Những chuyện chia thừa kế đắng ngắt cõi lòng

Những chuyện chia thừa kế đắng ngắt cõi lòng
Thừa kế là một cách dịch chuyển tài sản của người chết cho người sống. Xung quanh chuyện dịch chuyển này có biết bao điều đắng lòng...
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi Trẻ
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi Trẻ.

1. Mẹ mất, chị nghỉ học cùng cha rong ruổi theo ghe với nghề thương lái trái cây. Tích cóp được một số vốn, chị bàn với cha mua 2 mẫu đất vườn. Còn chị sang một sạp bán trái cây ở chợ bởi nghĩ nếu cứ suốt ngày lênh đênh sông nước, không tiện cho việc học của thằng em út. Buôn bán được bao nhiêu đồng lời chị cộng dồn vào tiền thu nhập từ vườn ổi để mua đất. Nhờ đó, số đất dần tăng lên 3 mẫu.

Em chị tốt nghiệp đại học, đi làm, lập gia đình, sống chung với cha. Phần chị cũng có mái ấm riêng. Chẳng may người cha vướng bạo bệnh, ông trăng trối lúc lâm chung hai chị em phải đùm bọc nhau suốt đời. Còn đất chia đều mỗi người 1,5 mẫu. Nhưng chị thấy kinh tế mình dư giả nên vẫn để vợ chồng em trai canh tác.

Ba năm trôi qua. Chuyện làm ăn chẳng may thua lỗ khiến chị lâm cảnh nợ nần. Nếu không có tiền trả nợ có thể bị kiện. Chợt nhớ đến phần đất cha để lại. Rồi nghĩ vợ chồng người em ổn định với mức lương công chức, cộng thêm mấy mẫu vườn nên mình lấy lại phần đất cũng không sao.

Tuy thắng kiện nhưng mặt người chị thật ảo não khi người em trai giận dữ tuyên bố từ đây đoạn tuyệt tình nghĩa chị em, giỗ quảy mạnh ai nấy cúng. 

Khi chị ngỏ chuyện, thật bất ngờ người em nói lúc đó cha không còn minh mẫn nên mới nói vậy. Chứ lúc tỉnh táo cha không hề nhắc đến chuyện này bởi vợ chồng em trai lãnh phần phụng dưỡng, thờ cúng. Vả lại đất đó là kỷ niệm của cha để lại, nếu giao cho chị đem bán thì vong linh người cha sẽ... buồn nên vợ chồng người em trai không chịu trả lại phần đất đó.

Túng thế, chị đâm đơn kiện. Tại phiên phúc thẩm TAND TP Cần Thơ, người em cũng lập luận tương tự. Tòa phân tích, về lý nếu quả thật lúc người cha hấp hối, tinh thần không sáng suốt thì di chúc miệng đó không có hiệu lực pháp luật là đúng. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định về người thừa kế theo pháp luật.

Cụ thể trong trường hợp của họ là khi người cha mất mà không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, gồm chị và em trai được hưởng phần di sản bằng nhau, nghĩa là chị được 1,5 mẫu đất, em trai cũng như thế. Còn về tình, chị đáng hưởng được phần đất đó bởi công sức tạo dựng rất nhiều.

Tuy thắng kiện nhưng mặt người chị thật ảo não khi người em trai giận dữ tuyên bố từ đây đoạn tuyệt tình nghĩa chị em, giỗ quảy mạnh ai nấy cúng. Chị khóc: “Lúc cha lâm chung, chị em đều hứa đùm bọc, yêu thương nhau, giờ lại thế này. Vong linh cha nơi suối vàng chắc buồn đau lắm”...

2. Vợ chồng chị có hai cô “công chúa” kháu khỉnh. Sau thời gian buôn bán, họ tích cóp mua được một căn nhà mặt tiền. Cha mẹ chồng bán tiệm tạp hóa nhỏ chỉ đủ sống nên vợ chồng chị đứng ra lo hết việc ăn học của em chồng. Người em chồng sau khi tốt nghiệp ngành luật, ra trường còn được vợ chồng chị sắm xe cho đi làm. Cuộc sống trôi an lành nhưng bất ngờ tai họa ập xuống: chồng chị mắc bệnh nan y. Tiền bạc được vét ra hết để chạy chữa khắp nơi nhưng cuối cùng anh vẫn bị căn bệnh quái ác cướp đi sinh mạng trong một đêm mưa bão.

Một nách hai con, chị rơi vào suy sụp. Nhưng càng cay đắng hơn khi người em chồng nói cha mẹ yêu cầu chị chia thừa kế căn nhà trị giá gần 1 tỉ đồng. Chị không đồng ý bởi nghĩ đó là công sức vợ chồng mình gầy dựng nên. Cha mẹ chồng liền làm đơn khởi kiện con dâu, yêu cầu tòa án công nhận căn nhà trên là di sản của con trai và cha mẹ phải được chia theo luật định.

Trong phiên tòa phúc thẩm tại TAND Hậu Giang, hội đồng xét xử phân tích căn nhà trên là công sức hai vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân. Khi người chồng mất thì 1/2 căn nhà thuộc về vợ, 1/2 là di sản thừa kế của chồng sẽ được chia cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, gồm cha mẹ, vợ và hai đứa con.

Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh chị khó khăn thì tòa chỉ xác định phần di sản được chưa, nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định (không quá ba năm) với điều kiện thời gian đó chị không đi bước nữa.

“Nếu bán nhà mẹ con chị sống ở đâu? Buôn bán chỗ nào?”- nghĩ vậy nên chị quyết định vét sạch vốn liếng, mượn thêm tiền cha mẹ ruột để có 200 triệu đồng đưa cho cha mẹ chồng. Chị không muốn kéo dài thêm ba năm bởi sẽ kiệt lực khi phải tiếp xúc với bên chồng. Chị muốn những điều không tốt đẹp trôi ra khỏi ký ức ba mẹ con chị...

Cha mẹ nên lập di chúc

“Xét xử những phiên tòa về tranh chấp thừa kế di sản mà đau lòng. Cha con, anh em ruột thịt bỏ cả công ăn việc làm kéo nhau ra tòa huyện, tòa án tỉnh để “đấu” đến cùng. Vì vậy cách tốt nhất là cha mẹ nên lập di chúc khi còn sống.

Và nên cân nhắc kỹ bởi nó có thể gây sóng gió hoặc sẽ giúp con cháu thắt chặt tình cảm sau này. Nếu được, trước khi lập di chúc nên họp con cháu đến đông đủ, bàn thảo nên chia tài sản như thế nào, tại sao phải chia như vậy, ai cũng có ý kiến đến khi tất cả nhất trí với nhau.

Còn những người thừa kế nên nghĩ đến tình thâm ruột thịt. Cái được chỉ là phần vật chất. Cái mất thì quá to lớn, không thể dùng đại lượng nào để cân, đong, đo, đếm được”.

Ông Nguyễn Thanh Nam (Chánh tòa hành chính TAND TP.Cần Thơ)

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG