Những chuyến bay canh trời, nối đảo

 Đại tá phi công Nguyễn Xuân Tuyến (ghế trước) cùng đồng đội trở về sau một chuyến bay tuần tiễu đảo xa
Đại tá phi công Nguyễn Xuân Tuyến (ghế trước) cùng đồng đội trở về sau một chuyến bay tuần tiễu đảo xa
TP - Tết đến, Xuân về, với người lính nói chung và người lính không quân nói riêng, chính là lúc cần đề cao cảnh giác. Nhiều bài học cho thấy một phút lơ là, mất cảnh giác có thể sẽ phải trả giá rất đắt.

Giao thừa “ba cùng” với máy bay

Những chiếc máy bay phản lực hiện đại Su 30MK, Su 22M4 đậu sẵn trên đường băng, trang bị đầy đủ vũ khí, trong tư thế sẵn sàng xuất kích.

Trung đoàn 937 tiêm kích bom Su 22M4, trung đoàn tiêm kích đa năng Su 30MK trực chiến ngay tại đơn vị, cũng là tại sân bay do đơn vị trụ đóng.

Riêng trung đoàn 917 trực thăng Mi 8, Mi 171, ngoài tổ bay trực chiến tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) thì Tết năm nào cũng cử một tổ bay gồm phi công lái chính, dẫn đường kiêm phi công và cơ giới trên không ra trực chiến đấu tại sân bay Thành Sơn.

Dù trực chiến ở sân bay Tân Sơn Nhất hay ở sân bay Thành Sơn thì tổ bay đều phải “ba cùng” với máy bay, nghĩa là máy bay ở đâu thì người ở đó.

Để một chiếc máy bay cất cánh không phải chỉ mình phi công hay tổ bay có thể làm được, mà còn có sự phối hợp của các bộ phận kỹ thuật, hậu cần mặt đất khác. Nên anh em tổ bay, thợ máy thường đón giao thừa với nhau bên máy bay.

Không quân chúc tết hải quân

Dịp cận Tết, gần như đã thành thông lệ, các biên đội Su 30MK, Su 22M4 thường bay tuần tiễu hàng giờ suốt chiều dài các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các khu vực dầu khí DK1-10.

Là những chuyến bay làm nhiệm vụ, nên máy bay Su 22M4 hay Su 30MK đều được trang bị vũ khí để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xảy ra.

Những chuyến bay biển đảo, tuần tiễu, trinh sát, bay “che đầu” cho các chuyến công tác quan trọng vào ra Trường Sa không xa lạ với phi công. Người ít thì vài ba chuyến, người nhiều không nhớ hết.

Điểm khác duy nhất đem lại nhiều cảm xúc cho phi công đây là chuyến bay cận Tết, khi mà khắp nơi đang náo nức chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền, mọi người đang, đã trở về với cha mẹ, vợ con cùng ăn mâm cơm đoàn tụ, thì những người lính hải quân và cả người dân trên đảo đang làm nhiệm vụ giữ biển, giữ đảo giữa bốn bề sóng nước xa tít trùng khơi.

Hạ độ cao xuống cách mặt đất khoảng 100- 200m lượn một hai vòng nghiêng cánh chào. Qua bộ đàm phi công gửi lời chúc Tết tới bộ đội và nhân dân trên đảo.

Họ cảm thấy như là trách nhiệm với đồng đội, là tình đồng đội giữa không quân và hải quân, những người đã, đang và sẽ sát cánh bên nhau bảo vệ biển trời tổ quốc. 

Đại tá phi công Nguyễn Xuân Tuyến, trung đoàn trưởng Trung đoàn 935 nhiều lần bay tuần tiễu biển đảo dịp Tết, lần nào cũng xúc động mỗi khi nhìn qua ô kính máy bay thấy thấp thoáng đảo Trường Sa lớn rõ dần phía chân trời, nghe đồng đội hải quân dưới mặt đất đề nghị biên đội sà thấp xuống để bộ đội và nhân dân nhìn rõ máy bay “của mình”.

Phi công điều khiển những chiếc máy bay sơn màu xanh cô ban một hoặc hai chỗ ngồi, hoặc là tiêm kích đa năng Su 30MK hoặc là tiêm kích bom Su 22M4 mang đầy vũ khí, hạ độ cao xuống cách mặt đất khoảng 100 - 200m lượn một hai vòng nghiêng cánh chào trước khi vọt lên bay tới điểm đảo kế tiếp. Qua bộ đàm phi công gửi lời chúc Tết tới bộ đội và nhân dân trên đảo.

Những chuyến bay canh trời, nối đảo ảnh 1

“Khoảnh khắc đó thật cảm động đối với phi công chúng tôi-Thượng tá phi công Phạm Đức Doanh, Phó trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng Trung đoàn 937 nhớ lại-Nói chung cảm xúc rất khó tả.

Nhiều lúc nghẹn ngào khi nói qua vô tuyến điện: Chúng tôi, biên đội Su 22M4 Trung đoàn 937 không quân, xin gửi lời chào tới các đồng chí. Chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúc các đồng chí cùng đón một năm mới đầm ấm, vui vẻ…”.

Là người thực hiện nhiều chuyến bay chở đoàn công tác ra chúc Tết Trường Sa, đại tá Trần Văn Quang nhận thấy đời sống trên đảo đã khác xưa. Tết trong đất liền có gì ngoài đảo cũng có.

Thiếu thốn ở đảo không phải vật chất mà là tình cảm đất liền. Thượng tá phi công Lê Văn Hợi, Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 935 sau những chuyến bay chúc Tết lại có dịp gặp lại chính những người vẫy chào anh từ trên đảo.

Những đảo trưởng, thuyền trưởng tàu hải quân chia sẻ rằng bộ đội và nhân dân trên đảo sống giữa mênh mông trùng khơi nơi tiền tiêu Tổ quốc nên đất liền gợi lên những tình cảm thiêng liêng. Cho nên mỗi khi có đoàn trong đất liền ra thăm, bộ đội và nhân dân rất cảm động, phấn khởi, cảm giác ấm áp, được quan tâm, từ đó tiếp sức mạnh tinh thần để quyết tâm bám biển, giữ đảo.

Gần như năm nào Trung đoàn 917 cũng bay ra đảo. Khi thì chở đoàn cán bộ chúc Tết, khi đưa văn công, ca sĩ ra biểu diễn phục vụ văn nghệ, lúc chở đài báo lập cầu truyền hình…

Thời gian ở lại lâu mau tùy chuyến nhưng cũng đủ để anh em phi công trực thăng tận thấy không khí rộn rịp chuẩn bị Tết của bộ đội và nhân dân trên đảo.

Cũng đầy đủ mai, đào, bánh chưng, bánh tét, cũng hát hò văn nghệ, trò chơi cây nhà lá vườn tự biên tự diễn. Không khí vui, tình cảm ấm cúng như cùng một gia đình. Hình như càng ở nơi xa xôi, khó khăn, hiểm nguy rình rập thì con người yêu thương, gắn bó bền chặt hơn.

Hằng năm, vào dịp Tết Sư đoàn không quân 370 thường tổ chức những chuyến bay tuần tiễu đảo xa, vừa để khẳng định chủ quyền biển đảo, vừa gửi thông điệp động viên từ đất liền tới bộ đội và nhân dân bám đất giữ đảo.

MỚI - NÓNG