GS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn ca tách dính song Nhi kể, trước khi phẫu thuật, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mời ông đến từ năm 2019 để gặp song Nhi, xem những chẩn đoán hình ảnh bước đầu cũng như khám kỹ cho cả hai bé.
“Tôi vẫn nhớ khi tách xong xương chậu của cả hai, BS Định yêu cầu tôi đại diện kíp mổ trẻ lời truyền thông, tôi đã nói các cháu có trên 70% hy vọng sẽ đi lại được nếu khép được xương chậu. Và bây giờ đã khép được xương chậu nên tôi mới trả lời, chứ trước đó không dám khẳng định điều này” – GS Trần Đông A cho hay.
Theo GS, hai bé có những mặt mạnh là có 4 chân (mỗi bé 2 chân), các cơ quan (ngoại trừ đường tiêu hóa) đều có đầy đủ. Cặp song Nhi là ca thứ 2 ở Việt Nam được mổ theo đúng chuẩn quốc tế về tách song sinh dính nhau mà Hiệp hội song sinh dính nhau đưa ra từ năm 1997. Đó là chẩn đoán được trước sinh, được sự đồng ý của ba mẹ đồng ý giữ thai, cùng với sự theo dõi của bệnh viện sát sao. Đến ngày sinh là sinh mổ, không để sinh tự nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến trẻ cũng như mẹ. Trường hợp này đã làm đúng các tiêu chuẩn đó.
Khi chẩn đoán bằng những phương tiện hiện đại nhất có vào thời điểm đó, và mổ cũng bằng những phương tiện hiện đại nhất. Các khâu đều thực hiện đúng theo kế hoạch đã đề ra.
Bây giờ điều cần nhất là phục hồi lại đường tiêu hóa cho các bé. Diệu Nhi sẽ đóng hậu môn tạm lại sớm, lý do là nó chỉ có phần đại tràng lên thôi, 4/5 nước qua van vùng manh tràng hấp thu bởi đại tràng. Trong khi đại tràng lên rất ngắn nên ít hấp thu nước. Do đó Diệu Nhi khó lên cân nếu không đóng lại. Việc đóng đại tràng tạm lại có ưu điểm là hậu môn hoạt động khá tốt. Sau khi đóng xong bé sẽ lên cân.
Còn với Trúc Nhi, cố gắng của ê-kip là sẽ tạo hậu môn dưới cho cháu, nhưng nếu không được thì tạo hậu môn ở trên. Đây là chuyện bình thường, trên thế giới nhiều người cũng đi hậu môn ở trên. Còn hơn là đưa xuống dưới mà không kiểm soát được thì rất khó khăn cho việc chăm sóc.
“Về phát triển trí lực, hai bé đang phát triển rất tốt. Chỉ cần tập sức cơ cho tốt trước khi tập đi sẽ giúp các bé sau này có thể đi ngay ngắn. Đây là điều nằm trong tầm tay” – GS Trần Đông A khẳng định.
TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là trưởng êkip mổ tách khi ấy, người đầu tiên đặt đường dao cho cuộc mổ cho biết, đến tận bây giờ, khi song Nhi đã có nhiều tiến triển tích cực thì ông vẫn chưa thôi lo lắng, luôn dõi theo từng cử chỉ, hành động của các bé.
“Từ lúc bé sinh ra cho đến hôm nay, lúc nào cũng là những giai đoạn hồi hộp của chúng tôi. Lúc các bé mở mắt được sau tách dính, đi vệ sinh được, xì hơi… là kỹ thuật viên mừng lắm. Chúng tôi sợ nhất là khi tạo hình đường tiểu sau khi tách ra, sợ nhất các bé không đi tiểu được, có thể là bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ… Đó là điều chúng tôi rất sợ. Nhưng sau khi đóng lại bàn quang, rút thông bàng quang và bé đi tiểu được, chúng tôi rất hạnh phúc” – BS Định tâm sự.
Khó khăn nhất trong cuộc mổ, theo BS Định, vốn là phẫu thuật viên tiêu hóa, tiết niệu cũng đã làm qua nên BS Định thấy không khó, không phải là điều không vượt được; nhưng cái mà ông khó tiên đoán được là khung chậu. Khung chậu của hai bé tròn vo, bây giờ khép lại như người bình thường là cả một điều khó khăn. Mổ xong, chân hai bé nằm dang ngang, bây giờ phải cho thẳng lại và đi được là một thử thách rất lớn cho ê-kip mổ.
Ngày hôm nay, về mặt hình dạng đã như người bình thường.
“Hiện nay các bé chưa tập đi được vì phải ngồi được mới đi được. Chúng tôi đang hỗ trợ từng bước, giúp các bé dần quen với hệ vận động” – BS Định nói.
Nhớ lại ca mổ song Nhi, BS Định cho rằng, không ít trường hợp ngoài dự đoán. Đó là lúc vừa mổ xong, Diệu Nhi ổn hơn Trúc Nhi. Hai bé trong cuộc mổ rất lạ, Trúc Nhi lúc đầu được cho rằng tốt nhất nhưng sau mổ, Diệu Nhi lại vượt qua nhanh nhất.
Lúc mổ, Diệu Nhi khiến BS Định lo lắng vì bé có nhiều vấn đề về não, bị hẹp đường hô hấp nên sợ mổ ra bé không thở được, không rút máy thở được. Thế nhưng cuối cùng lại vượt qua rất nhanh.
Còn Trúc Nhi có rất nhiều khó khăn. Sau mổ, bé không được bình thường, hô hấp rất khó, khả năng phục hồi chậm. May mắn, sau khi đã phục hồi được, bé có tiến triển tốt.
“Đối với tôi, đây là ca tách dính thứ 3 mà mình thực hiện, nhưng chúng tôi vẫn rất sợ. Vì không biết sau khi tách ra, bé có sống được hay không. Không có điều gì là chắc chắn cả. Theo Y văn, tỷ lệ thành công của các ca tách này dạng này là 70%, nhưng y văn và thực tế là 2 chuyện khác nhau.
Tuy nhiên, là một y bác sĩ, khi làm gì, chúng tôi đều phải tính toán dựa trên hình ảnh, bằng chứng y văn và các kinh nghiệm có được để có được kết quả như hôm nay.
“Hai bé ra về trong niềm hân hoan của cả gia đình nhưng đối với chúng tôi vẫn còn nhiều lo lắng. Nhiệm vụ của chúng tôi tới đây chưa phải là hết, chúng tôi còn phải tiếp tục đồng hành với gia đình để trả các bé về cuộc sống bình thường. Chính vì vậy, nếu hỏi ca mổ đã thực sự thành công hay chưa? Chúng tôi chỉ dám trả lời đây mới chỉ là bước đầu, phía trước còn phải làm việc, theo dõi. Vẫn còn nhiều biến cố có thể xảy ra mà mình không biết được. Do đó, chúng tôi hẹn các bé tái khám mỗi tháng để theo dõi. Và một hành trình còn rất dài đang chờ phía trước” – BS Định chia sẻ.