Những 'bông hoa thép' của Cảnh sát đặc nhiệm

Nữ Cảnh sát đặc nhiệm tập luyện chặt gạch trên cánh tay.
Nữ Cảnh sát đặc nhiệm tập luyện chặt gạch trên cánh tay.
Tóc dài ngang vai, mặt rạng ngời xuống phố vào ngày nghỉ cuối tuần, những cô gái xinh đẹp hòa vào dòng người hối hả. Mấy ai biết họ là những “bông hoa” đầy hương sắc trong Trung đội nữ Cảnh sát đặc nhiệm.

Một chiều rét đậm, chúng tôi theo đoàn cán bộ cấp cao đã đến thăm và kiểm tra công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, đóng ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Các đại biểu đã được thưởng thức những màn biểu diễn “nín thở” và “thót tim” của lính đặc nhiệm. Sau những màn dùng kiếm nhọn đẩy ôtô, nằm trên thủy tinh công phá bê tông trên bụng… đầy ngoạn mục của chiến sĩ nam là màn biểu diễn của những nữ chiến sĩ. Ai nấy đều hồi hộp và có chút lo lắng.

Khi Thiếu úy Mai Thu Trang (Trung đội phó) và đồng đội bắt đầu màn leo dây, leo gậy, leo thang lên xuống nhà cao tầng cao hơn 30 mét, mọi ánh mắt đều chăm chú theo dõi với niềm ngưỡng mộ. Tiếp đó là màn biểu diễn khí công công phá bê tông của Thiếu úy Nguyễn Thị Lê Giang (Trung đội trưởng) lại là những phút giây nín thở.

Cô gái nhỏ nhắn, mảnh mai nằm trên hàng trăm mảnh thủy tinh với khối bê tông gần 80kg đè lên ống chân để đồng đội giơ búa tạ đập vỡ tan. Có khán giả vì yếu bóng vía, lần đầu chứng kiến sức mạnh phi thường từ phái yếu đã phải nhắm mắt lại không dám nhìn. Có người vì quá lo lắng đã phải hô to “dừng lại”…

Nhưng không hề gì, những cô gái giàu bản lĩnh ấy đã nở nụ cười rạng rỡ chào khán giả trong tràng vỗ tay ngưỡng mộ. Để có được những thành tích đáng nể như vậy, mấy ai biết rằng, họ đã phải trải qua những tháng ngày đẫm mồ hôi và nước mắt luyện tập trên thao trường. Trò chuyện cùng Thu Trang, cô gái Sơn La có nước da trắng ngần, đôi má luôn ửng hồng, miệng cười thật tươi kể về những ngày đầu trở thành lính đặc nhiệm. Rời ghế nhà trường, Trang trở thành học viên của Trường trung cấp vũ trang.

Ngày đầu tập luyện, cô và những người bạn lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Đêm ngủ cũng mơ về những bài tập, toàn thân đau ê ẩm, da thịt bị trầy xước và có rất… nhiều sẹo. Thế rồi, sự mềm yếu vốn dĩ của con gái đã phải nhường chỗ cho bản lĩnh và ý chí, nếu muốn trở thành lính Cảnh sát đặc nhiệm giỏi. Quyết tâm rèn luyện ý chí, đều đặn ngày 3 lần sáng-chiều-tối phải ngồi thiền từ 30 đến 60 phút học cách vận khí để tránh bị thương.

Để làm quen với khả năng chịu đựng sức nặng của cơ thể, Trang và đồng đội phải thường xuyên đặt các tấm bê tông nặng từ 20-30 kg lên tay, chân, tĩnh tâm tập trung vào cánh tay, đôi chân cho cứng lại, bụng gồng lên. “Đối với màn xuống dây ở tòa nhà cao tầng có độ cao 30m, không chỉ cần lòng dũng cảm, mà cần chính xác đến từng centimét”, Trung đội trưởng Nguyễn Thị Lê Giang chia sẻ.

Để có thể ra quân làm nhiệm vụ, Lê Giang luôn động viên đồng đội trong Trung đội thường xuyên luyện tập nhuần nhuyễn các nội dung vận động. Họ đã phải học tập ở mọi điều kiện thời tiết, kể cả lúc nhiệt độ ngoài trời nóng hầm hập tới 39 độ C, lạnh thấu xương dưới 8 độ C. Những ngày gió nồm, trời “toát mồ hôi”, mưa xối xả cũng vẫn thực hiện các động tác bò, lê, đi, quỳ chiến thuật như lúc bình thường. Đã có Tết, các cô gái này luyện võ thuật xuyên Tết, các buổi hành quân dã ngoại ai cũng phải đeo ba lô 15kg, kéo vali đi bộ gần 10km…

Giống như cánh mày râu, trong các đợt hành quân dã ngoại, nữ chiến sĩ đặc nhiệm cũng đặt chân tới nhiều miền rừng núi hiểm trở suốt thời gian dài. Từng ngủ nhà lều, mắc võng ngoài trời là chuyện bình thường của nữ Cảnh sát đặc nhiệm. Ấn tượng với môn bơi đặc nhiệm (chỉ học vào mùa đông), Lê Giang khẽ nhún vai vì cái lạnh thấu xương. Những ngày mưa gió thì cái lạnh đến độ nghẹt thở, có chị tím tái không nói được.

Những ngày đầu tập luyện môn này hầu như ai cũng bị uống nước. Có khi lặn xuống bị quấn dây thép gai chảy máu mà không hay biết, lúc lên bờ mới thấy vết xây xước nhằng nhịt ở chân… Lê Giang cảm nhận, phải dày công luyện tập, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách, vượt qua nỗi sợ hãi yếu mềm của bản thân để khổ luyện, 100% nữ chiến sĩ đã thành công, điêu luyện trong thực hiện nhiệm vụ.

Kể về những lần ra quân phối hợp đánh án, Lê Giang hào hứng kể về việc phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự trong triệt phá hai sới bạc lớn tại  Chùa Dận (Bắc Ninh) và ở xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội). Đó là một kỷ niệm khó có thể quên trong đời. Hôm ấy đúng ngày sinh nhật của Giang, mẹ cô từ thành phố Hồ Chí Minh ra dự sinh nhật con gái. Bà hào hứng chuẩn bị quà chu đáo, vì thương con gái vất vả cả năm ăn ở tập trung tại doanh trại, nhưng không gặp được.

Giang được lệnh lên đường đi làm nhiệm vụ. Dẫu thương mẹ nhưng Giang cũng rất vui vì được đi làm án, được trải nghiệm những gì cô dày công luyện tập. Bất ngờ hơn, khi Ban chỉ huy Tiểu đoàn còn mua tặng cô 8 con gà nhân ngày sinh nhật. Dù phải ăn ngủ ở rừng, thức liền mấy đêm để quản lý số đối tượng đánh bạc là nữ, nhưng Giang không hề mệt mỏi. Được tổ chức sinh nhật giữa rừng, trong tình đồng đội, đó là kỷ niệm đáng nhớ trong đời.

Lúc tham gia vụ bắt đối tượng buôn lậu lớn tại của khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), đối tượng có súng nên các nữ chiến sĩ phải mặc áo giáp, mang theo súng. Quên cả đói rét, ngủ ở lán giữa rừng “coi” đối tượng buôn lậu, nhiều nhu cầu tạm gác lại… “Đi làm án tuy gian khổ, nguy hiểm nhưng cũng là những trải nghiệm thật khó quên…”, Lê Giang chia sẻ. 

Theo Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.