Những biểu hiện tranh thủ phiếu bầu được khắc phục

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Như Ý
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Như Ý
TP - Thông tin về kết quả đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020- 2025 tại Hội nghị báo cáo viên tháng 11 do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức, sáng 12/11, ông Nguyễn Quang Dương, Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, công tác chuẩn bị nhân sự kỳ này được các cấp ủy đặc biệt coi trọng, những biểu hiện tranh thủ phiếu bầu cơ bản được kiềm chế, khắc phục.  

Theo ông Nguyễn Quang Dương, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội được các cấp ủy đặc biệt coi trọng và chỉ đạo thực hiện chặt chẽ theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Việc bổ sung quy hoạch nhân sự cấp ủy được đảm bảo, riêng cấp Trung ương bổ sung trên 2.800 lượt cán bộ. Các cấp ủy đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm từng bước đổi mới các khâu trong công tác cán bộ; coi trọng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và xử lý sai sót, vi phạm, nhất là những nơi còn đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội.

Đặc biệt, theo ông Dương, việc bầu bí thư, phó bí thư cấp ủy đúng phương án nhân sự đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ở các đảng bộ trực thuộc T.Ư, tất cả các trường hợp được giới thiệu bầu làm cán bộ chủ chốt như bí thư, phó bí thư được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt đều trúng cử, nhiều trường hợp trúng cử rất cao, đạt 100%.

Cũng theo ông Dương, số bí thư cấp ủy ở các đảng bộ trực thuộc T.Ư có 9 người là nữ, tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước; 27 bí thư không là người địa phương, tăng 11 người (tăng 68%). Về trình độ, có 51 bí thư có trình độ thạc sĩ trở lên, tăng 9 trường hợp, bằng 21% so với nhiệm kỳ trước; có 28 bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư từ 50 tuổi trở xuống, tăng 15 người. Có 1.600 cấp ủy cơ sở và 122 đảng bộ cấp huyện bầu trực tiếp bí thư tại đại hội.

Nói thêm về tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy, ông Dương cho hay, kỳ này, T.Ư có quy định cụ thể bằng Quyết định 89 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng tiêu chí đánh giá cán bộ quản lý các cấp. Bộ Chính trị có Quy định 214 về Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện T.Ư quản lý và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức T.Ư. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đã cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy viên theo phân cấp quản lý. Điều này đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, những biểu hiện tranh thủ phiếu bầu cơ bản được kiềm chế, khắc phục. “Quy định đảm bảo thống nhất, chặt chẽ và là cơ sở để các cấp rà soát, sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng cán bộ. Điều này vừa mở rộng dân chủ, công khai minh bạch, khách quan, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy, khắc phục được tình trạng cục bộ, áp đặt, lợi ích nhóm và vận động không trong sáng”, ông Dương cho hay.

Tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua thực hiện, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự...

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.