Những chiếc lư đồng mang bản đồ Tổ quốc

Chiếc đỉnh đồng thờ tổ tiên kiểu truyền thống, với hai tay nắm hình bản đồ Việt Nam cách điệu. Ảnh: T.N.A.
Chiếc đỉnh đồng thờ tổ tiên kiểu truyền thống, với hai tay nắm hình bản đồ Việt Nam cách điệu. Ảnh: T.N.A.
TP - Làng nghề đúc đồng An Hội ở TPHCM là làng nghề đúc lư hương bằng đồng duy nhất còn sót lại. Dầu năm tháng thăng trầm với nhiều đổi thay, làng xưa nay đã thành phố thị, những lư đồng dâng cúng tổ tiên của người Việt Nam vẫn được lưu giữ, sản xuất ở An Hội.

Từ một cuộc thiên di của Trần tộc

Nước ta hiện vẫn còn nhiều làng đúc đồng, nhưng nghề này chuyên sâu, mỗi làng thường chỉ chuyên một dòng sản phẩm. Nơi giỏi đúc chuông, nơi chuyên đúc tượng, chỗ lại đúc hàng thủ công mỹ nghệ trang trí. Trước năm 1975, cả An Hội vẫn còn 40 lò đúc. Đặc biệt nơi đây chỉ làm đồ thờ cúng bằng đồng, như lư hương đồng, các loại đỉnh, cốc chén, bình rượu, bình hoa thờ, các loại chân đèn, chân nến. Trong Nam, ngoài Bắc đều đến mua. Không nơi nào còn nguyên vẹn làng nghề chuyên đúc đồ đồng thờ cúng như An Hội.

Anh Trần Minh Toàn, 55 tuổi, chủ một lò đúc của An Hội kể: “Gia phả chúng tôi hiện thất lạc mất rồi. Chúng tôi là con cháu họ Trần, từ ngoài Bắc đi vào Trung. Chừng vài trăm năm trước, từ miền Trung chúng tôi lại vào đất Gia Định”. Anh Toàn bùi ngùi kể: “Hiện mộ tổ chúng tôi vẫn còn, con cháu Trần tộc đã quyên góp xây lăng mộ cho cụ, tiếng rằng danh tính đến nay không ai nhớ, chỉ gọi là cụ tổ thôi”.

Cụ tổ cũng chính là người thầy dạy đúc đồng cho họ hàng, nhằm giữ truyền thống tổ tiên. Trải nhiều biến thiên, nhất là lúc đất nước khó khăn, việc thu mua, sản xuất và tiêu thụ hàng bằng đồng rất khó, nghề mai một nhiều. Hiện An Hội chỉ còn 5 lò đúc đồng, đều của những người họ Trần. Mỗi dịp Tết, cứ ngày 25 thì các lò cúng đưa cụ tổ về với tổ tiên Trần tộc, đến 30 tết lại đón về An Hội ăn tết.

Anh Toàn nói rằng anh rất buồn khi có bài báo viết làng đúc đồng An Hội vốn học nghề đúc của người Hoa ở chợ Lớn, quận 5. Anh nói: “Nhiều trăm năm nay, người Hoa ở chợ Lớn thường tới đặt chúng tôi làm lư cho họ để họ bán chứ họ không đúc. Nghề này là gia tộc truyền lại cho chúng tôi. Ngoài việc làm lư cho họ, một số lượng không nhiều, phần lớn chúng tôi làm lư cho người Việt ta, với những công nghệ và bí quyết hoàn toàn khác biệt với công nghệ của người Hoa”.

Anh Toàn đã từng về Tức Mặc, Nam Định, nơi phát tích họ Trần, nên kể: “Tôi cảm động nhìn thấy những cái đỉnh đồng cao hơn cả tôi, được đúc đẹp đẽ vô cùng, như nhìn thấy tổ tiên của mình!”. Những đường nét hoa văn và công nghệ đúc đồng của ta quả khác hẳn với người Trung Hoa và người Pháp.

Anh Toàn nói: “Người Hoa cũng dùng lư hương, nhưng là để đốt trầm thưởng ngoạn với nhau nên lư không có đế. Lư hương của ta chuyên để dùng thờ cúng tổ tiên, để trên ban thờ và đặt ở những nơi linh thiêng như trong đình, chùa, cung điện của nhà vua. Bởi vậy mà đường nét hoa văn, kích cỡ, chức năng lư ta đều khác biệt”.

Những tấm bản đồ bằng đồng

Người thợ An Hội cho chúng tôi xem chiếc đỉnh thờ theo mẫu đúc cổ truyền 200 năm qua không mấy thay đổi. Hoa văn trên đỉnh vốn được chạm trổ bằng tay, thủ công, với những hoa văn cổ của Việt Nam. Đặc biệt phần hai tay nắm chính là hai tấm bản đồ Việt Nam được cách điệu, nhưng vẫn thấy rõ tấm bản đồ hình chữ S.

Mỗi năm, một lò đúc ở An Hội tiêu thụ khoảng 3.000 bộ lư, đỉnh đồng. Bộ nhỏ, giá rẻ chừng vài ba triệu, bộ lớn chạm trổ công phu giá chừng vài chục triệu đồng.

Theo phong tục, những chiếc đỉnh này đặt trên bàn thờ gia đình, dòng họ, trong đình, chùa… dùng để xông hương vào dịp đại lễ. Ngày nay, phần vì hương trầm quá đắt đỏ nếu sử dụng cho những chiếc đỉnh lớn cả người ôm mới xuể, người ta thường xông trầm bằng những cái lư nhỏ nhỏ hơn, nhưng tục thờ đỉnh trên ban thờ của người Nam bộ vẫn được lưu giữ. Người dân thường mua chiếc đỉnh lớn, cùng bộ chân đèn cũng bằng đồng, đặt lên bàn thờ tổ tiên như một nét đẹp của gia phong xưa còn lại.

Mỗi năm, một lò đúc ở An Hội tiêu thụ khoảng 3.000 bộ lư, đỉnh đồng. Bộ nhỏ, giá rẻ chừng vài ba triệu, bộ lớn chạm trổ công phu giá chừng vài chục triệu đồng. Những người thợ làm đồng tâm sự: “Chính phong tục thờ cúng tổ tiên đã nuôi dưỡng và duy trì làng nghề chúng tôi”.

Mỗi lò đúc chừng vài chục thợ, lương tháng khoảng 5 triệu đồng, công việc ổn định. Một số lò xuất khẩu lư hương đi các nước, phục vụ phong tục tập quán của người Việt ở Mỹ và các nước khác nữa. Mô hình nhà máy cũng được thử nghiệp ở khu công nghiệp với hình thức cổ phần, nhưng người dân vẫn thích công nghệ thủ công và làm nghề tại làng.

Nghề làm lư hương không phải không gặp khó, số lò chỉ còn chừng 1/10 so với mấy chục năm trước. Việc thờ cúng ngày càng giản tiện hơn, đời sống kinh tế khó khăn cũng khiến người ta thường mua đồ sứ rẻ hơn. Giá mỗi tấn đồng đồng nát hiện khoảng 95 triệu/tấn, đồng nguyên khối nhập khẩu giá càng đắt hơn. Giá lư đồng xưa nay không tăng lên là bao. Cụ Nhị bảo: “Để hoàn thiện một cái lư đồng cần trải qua 28 công đoạn, chủ yếu vẫn làm thủ công như xưa”.

Người Việt Nam không thích sử dụng các sản phẩm sản xuất hàng loạt dựa trên công nghệ máy tính của Trung Quốc, vì chúng nom không có hồn. Chi phí cho việc làm lư, làm đỉnh bằng tay khiến giá thành sản phẩm An Hội khó giảm được. “Nhiều khi cả tháng không tiêu thụ được cái đỉnh nào” – anh Tí, một người thợ nói như vậy.

Anh Toàn chủ lò vừa đi ra khỏi lò đúc vừa nói: “Tôi chỉ sợ con mình sẽ không theo nghề đúc đỉnh đồng lâu dài. Công việc vất vả, với mặt bằng lò xưởng khá lớn thế này, rất dễ xảy ra chuyện các cháu bán đất để làm nghề khác cho khỏe và thu nhập cao hơn”. Bùi ngùi, anh lại ngắm nhìn những chiếc đỉnh khắc họa đôi tay cầm chính là bản đồ đất nước như một nét tâm tình của người An Hội.

11/2014

Người thợ nữ đúc đồng tuổi 79

Về làng đúc đồng An Hội ta thường gặp những người thợ tuổi trạc 60. Nghề thủ công đòi hỏi hoa tay và sự say mê cần thợ bậc cao. Nhưng, người thợ  tuổi 79 quả thật làm tôi ngạc nhiên. Cụ tên Nguyễn Thị Nhị, sinh năm 1935, ngày ngày vẫn miệt mài hoàn thiện khuôn đúc để chuẩn bị đổ đồng. Cụ bảo: “Tôi làm nghề hơn 40 năm. Tôi yêu nghề này lắm, chú không tin cứ hỏi mọi người. Ngày chủ nhật nhiều người nghỉ, riêng tôi đi làm suốt”.

Những chiếc lư đồng mang bản đồ Tổ quốc ảnh 1Trước năm 1975, cụ sống cuộc đời nhàn rỗi, chồng nuôi, chỉ ở nhà lo việc cơm nước. Sau này vì nhà đông con cháu, ở nhà lại thấy buồn, chưa kể cuộc sống sau giải phóng nhiều thay đổi, phụ nữ xông pha xã hội nhiều, cụ bèn xin một chỗ trong lò đúc. Cụ bảo: “Nghề này đòi hỏi khéo. Tôi phải xem từng vết nứt để gia cố cho các khuôn đất, nếu sơ suất khi đổ đồng sẽ bị hư, nứt vỡ”.

Cụ vẫn miệt mài từ sáng đến tối: “Tôi không còn làm nhanh như xưa, mỗi tháng chỉ nhận được khoảng 3 triệu tiền lương tính theo sản phẩm, nhưng vẫn còn khỏe, một mình vác cả nhưng khuôn đúc rất to”. Mấy chị cùng làm khuôn, trạc tuổi cháu cụ, bảo: “Bà siêng quá, chúng cháu không thể theo được bà đâu”.

Bà cụ bảo: “Tính cả hai đứa con trong bụng mẹ chúng thì tôi hiện có 12 đứa chắt. Các con không cho đi làm nữa, nhưng ở nhà nằm lắm đau lưng, ông chồng thì mất lâu rồi”. Cụ rất tự hào về truyền thống của làng giữa thành phố đô hội, bảo: “Nghề đúc đồng làng tôi đã hơn 200 năm, chỉ riêng đây có”.

MỚI - NÓNG