Từ một lực lượng pha tạp gồm các phi công kỳ cựu thời Chiến tranh Thế giới thứ hai cùng với các máy bay cũ kỹ, IAF đã phát triển vượt bậc trở thành một trong những lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới.
Kể từ khi ra đời đến nay, IAF đã chứng tỏ là lực lượng phòng thủ hữu hiệu của Israel với khả năng yểm trợ đường không chặt chẽ cho lực lượng mặt đất, đồng thời tung ra những đòn tấn công uy lực vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Trong ba thập kỷ qua, lực lượng này cũng đóng vai trò chống khủng bố, sử dụng các đòn không kích để ám sát các thủ lĩnh khủng bố và phá hủy các kho vũ khí trải dài từ Tunisia đến Sudan.
Theo ước tính, IAF hiện có 648 máy bay các loại, được bảo dưỡng và vận hành bởi 35.000 quân thường trực. Bên cạnh đó còn có lực lượng dự bị gồm 24.500 người có thể huy động trong thời chiến. Lúc tổng động viên, bình quân mỗi máy bay có khoảng 91 người phục vụ, cao hơn nhiều so với con số 30 người của Không quân Ai Cập và 38 người của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia.
Thực tế các cuộc chiến tranh và xung đột với Palestine nói riêng và thế giới Arab nói chung đã cho thấy Israel sở hữu 5 thứ vũ khí đầy uy lực giúp nước này thống trị vùng trời Trung Đông. Đó là:
Israel tiếp nhận những chiếc F - 15 Eagle đầu tiên trong khuôn khổ chương trình "Peace Fox" (Cáo Hòa bình). Bốn chiếc F - 15A, phiên bản tiền thân của loại F - 15C sau này, được chuyển giao vào ngày 10/12/1976. Vào thời điểm đó, Tham mưu trưởng Không quân Israel, Trung tướng Mordecai Gur, đã tuyên bố rằng "một quốc gia có trong tay các máy bay chiến đấu F - 15 sẽ khác hẳn với những quốc gia không sở hữu nó". Và cuối cùng, Không quân Israel được trang bị tới 58 chiếc F - 15.
Rất nhiều phi công Israel đã lái những chiếc máy bay đó, thứ vũ khí mà IAF dự đoán rằng sẽ tạo cho Israel ưu thế vượt trội về không quân, không những trên không phận nước này mà bao trùm toàn bộ vùng trời Trung Đông. Israel đã không sai. Ngày 2/6/1979, 6 chiếc F - 15 làm nhiệm vụ yểm trợ đường không trong cuộc chiến chống Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bắn hạ 5 chiến đấu cơ MiG - 21 chỉ trong một lần xuất kích. Chỉ 3 tháng sau, thêm 4 chiếc Mig - 21 bị bắn rơi bởi những chiếc F - 15. Trong cuộc chiến tranh Lebanon từ năm 1976 đến cuối năm 1982, các chiến đấu cơ F - 15 đã bắn rơi tổng cộng 58 máy bay của đối phương mà không chịu bất kỳ tổn thất nào.
Theo thời gian, các máy bay F - 15A đã dần dần được nâng cấp lên phiên bản F - 15C. Các chiến đấu cơ F - 15 Baz tiếp tục tạo ra ưu thế áp đảo về không quân cho Israel.
F - 15I Ra'am - phiên bản của máy bay tấn công tầm xa F - 15E Strike Eagle (Đại bàng Tấn công) dành cho Israel - là máy bay chiến đấu đa năng có thể tạo ra ưu thế áp đảo trong không chiến cũng như trong các phi vụ tấn công mặt đất. Israel công bố ý định mua các phiên bản Ra'am đầu tiên vào năm 1994 sau khi nhận ra sự thiếu hụt các máy bay tấn công tầm xa có khả năng bắn hạ các tên lửa hành trình Scud của Iraq trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Tổng cộng Israel đã mua 25 chiếc F - 15I Ra'am và việc chuyển giao được hoàn tất vào năm 1998. Những chiến đấu cơ này được trang bị các tên lửa không đối không gồm tên lửa tầm ngắn Python và tên lửa tầm trung AMRAAM. Các vũ khí không đối đất của F - 15I Ra'am gồm có bom điều khiển bằng laser, tên lửa Popeye, các loại bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM (GBU - 31 và GBU - 38). Phiên bản dành cho Israel này còn có hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống hiển thị các thông số tích hợp trên mũ phi công, hệ thống thu thập và truyền tải dữ liệu.
Chiến đấu cơ hai chỗ ngồi F-16I Sufa là biến thể của máy bay chiến đấu đa năng F-16 Block 52, đồng thời cũng có thể tiến hành các sứ mệnh oanh tạc.
Giống như các máy bay tiêm kích F-16 Block 52, thân máy bay F-16I được lắp thêm các bình nhiên liệu phụ để tăng tầm hoạt động. Công nghệ của Israel tích hợp trong chiếc Sufa bao gồm công nghệ hiển thị kính lái, liên lạc qua vệ tinh, thiết bị dẫn đường và chỉ thị mục tiêu Litening II. Vũ khí trang bị trên máy bay bao gồm tên lửa không đối không tầm ngắn Python 5, bom điều khiển bằng laser và bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM.
Các chuyên gia nhận định Israel hiện có khoảng 99-100 chiếc Sufa. Ngoài ra, Israel cũng đã đặt mua 243 chiếc F-16A/B/C, đưa phi đội máy bay F-16 của Israel trở thành lực lượng F-16 lớn nhất thế giới sau Không quân Mỹ. Trong bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Israel nhằm vào Iran, các chiến đấu cơ F-16I nhiều khả năng sẽ đóng hai vai trò: đập tan hệ thống phòng không của Iran và sau đó là hỗ trợ các máy bay F-15I tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Trực thăng tấn công AH-64 Seraph (“Winged Serpent” - Rồng có cánh)
Quân đội Israel được trang bị 42 trực thăng tấn công AH-64A Apache. Mẫu máy bay "A" là trực thăng Apache nguyên thủy, lạc hậu hơn so với loại AH-64E Guardian - phiên bản mới nhất của quân đội Mỹ. Những chiếc AH-64A được mua vào cuối những năm 1980 và phiên bản cổ nhất của loại trực thăng này có tuổi thọ ít nhất là 25 năm.
Phiên bản Apache AH-64D (Seraph) được phiên chế trong Không quân Israel vào năm 2004. Những chiếc trực thăng Seraph đã được sử dụng trong các chiến dịch chống khủng bố và các cuộc xung đột trong thời gian gần đây, phát huy khả năng trinh sát và tiến hành các cuộc tấn công ám sát. Israel đã sử dụng Seraph để tiến hành các cuộc không kích ở khu vực đô thị, nhằm vào các mục tiêu khủng bố ẩn náu trong khu vực dân cư. Các trực thăng Seraph đã giúp tiêu diệt một số thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah, yểm trợ hỏa lực cho các lực lượng mặt đất trong các cuộc chiến chống Hezbollah vào năm 2006, Hamas vào các năm 2008 và 2014.
Israel bắt đầu chương trình hiện đại hóa hệ thống điện tử trên các trực thăng Apache thuộc loại A theo tiêu chuẩn "AH-61Ai". Điều này được cho là nhằm nâng cấp các máy bay này để tương thích với tiêu chuẩn của các trực thăng AH-64D hiện đại hơn. Việc nâng cấp bao gồm hệ thống tác chiến điện tử mới, hệ thống bảo vệ chống tên lửa, các hệ thống kiểm soát chiến đấu và thông tin liên lạc. Máy bay AH-64i được trang bị tên lửa không đối đất tầm xa Spike.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Jericho III
Jericho III là tên lửa thứ ba trong số các công cụ răn đe hạt nhân bố trí trên đất liền của Israel. Giới quan sát cho rằng Jericho III có tầm bắn từ 4.800 - 6.000 km, có khả năng mang đầu đạn với trọng lượng 1 tấn. Với tầm bắn 4.800 km, tên lửa này có thể từ Israel tấn công các mục tiêu trải dài từ Morocco tới phía Đông Ấn Độ, trong khi với tầm bắn lên tới 6.500 km sẽ cho phép tên lửa này tấn công các mục tiêu nằm tận phía Tây Trung Quốc.
Các nguồn tin cho biết tên lửa Jericho III sử dụng nhiên liệu rắn, đồng nghĩa với việc tên lửa này có thể phóng trong thời gian chuẩn bị tối thiểu. Ngoài ra, việc bố trí trong các hầm ngầm cũng cho phép tên lửa Jericho III chống chọi được với các cuộc tấn công. Theo đánh giá, tên lửa Jericho III, cũng như tên lửa Jericho II thế hệ cũ hơn, có thể được bố trí tại căn cứ không quân Palmachim.
Tên lửa Jericho III có thể mang một đầu đạn hạt nhân hoặc 3 đầu đạn trang bị công nghệ MIRV (phương tiện tái nhập khí quyền nhiều mục tiêu độc lập). Hiện chưa rõ đương lượng nổ chính xác của các đầu đạn hạt nhân các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Israel, nhưng các thông tin chưa được xác nhận nói rằng ở mức khoảng 20 kiloton, mạnh hơn so với vụ sức công phá của quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản (16 kiloton).