Nhóm 'quái xế' gây chết người ở Hà Nội: Xử nghiêm để răn đe

TP - Theo quan điểm của chuyên gia tội phạm học và luật sư, hành vi điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách hay tham gia vào đoàn đua xe để thể hiện bản thân, gây hậu quả nghiêm trọng cần phải được xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa các vụ việc tương tự xảy ra.

Ngày 5/11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án hình sự vụ nữ nạn nhân N.N.Q (27 tuổi, ở Hoàn Kiếm) bị nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy với tốc độ cao tông tử vong, xảy ra vào rạng sáng 3/11. Đồng thời, mở rộng điều tra, xác minh một số đối tượng liên quan để xử lý nghiêm theo quy định.

Nhóm 'quái xế' gây chết người ở Hà Nội: Xử nghiêm để răn đe ảnh 1

Nhóm thanh thiếu niên liên quan đến vụ án

Cũng trong sáng cùng ngày, nhiều người thân, hàng xóm tới nhà nạn nhân Q thắp nén nhang cho cô gái và chia buồn, động viên gia đình.

Ngồi trong góc cuối nhà, cô Nguyễn Thị Phượng (mẹ Q) trên khuôn mặt hiện rõ sự buồn bã, đau đớn kể về lần cuối nói chuyện với con vào ngày 2/11. Cô Phượng cho biết, tối hôm đó hai mẹ con còn nói chuyện qua điện thoại.

“Đến 24h, tôi lo lắng gọi điện cho con nhưng không được. Chưa bao giờ tôi gọi điện con không nghe máy. Đêm hôm đó, gọi mấy cuộc con cũng không nghe... Tôi xuống nhà ngồi ở cửa chờ, nhưng chờ mãi không thấy con về”- cô Phượng bật khóc.

Theo cô Phượng, Q rất hiền lành, ngoan ngoãn, không đòi hỏi bố mẹ bất cứ thứ gì. Hiện Q làm công việc chụp ảnh và được mọi người rất quý mến.

“Mấy ngày nay gia đình bận lo việc cho con gái và cũng không nhận được lời động viên, chia buồn hay hỏi thăm từ phía gia đình những người gây tai nạn” - Cô Phượng nói và mong muốn cơ quan chức năng xử lý vụ việc nghiêm minh theo quy định của pháp luật để không xảy ra sự việc tương tự.

Nhóm 'quái xế' gây chết người ở Hà Nội: Xử nghiêm để răn đe ảnh 2

Cô Phượng mẹ nạn nhân Q chia sẻ về con gái

Trước đó, khoảng 0h15 ngày 3/11, Q điều khiển xe máy dừng tại nút giao đèn tín hiệu Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lúc này Q. bị Nguyễn Hồng N (SN 2005, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) điều khiển xe máy chở theo Nguyễn Phương A (SN 2005, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) tông trúng.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Công ty Luật ICC cho biết, trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện trong khi không đủ điều kiện mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác ở mức độ nghiêm trọng như làm chết người, … thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Khi đó, phụ huynh hoặc người đã giao xe cho các cháu cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Chưa dừng lại đó, chị Q tiếp tục bị xe của Nguyễn Tá Minh K. (SN 2008, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) đi phía sau N tông vào. Hậu quả, chị Q. văng ra xa, tử vong tại chỗ còn nhóm thanh thiếu niên rời khỏi hiện trường.

Hậu quả từ những suy nghĩ sai lầm

Nhìn nhận ở góc độ nhà nghiên cứu, Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, các đối tượng có hành vi phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, thậm chí đua xe chủ yếu là thanh thiếu niên. Bởi đây là lứa tuổi hiếu động, thích cảm giác mạnh, thích thể hiện mình để chứng tỏ bản lĩnh hay đẳng cấp với người xung quanh và thường tụ tập, đàn đúm theo nhóm có cùng sở thích.

“Ban đầu các đối tượng này có thể cũng sợ trước những trò như vậy, nhưng rồi bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, trong khi tâm lý không ai muốn bị chê là nhát, là kém nên vẫn “gật đầu” tham gia và chẳng may nếu có chuyện gì thì “đã có bố mẹ lo”... Rồi khi đi trên đường trong không khí huyên náo, kích động khiến các đối tượng quên hết sợ hãi” - tiến sĩ Hiếu phân tích.

Theo tiến sĩ Đào Trung Hiếu, lúc đã ở trên “đường đua” thì ý thức các đối tượng muốn thể hiện bản thân bằng cách phô diễn khả năng đi bằng 1 bánh xe hay còn gọi là “bốc đầu”, “đá lửa”, đổi tay lái... Sau vài lần là các đối tượng dường như quên sợ, đôi khi còn có hành vi trêu đùa, thích bị công an truy bắt.

Vị tiến sĩ tội phạm học cho rằng, đây là những suy nghĩ sai lầm của lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt là một bộ phận học sinh hiện nay, bởi hành vi này không những vi phạm trật tự an toàn giao thông mà còn gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, bị pháp luật nghiêm cấm.

Ngoài ra, hiện nay các đối tượng có hành vi phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tham gia các đoàn đua xe trái phép phần lớn nằm trong diện các gia đình có hoàn cảnh như có bố mẹ đã mất, bố mẹ ly dị... thiếu sự chăm sóc, giáo dục. Thậm chí, có gia đình vô tư giao xe cho con chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe đi tụ tập cùng bạn bè vào ban đêm.

Ông Hiếu cho rằng, để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đối với lứa tuổi thanh thiếu niên,cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm để cảnh báo, răn đe. Để mỗi người có ý thức rằng đua xe là xấu, là vi phạm pháp luật; để các đối tượng nhận thức rằng không nên đua xe, không dám đua xe, không muốn đua xe và cũng không thể đua xe.

“Thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa. Tuy nhiên một số đối tượng thanh thiếu niên có nhận thức, ý thức pháp luật rất hạn chế tiếp tục có hành vi vi phạm như điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, vượt đèn đỏ, bấm còi inh ỏi... gây ra hậu quả” - Trung tá Tống Đăng Công - Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an quận Hoàn Kiếm nói.

Theo Trung tá Tống Đăng Công, qua vụ án trên, cơ quan công an khuyến cáo những thanh thiếu niên có ý định thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông phải chấm dứt ngay. Đặc biệt những gia đình có con em trong độ tuổi này cần có biện pháp quản lý các em, bản thân phụ huynh phải nhận thức rõ hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với hành vi giao xe cho các cháu chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe.

MỚI - NÓNG