ mắt. Những con tàu Việt Nam và thế giới cao lừng lững, như tòa nhà bốn năm tầng, không cập cảng được, nên phải neo giữa lòng sông.

Chúng đẹp đẽ, tráng lệ biết bao nếu so với những con đò cũ kỹ xơ xác của các bến đò không tên đang tiếp cận để chuyển hàng. Những con đò bé nhỏ và mong manh chở đầy hoa trái và khách khứa.

Trời nắng to, nhà đò kiêm luôn cả việc bốc xếp để chuyển hàng lên tàu. Những người vợ, người em gái ngồi trên mạn trông chuối, coi dừa, ngồi chuyện phiếm và kiểm hàng xuất lên tàu.

Thủy thủ nước ngoài ngó nghiêng, cố gắng kiếm tìm những gì mà họ thiếu thốn trong chuyến đi biển dài ngày.

Trên một con tàu, tôi thấy hàng chục két bia được đưa lên trong vẻ hỉ hả của các thủy thủ. Tàu đang chuẩn bị cho lễ giáng sinh và đón năm mới ở trên sông nước phương Đông.

Một chuyến đò chạy qua, chở sáu ông khách, ăn mặc nom khá kỳ dị, râu tóc tơi bời nhưng vẫn xơ vin rất lịch sự. Lại một chuyến đò chở mấy người nghiêm nghị như cán bộ vậy.

Người chủ đò bảo: “Các ông này vào bờ uống cà phê, giờ mới về”. Một người lái đò bảo: “Lâu lâu thủy thủ mới được đặt chân xuống đất liền, chuyển từ say sóng sang say rượu bia. Lắm buổi chiều, các thủy thủ say khướt không thể lên bằng cầu thang, tàu phải dùng cẩu để đưa từ đò lên tàu”.

Những con tàu Việt Nam và thế giới cao lừng lững, như tòa nhà bốn năm tầng, không cập cảng được, nên phải neo giữa lòng sông. Chúng đẹp đẽ, tráng lệ biết bao nếu so với những con đò cũ kỹ xơ xác của các bến đò không tên đang tiếp cận để chuyển hàng. Những con đò bé nhỏ và mong manh chở đầy hoa trái và khách khứa.

Không có những chuyến đò không tên có lẽ những người thủy thủ trên hàng chục con tàu khổng lồ trên sông Sài Gòn sẽ thiếu thốn đủ thứ, thậm chí cả những tiếng cười lạ, những ánh mắt phụ nữ. Đôi khi các con đò cũng chở cả những nỗi buồn.

Một người đưa đò kể: “Có hôm nửa đêm, đò đưa dăm bảy cô gái làng chơi lên cho các thủy thủ, đến bốn giờ sáng lại đón chúng về. Khách nước ngoài chỉ trả 10 USD cho một cú như thế, còn các thủy thủ ta lắm khi trả triệu bạc cho một đêm vui vẻ”.

Chủ đò không thích những chuyến chở “hàng” như thế, công an bắt, họ sẽ liên lụy. Một người bảo: “Từ chối hoài không được, tàu sẽ ghét mà không gọi mình nữa”.

Gia đình chủ đò đã không dám cho người con trai duy nhất theo nghiệp đưa đò mà tổ tiên để lại. Họ ngại cậu sẽ nhiễm những ăn chơi trác táng của một số thủy thủ, hoặc dính vào những chuyến đò chở hàng chục cô gái chân dài xinh nửa đêm ra sông rộng vắng tanh.

Dù sao mọi sự đã thật là muộn màng. Họ chưa kịp vẽ ra một tương lai nghề nghiệp phù hợp cho con thì cậu bé đã vào trại cai nghiện và ở đó cho đến giờ. Mọi người nói: “Nó cao to đẹp trai, theo bạn bè đi vũ trường quen với mấy cô chân dài mới biết dùng những thứ gây nghiện quỷ quái ấy”.

Gia đình người đưa đò ngày ngày chờ mong đứa con từ trại giam trở về. “Nếu nó không thích, chúng tôi sẽ bán con đò - Người đưa đò nói- Chúng tôi đã mệt mỏi với công việc của mình”.

12-2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG