Những cầu, hầm vượt sắp 'giảm nhiệt' cho giao thông Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TP - Qua khảo sát và trực tiếp đo đếm lưu lượng xe tại một số tuyến đường, nút giao trung tâm, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có hàng chục vị trí lưu lượng phương tiện vượt gấp nhiều lần năng lực thiết kế mặt đường, cầu. Đây là nguyên nhân gây ra sức nóng, tình trạng ùn tắc kéo dài. Được liệt vào danh sách dự án cấp bách, trọng điểm, một số công trình cầu, hầm vượt đang thi công ngày đêm để “cán đích”, sớm giúp giảm nhiệt cho giao thông Thủ đô.

Cầu Vĩnh Tuy 2: Giải quyết quá tải xe vượt 6,3 lần

Là công trình giao thông trọng điểm (nhóm A), sau 11 tháng khởi công (1/2021), hiện dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Vĩnh Tuy 2) đã có trên 80% trụ cầu đã được đổ, đường dẫn vượt bãi sông đã được gác dầm… Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Chủ đầu tư) cho biết, theo tiến độ, cầu có thời gian thi công 24 tháng và dự kiến hoàn thành vào quý III/2023 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, cầu Vĩnh Tuy 2 là dự án trọng điểm của thành phố, việc hoàn thành dự án vừa giúp giảm ùn tắc giao thông tại đây vừa giúp thành phố “khép” kín được mắt xích cuối cùng tại dự án đường Vành đai 2 để hoàn thành đồng bộ cả tuyến đường dài 43 km.

Những cầu, hầm vượt sắp 'giảm nhiệt' cho giao thông Hà Nội ảnh 1
Toàn cảnh công trường hầm chui Lê Văn Lương đang thi công. Ảnh: Trọng Đảng

Đề cập đến quá trình thi công dự án cầu Vĩnh Tuy 2, ông Đỗ Đức Long, đại diện đơn vị Tư vấn giám sát thi công dự án cho biết, dự án nằm trong nội đô thành phố, lại triển khai trong điều kiện vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông trên cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 và tàu thuyền dưới sông Hồng qua lại bình thường là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 11 tháng khởi công, hình hài cầu Vĩnh Tuy 2, trong đó có đoạn cầu dẫn vượt bãi sông phía Long Biên đã hình thành hàng trăm mét. “Những kết quả thi công này đã giúp cho cả dự án đạt khối lượng 40%, riêng hạng mục (gói thầu) cầu cạn phía Long Biên đang vượt tiến độ so với kế hoạch 2 tháng”, ông Đỗ Đức Long đánh giá.

Đại diện Ban Giao thông Hà Nội cho biết, với mục tiêu giải quyết ùn tắc, giảm áp lực giao thông, hiện tại đơn vị cũng triển khai một số công trình, dự án giao thông cấp bách khác thành phố đã có chủ trương, trong đó có cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, cầu vòm sắt dành cho xe máy vượt hồ Linh Đàm. Với cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Ban Giao thông cho rằng, đã được triển khai thi công tháng 11/2021 và có tiến độ hoàn thành tháng 6/2022, hiện tiến độ này vẫn được đảm bảo; tại dự án cầu vòm sắt dành cho xe máy vượt hồ Linh Đàm, dự án đang lao lắp các dầm cầu và dự kiến sẽ thông xe trong quý I/2022.

Cũng theo ông Long, với điều kiện thi công như trên, ban đầu Tư vấn lập dự án đưa ra thời gian thi công là 36 tháng, tuy nhiên do mức độ cấp thiết của công trình (cầu Vĩnh Tuy 1 đang quá tải lưu lượng xe, dự án đường Vành đai 2 cả trên cao và dưới thấp sắp hoàn thành) nên lãnh đạo Thành phố đã yêu cầu có giải pháp thi công theo hướng “co” thời gian thực hiện dự án xuống còn 24 tháng.

Sau khi hoàn thành, cầu Vĩnh Tuy sẽ là cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất tại Hà Nội: gần 40 mét, tương ứng 8 làn xe ô tô, giảm ùn tắc giao thông thường xuyên đang diễn tại cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1. Cho ý kiến về lưu lượng xe tại cầu Vĩnh Tuy hiện nay, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đang quá tải so với tiêu chuẩn thiết kế về lưu lượt xe 6,3 lần.

Những cầu, hầm vượt sắp 'giảm nhiệt' cho giao thông Hà Nội ảnh 2

Cầu Vĩnh Tuy 2 nằm sát cầu Vĩnh Tuy 1 đang dần hiện hình

Hầm Lê Văn Lương: Xóa “điểm đen” ùn tắc

Dự án hầm chui Lê Văn Lương vượt ngầm đường Vành đai 3 được đại diện UBND thành phố Hà Nội là Ban Giao thông khởi công tháng 10/2020, đến nay sau hơn 1 năm thi công, trong đó có việc di chuyển công trình ngầm nổi, đến nay dự án đã bắt đầu thi công gói thầu chính - đào hầm chui vượt Vành đai 3.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Đức Quỳnh - Tư vấn giám sát dự án hầm chui Lê Văn Lương cho biết, khác với hầm Thanh Xuân, Trung Hòa (cùng nằm trên tuyến Vành đai 3), hầm chui Lê Văn Lương đang phải thi công trong điều kiện khó khăn nhất, gồm mặt bằng dự án nhỏ hẹp nhất, công trình ngầm nhiều nhất, bao gồm phải di chuyển, hạ ngầm lại các đường cáp ngầm điện cao thế 220kV, 110kV, trung thế 22Kv; các đường ống ngầm cấp, thoát nước D150, D200, D400, D800. Ngoài ra, dự án cũng phải thi công trong điều kiện khắc nghiệt nhất: dịch COVID-19 kéo dài từ lúc khởi công đến nay, khiến dự án vừa phải thực hiện “3 tại chỗ”, vừa phải thi công giãn cách; tổ chức, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt tại nút giao thông thuộc “tốp” lớn nhất thành phố.

Những cầu, hầm vượt sắp 'giảm nhiệt' cho giao thông Hà Nội ảnh 3
Để đảm bảo tiến độ và an toàn chung, dự án cầu Vĩnh Tuy đang có 500 cán bộ, CNV thi công ngày đêm theo phương án “3 tại chỗ”

Tuy nhiên, đề cập tiến độ dự án đến thời điểm hiện nay, ông Trần Đức Quỳnh cho hay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với việc thi công 3 ca liên tục cả ngày đêm và gần 100 cán bộ, kỹ thuật, công nhân viên thường xuyên ở lại công trường theo phương án “3 tại chỗ” đến nay dự án đã hoàn thành một số hạng mục quan trọng. Trong đó có hoàn thiện đường hai bên cánh gà để tổ chức giao thông, giúp người dân đi lại qua khu vực công trường không bị ảnh hưởng; di chuyển công trình ngầm nổi, trong đó có 2 đường cống hộp 2,8x2,8m và 2,5x2,5m… giúp dự án có mặt bằng để thi công hầm chính.

Những cầu, hầm vượt sắp 'giảm nhiệt' cho giao thông Hà Nội ảnh 4
Dựng ống và vách ngăn nước để đổ trụ cầu Vĩnh Tuy 2 vượt sông Hồng

Đề cập đến tiến độ dự án, đại diện Ban Giao thông (chủ đầu tư) cho biết, công trình vẫn đang đáp ứng tiến độ, đảm bảo đến quý IV/2022 hầm chui Lê Văn Lương sẽ thông xe, giúp giải quyết điểm đen ùn tắc, xung đột giao thông đã tồn tại nhiều năm nay tại nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3.

MỚI - NÓNG