Những câu chuyện đời thường với bác Văn

Những câu chuyện đời thường với bác Văn
TP - Tôi chỉ là người may mắn, nhờ mối quan hệ gia đình mà có điều kiện nhiều lần được gặp gỡ bác Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ khi là cậu bé con cho tới lúc trở thành người làm báo chuyên nghiệp. Đặc biệt là trong thời gian tôi công tác ở báo Tiền Phong.

> Tướng Giáp với Đặng Tiểu Bình, McNamara và Brezjinski
> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ba lần xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time

Lời nhắc nhở nhẹ nhàng

Lần đầu được làm việc với bác Văn là vào dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, khi ấy tôi mới là người viết báo a-ma-tơ. Bác Văn kể cho tôi nghe kỷ niệm lần đầu tiên ông đến Sài Gòn khi mới ngoài 20 tuổi.

 “Tôi nghĩ rằng, bác Văn là người có tiên cảm đặc biệt nhạy bén về những điều sắp xảy ra trong tương lai. Cha tôi trước khi qua đời vẫn mang một hoài bão chưa hoàn thành, đó là viết một bộ sách bao quát toàn bộ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà nhân vật trung tâm là Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”. 

Ông kể từng chi tiết chuyến đi cách đó hơn 60 năm với một trí nhớ phi thường, những đoạn nói thêm ngoài lề ông đưa tay che micro máy ghi âm lại. Trong bài viết, ở đoạn cuối, tôi mạnh dạn tái tạo một chút tình tiết trước khi rời Sài Gòn, ông tìm đến bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, bâng khuâng nhìn theo những con tàu đang ra khơi.

Bản thảo trình lên ông xem lại trước khi đi nhà in. Các phần khác ông thông qua nhanh, riêng đoạn cuối ông sửa khá nhiều bằng bút đỏ: “Chuyện thì đúng như vậy, nhưng đoạn này cháu viết hơi… xáo. Viết văn và “làm văn” khác nhau, biết không”.

Bài báo ấy in trên Tiền Phong Chủ nhật, trung tướng Hồng Cư đọc và khen là đã khai thác được một tư liệu quý. Nghĩ lại việc làm “liều lĩnh” của mình, tôi mới thấy toát mồ hôi. Bác Văn đã dạy cho tôi một bài học nghề nghiệp nhẹ nhàng mà sâu sắc, bởi bác cũng từng là người đã viết báo từ khi còn rất trẻ.

Cha tôi nhà văn Hữu Mai, sau nhiều năm làm việc với bác Văn về các tập hồi ký mà ông là người thể hiện, nhận xét, khi viết câu, Đại tướng đặc biệt không thích ba dấu chấm lửng (…), trừ trường hợp thật cần thiết. Với bác Văn mọi thứ phải luôn rõ ràng, dứt khoát, không chấp nhận nước đôi.

Bác Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng thích những món ăn dân dã, nhất là cá kho. Vì vậy khi nào mua được cá ngon, mẹ tôi thường kho một nồi to, sai tôi mang vào 30 Hoàng Diệu.

Một lần như vậy, buổi tối mùa đông, tôi đến, gặp bác Văn đang đi dạo trong vườn nhà. Bác vẫy tay cho đi cùng một quãng. Trước khi tôi về, bác dặn: “Nhắc bố cháu giữ gìn sức khỏe để còn làm việc lâu dài. Nói với bố, bác vẫn khỏe, không có bệnh tật gì, nhưng đó là sức khỏe của một người ngoài chín mươi”.

Tôi không thật hiểu lắm câu nói này nhưng về vẫn “báo cáo” lại nguyên văn. Cha tôi nghe xong, không nói gì, chỉ lẩm nhẩm gật đầu. Sau này tôi mới biết đó là lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Hình như còn những kế hoạch và dự định mà hai ông đã bàn kỹ từ trước nhưng chưa thực hiện xong.

Vị Đại tướng vĩ đại ở những điều giản dị

Đại tướng trao đổi cùng các cộng sự tại phòng làm việc (chụp khoảng năm 1998)
Đại tướng trao đổi cùng các cộng sự tại phòng làm việc (chụp khoảng năm 1998).

Cha tôi thường nói rằng Đại tướng là người rất có “uy” với lính. “Uy” ở đây phải hiểu theo hai nghĩa. Một là, uy tín tuyệt đối của ông trong quân đội. Hai là, thần thái uy nghi toát ra từ con người ông.

Những lần đến nhà bác Văn, tôi để ý có một sự lạ. Từ các cậu cảnh vệ trẻ măng đến những đồng chí trợ lý tuổi còn nhỏ hơn tôi, khi xưng hô đều gọi là “anh Văn, chị Hà” trong khi lại gọi các con Đại tướng là “cô Hồng Anh, chú Điện Biên…”.

Tìm hiểu thì được biết, đó là quy định rất rõ ràng mà mọi người phải chấp hành. Bởi vì, dù là những sinh hoạt đời thường, phục vụ Đại tướng hằng ngày, nhưng mỗi chiến sĩ đều đang làm công việc quân sự với anh Văn nên phải tuân thủ tác phong quân đội.

Còn nhớ, cách đây vài năm, Thư viện Quân đội tổ chức một cuộc hội thảo về Tổng tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có một vị tướng lên phát biểu, bày tỏ sự khâm phục với những người giúp Đại tướng viết hồi ký.

Ông nói, để được Đại tướng thông qua hàng ngàn trang sách là việc không hề dễ! Ông thành thực: “Bản thân tôi khi còn là trợ lý cho Đại tướng, chỉ viết một cái công văn mà ông cụ bắt sửa lại tới bốn, năm lần, mỗi lần trình lên là một lần lo sốt vó!”.

Năm 2004, vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bác Văn tuổi đã ngoài 90, nhưng lịch làm việc với các đoàn ra, đoàn vào, các hội thảo quốc tế dày đặc. Cũng vào dịp này, trên báo Tiền Phong đăng bài viết về chị Ngô Thị Thương, o dân quân đã có công tìm ra cách đánh máy bay tầm thấp.

Đây là chiến thuật rất khó đối phó vì khi phát hiện ra thì máy bay địch đã vào oanh tạc rồi. Thế mà một o dân quân ở Hà Tĩnh lại làm được, góp phần đánh bại chiến thuật máy bay bay thấp trong chiến lược chiến tranh phá hoại trên toàn miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Ngày ấy, Đại tướng đã ra lệnh khen thưởng o dân quân huân chương quân công, nhưng thủ tục làm chưa kịp. Thế rồi chiến tranh kết thúc, không ai biết tung tích của cô gái ấy ở đâu cho đến khi báo Tiền Phong phát hiện ra và tìm thấy chị Thương.

Dù rất bận, nhưng bác Văn đã dành thời gian tiếp và mời chị Thương ăn một bữa cơm gia đình. Bác nói: “Tuy là sáng kiến của một cô gái, nhưng khi mang tầm vóc trí tuệ của dân tộc thì có ý nghĩa hết sức lớn lao. Bác Hồ đã nói, có dân là có tất cả. Trong chiến tranh tôi luôn bám sát tư tưởng chỉ đạo này…”.

Dự bữa cơm với gia đình Đại tướng, o Thương xúc động hầu như không ăn được gì. Bác Văn nhắc lại lời khen ngợi o từ mấy chục năm trước: “Em là một nhà triết học, vì em đã biết phát hiện ra quy luật, không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ và đánh thắng Mỹ”.

Cha tôi mất giữa năm 2007. Cuối năm 2008, bác Văn đã 98 tuổi, lại có nhiều tin đồn về tình trạng sức khỏe của bác. Tòa soạn báo Tiền Phong cử tôi và phóng viên Hồng Vĩnh vào thăm ở khu điều trị công nghệ cao Bệnh viện 108. Có một tình tiết mà Hồng Vĩnh đã ghi lại bằng hình ảnh. Tay phải bác Văn nắm lấy tay tôi, tay trái bác xoa má, vuốt tóc tôi, nói nhỏ, chậm rãi: “Gặp cháu, tôi nhớ anh Mai”. Câu nói rất ngắn gọn, nhưng ân tình này, mỗi khi nhớ lại, nước mắt tôi như muốn trào ra.

Bức ảnh độc đáo

Chơi đàn piano và thiền là hai hình thức giải trí và tập luyện của bác Văn những lúc rảnh rỗi. Đặc biệt là thiền định. Anh Võ Hồng Nam kể với tôi, trong những năm tháng cuối cùng khi đã phải điều trị tích cực, hằng ngày bác Văn vẫn duy trì tập thiền.

Cha tôi từng kể rằng, cách đây nhiều năm, có một bác sĩ rất giỏi thuộc Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc sang Việt Nam, đã đến thăm và khám kiểm tra sức khỏe cho bác Văn. Ông bắt mạch và hỏi Đại tướng có tập luyện môn thể thao nào không.

Bác Văn đáp, tập thiền. Ông đề nghị Đại tướng ngồi thiền cho mình xem. Sau khi quan sát, ông bác sĩ này nói phương pháp thiền của Đại tướng thuộc một dòng thiền rất cao, tập đều sẽ ích lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, cách tập của Đại tướng còn thiếu một số động tác, ông xin được dạy bổ sung. Căn cứ vào thể trạng hiện nay thì Đại tướng sẽ sống ngoài một trăm tuổi.

Khi ấy, nhiều người nghĩ đó là lời động viên trên cương vị của một thầy thuốc. Hôm nay nhớ lại chuyện này, mới thấy lời tiên đoán đó hoàn toàn chính xác!

Cách đây quãng 10 năm, sau khi cùng cha tôi và gia đình bác Văn ra Hạ Long làm việc, kết hợp nghỉ ngơi, trở về mẹ tôi hớn hở khoe mình chụp được một bức ảnh rất “độc”. Tôi không tin lắm, khi “nhiếp ảnh gia” là mẹ tôi, một người đã ngoài 70 tuổi và hầu như không am hiểu công nghệ. Hóa ra tôi nhầm, đó là một bức ảnh rất đẹp, không phải nhờ bố cục, màu sắc, ánh sáng…

Bức ảnh bác Văn đang ngồi thiền trên ghế sa-lông trong phòng khách khu nghỉ dưỡng của Bộ tư lệnh Hải quân. Thiền có thể giúp người tập kéo dài tuổi thọ. Thế nhưng tôi nghĩ thiền còn giúp người ta duy trì thông tuệ và vững vàng vượt qua những khó khăn cân não, luôn thể hiện sự thanh thản với nụ cười trên môi.

Trước đây từng có thông tin Đại tướng muốn khi trăm tuổi được yên nghỉ giữa lòng bà con các dân tộc Việt Bắc. Đã có một khu đất được quy hoạch cách Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) không xa mà người dân trìu mến gọi là “Nghĩa trang Đại tướng”.

Còn theo thông báo chính thức của BCH Trung ương Đảng về việc cử hành tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ý nguyện của Đại tướng và gia đình là được an táng tại nghĩa trang quê nhà, tỉnh Quảng Bình. Những ngày này, cả đất nước và thế giới bàng hoàng trước sự ra đi của một trong những vị tướng được vinh danh vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

Tôi được đọc, nghe, xem nhiều hồi ức, tư liệu công phu, sâu sắc, trí tuệ và xúc động về cuộc đời và thiên tài Võ Nguyên Giáp. Phần mình, xin ghi lại những câu chuyện nhỏ từ vùng lưu trữ riêng tư, đặc biệt trong thời gian đang làm việc ở báo Tiền Phong để sẻ chia một tiếp cận đời thường với một danh tướng tầm vóc vượt thời gian và thời đại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG