Những ai không còn đi học, vẫn nên đọc sách

TPO - Sáng 21/4, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức chương trình chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 đồng thời công bố, giới thiệu, tổ chức giao lưu với 10 Đại sứ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại TPHCM nhiệm kỳ 2023-2024.

Trao đổi tại chương trình, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết chương trình 10 Đại sứ Văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023 -2024 do BTC Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam tại TPHCM giới thiệu là những công dân thành phố đến từ các lĩnh vực như nhà nghiên cứu, tác giả sách, nhà báo, học sinh/sinh viên, ca sĩ, diễn viên….

''Tuy công việc khác nhau, các đại sứ đều có chung một đam mê là đọc sách. Các Đại sứ Văn hóa này góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tinh thần hiếu học, những giá trị mà sách mang lại cho chúng ta. BTC mong thông qua sự ảnh hưởng của các đại sứ sẽ lan tỏa bằng những hành động, sản phẩm cụ thể để góp phần phát triển văn hóa đọc của thành phố”, Ông Lâm Đình Thắng nói.

Những ai không còn đi học, vẫn nên đọc sách ảnh 1
Ông Lâm Đình Thắng và cụ Nguyễn Đình Tư. Ảnh: Trọng Thịnh.

Chia sẻ tại cuộc giao lưu, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết dân tộc ta sinh ra ham học, nhưng không phải ai cũng có điều kiện đến trường. Trong khi đó, sách là trường học lớn nhất, là những người thầy hoàn hảo nhất, toàn diện nhất để mọi người cùng học hỏi.

“Những bạn trẻ dù không còn đi học, vẫn nên đọc sách để tiếp tục mở rộng vốn tri thức. Vì chúng ta không bao giờ có thể học hết được từ sách, nên cần học, học mãi, đến già vẫn học" - Cụ Nguyễn Đình Tư nói.

Á hậu Thuý Vân kể cô vừa tốt nghiệp chương trình Cử nhân ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT khi đã ở tuổi 30. Dù trong quá trình đi học, Thuý Vân gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc phải xin bảo lưu kết quả học tập nhưng khi đã tạm ổn định, Á hậu lại học tiếp.

Thúy Vân chia sẻ: "Năm 2019, tôi lập gia đình rồi sinh con. Công việc quá bận rộn nên đã có lúc, tôi tính không theo học nữa. Nhưng rồi có sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã thu xếp để học lại. Tôi luôn tin khi bản thân không ngừng cố gắng trau dồi, trở thành một người có nền tảng tri thức tốt sẽ có cơ hội để thăng tiến trong cuộc sống".

Những ai không còn đi học, vẫn nên đọc sách ảnh 2

Các Đại sứ ra mắt với độc giả.

Bà Phạm Phương Thảo (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM) lại cho biết bản thân bà dành nhiều thời gian cho việc đọc và viết sách.

Theo bà, sách giúp hình thành và phát triển nhân cách, phát triển phẩm chất tốt đẹp của con người. Nhưng không thể hình thành thói quen đọc sách ngay một lúc mà cần phải có thời gian. Trong gia đình, cha mẹ phải giúp cho tuổi trẻ hình thành thói quen đọc sách và xem việc đọc sách là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Độ tuổi cho trẻ làm quen với sách là dưới 6 tuổi và gia đình, nhà trường, xã hội là nơi giúp cho trẻ đến với sách. “Tôi muốn TPHCM trở thành đô thị sách và tôi tin rằng thành phố là trung tâm đô thị sách của Việt Nam và thế giới”.

Nhà báo Trung Nghĩa chia sẻ đọc sách thắp lên niềm hy vọng. "Đọc sách với tôi là duy trì một thói quen, niềm yêu thích tự nhiên từ thuở bé cho đến khi trưởng thành. Đều đặn mỗi năm, tôi mua, đọc khoảng 100 cuốn sách cho dù không phải cuốn nào cũng đọc hết. Tôi chọn đọc kỹ ít nhất 50 cuốn của các tác giả cả trong lẫn ngoài nước, thể loại từ thiếu nhi đến văn học, sách giúp rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống, bút ký và lịch sử. Tôi cố gắng viết bình luận, đánh giá cụ thể về 50 cuốn này để sẻ chia cùng các cộng đồng yêu sách, lan tỏa sách hay, giá trị với mọi người” - anh nói.

Những ai không còn đi học, vẫn nên đọc sách ảnh 3

TPHCM muốn trở thành Đô thị sách của Việt Nam và Thế giới.

Ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm ngoài điểm mới công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc, năm nay bên cạnh các hoạt động trọng tâm, Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại TPHCM đồng loạt diễn ra trên toàn địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện với hơn 150 các hoạt động.

Ông Thắng tự tin cho rằng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại TPHCM sẽ tạo nên một làn sóng và sự cộng hưởng, góp phần lan tỏa văn hóa đọc tại TPHCM, từ đó trở thành “nét son” trong phát triển văn hóa đọc trên cả nước.

Danh sách 10 Đại sứ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại TPHCM nhiệm kỳ 2023- 2024

1. Cụ Nguyễn Đình Tư - nhà nghiên cứu 103 tuổi và tác giả của nhiều công trình nghiên cứu ý nghĩa như bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử.

2. Đồng chí Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, là tác giả của nhiều cuốn sách như Đi qua thời gian, Chuyện ở Phường, Hãy cứ đi về phía Nhân dân, Chuyện về ứng xử văn hóa.

3. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - Nguyên Giám đốc, Tổng Biên Tập Nhà xuất bản Trẻ.

4. Tác giả Trung Nghĩa - chủ nhân của nhiều đầu sách văn hóa, thể thao, du ký, travel Blogger truyền cảm hứng cho giới trẻ.

5. Biên tập viên, Nhà báo, MC Tấn Tài - tác giả dự án Gương mặt truyền hình, tác giả của 2 dự án sách, chủ nhân của nhiều giải thưởng báo chí - truyền hình cấp Quốc gia, TPHCM.

6. Doanh nhân Lê Đăng Khoa - Chủ tịch quỹ Le Group Ventures, là người luôn đề cao sự học khi đồng hành cùng sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - TPHCM với Quỹ học bổng Lê Đăng Khoa, hỗ trợ sinh viên liên tục 5 năm.

7. Á hậu quốc tế Thúy Vân năm 2015 - Nhà sáng lập Quỹ Inspired By SHE, diễn giả của hàng loạt chương trình truyền cảm hứng cho giới trẻ.

8. Ca sĩ Hồ Trung Dũng - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - TPHCM, nghệ sĩ luôn đam mê và đề cao việc đọc sách.

9. Gương mặt vượt qua nghịch cảnh - anh Nguyễn Chánh Tín - tác giả cuốn sách Tôi chọn sống.

10. Bùi Lưu Bảo Khánh - học sinh đạt Giải nhất hội thi Lớn lên cùng sách lần 8.

Những ai không còn đi học, vẫn nên đọc sách ảnh 4

Chuỗi hoạt động hấp dẫn của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023

19/04/2023

Tin liên quan